TTO - Đó là khẳng định của đại diện Bộ Giáo dục - đào tạo tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp ở Hà Nội bắt đầu từ 8h sáng nay 11-3.
Ngay từ sáng sớm hàng ngàn học sinh đến từ các trường THPT tại Hà Nội và các tỉnh lân cận đã đến tham dự Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2018 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Khoảng trên 10.000 học sinh đã có mặt từ sớm tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp tại Hà Nội bắt đầu từ 8h sáng nay 11-3 tại khuôn viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Gần 150 gian tư vấn của 100 trường ĐH-CĐ với rất nhiều hoạt động, hình thức trưng bày đã mang đến cho Ngày hội ở Hà Nội một không gian đa sắc màu.
Phương thức thi, tuyển sinh ổn định trong 3 năm tới
Nhiều trường THPT đã tổ chức cho học sinh đến Ngày hội với sự sắp xếp cẩn thận từng nhóm học sinh có giáo viên phụ trách để tham dự các phiên tư vấn, đồng thời có thông tin từ các nhóm trường phù hợp với nguyện vọng của học sinh.
Rất nhiều phụ huynh cùng đến với con để nghe tư vấn và tiếp cận thông tin từ các trường.
Ông Lê Thế Chữ phát biểu khai mạc Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm 2018 tại Hà Nội sáng 11-3 - Video: NGỌC QUANG
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phát biểu tại Ngày hội - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Phát biểu tại lễ khai mạc, TS Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT khẳng định phương thức thi, tuyển sinh ổn định trong ba năm tới và sẽ có định hướng dài hơi cho giai đoạn tiếp theo.
Bà Phụng cho biết Bộ GD-ĐT cũng xác định rõ chủ trương công khai minh bạch các thông tin, dữ liệu liên quan đến công tác thi, tuyển sinh nói riêng và công tác đào tạo nói chung.
Hiện tại, Bộ GD-ĐT đang triển khai xây dựng nhiều phần mềm quản lý dữ liệu để các cơ sở đào tạo kê khai dữ liệu, giúp thí sinh nhận diện rõ được thương hiệu, uy tín đích thực của từng trường nhằm chọn trường, chọn ngành học phù hợp.
Mặc dù không khí tại 150 gian tư vấn rất sôi động nhưng ở các khu tư vấn theo nhóm ngành của ban tổ chức vẫn tập trung nhiều học sinh. Mong muốn mô tả kỹ về các ngành đào tạo là những câu hỏi được đặt ra nhiều nhất ở hai khu vực tư vấn Khoa học Xã hội & Nhân văn và Kỹ thuật công nghệ.
Đặc biệt, nhiều học sinh Hà Nội có ý thức so sánh khi cùng một ngành nhưng các trường đào tạo khác nhau như thế nào, nhất là ở khu tư vấn nhóm ngành Kinh tế khi ban tư vấn có sự tham gia của tất cả đại diện các trường, học viện uy tín ở khối này.
GS-TS Đinh Văn Sơn, hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại giải đáp thắc mắc của học sinh về cơ hội nghề nghiệp khối ngành kinh tế - Video: THANH NHÂM
69% cử nhân thất nghiệp tại sao tập trung vào ngành kế toán?
Đặt câu hỏi như trên chứng tỏ các bạn học sinh Hà Nội đã tìm hiểu và quan tâm đến các thông tin về cơ hội việc làm, về tỷ lệ thất nghiệp.
TS Nguyễn Đào Tùng - Trưởng ban đào tạo, Học viện Tài chính chia sẻ: "Vấn đề dư thừa lao động chỉ rơi vào ba năm suy thoái kinh tế, không chỉ Việt Nam mà là tình hình chung thế giới. Nhưng sau 4 năm nữa, cơ hội có thể sẽ lại mở ra. Vì thế ngay bây giờ các em học ngành Kinh tế thì sau 4 năm nữa, cơ hội việc làm có thể sẽ tốt".
Tuy nhiên, TS Nguyễn Đào Tùng cũng khuyên các em học sinh nên tìm kiếm các kênh thông tin đáng tin cậy và đầy đủ vì nếu không có sự sàng lọc các em dễ bị hoang mang hoặc có định hướng sai.
"Học viện Tài chính năm nay sẽ đặt ngưỡng điểm tối thiêu xét tuyển là 17 điểm", TS Tùng chia sẻ đó là thông tin chính xác mà ông có thể nói vào thời điểm này.
Không lấy bằng tốt nghiệp vì...bận đi làm
Học sinh đặt câu hỏi tại Ngày hội - Ảnh: DANH TRỌNG
Cũng vẫn những ám ảnh về thất nghiệp, nhiều học sinh ở khu tư vấn nhóm ngành Khoa học Xã hội & Nhân văn đã đặt các câu hỏi về cơ hội việc làm, phải làm gì để sau khi ra trường có việc làm ngay.
Nhiều học sinh thấy ngành Đông Phương học rất "hot" nhưng lại không hiểu gì về ngành này và lo ngại sẽ thất nghiệp.
Chia sẻ một cách hóm hỉnh, PGS-TS Hoàng Anh Tuấn - Phó hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn cho biết ở khoa Đông Phương có những sinh viên mới chỉ năm thứ ba đã có việc làm ổn định.
"Trong đợt trao bằng tốt nghiệp, nhiều sinh viên không có thời gian quay lại trường để nhận vì bận đi làm. Thậm chí chỉ thực tập 1,5 tháng, có sinh viên đã nhận 8 triệu đồng", thầy Tuấn bật mí.
Thầy Tuấn cũng chia sẻ những ngành thuộc khối Nhân văn liên quan tới các nước châu Á như tiếng Hàn, Nhật... rất "đắt hàng" nếu sinh viên đáp ứng tốt yêu cầu đào tạo.
Cơ hội nhiều, chỉ cần cố gắng
Đây là thông điệp mà PGS-TS Hoàng Anh Tuấn - Phó hiệu trưởng trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội nhắn gửi đến các bạn học sinh.
Theo thầy Tuấn, cơ hội mở ra khi Bộ GD-ĐT không khống chế số lượng nguyện vọng đăng kí tuyển sinh, đồng thời ở các trường như ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, những sinh viên nghiêm túc học tập và có kết quả học tập tốt có cơ hội được đăng kí học song ngành.
Học song ngành, sinh viên vừa tiết kiệm thời gian do có một số tín chỉ chung cho nhiều ngành chỉ cần học một lần, vừa có cơ hội nhận bằng tốt nghiệp của nhiều ngành khác nhau.
Nữ học kỹ thuật: không còn là số ít
Sinh viên, học sinh tham dự Ngày hội - Ảnh: DANH TRỌNG
Ở khu tư vấn nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, khá nhiều thí sinh nữ băn khoăn "thích ngành kỹ thuật nhưng sợ không phù hợp với nữ".
Tuy nhiên các chuyên gia đến từ các trường kỹ thuật như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Giao thông vận tải, Trường CĐ Cơ điện Hà Nội... đều khẳng định sinh viên nữ học các ngành kỹ thuật hiện nay không còn là thiểu số.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhiều ngành kỹ thuật - kể cả ngành cơ khí, luyện kim... sinh viên nữ theo học ngày càng đông. Kết quả học tập của sinh viên nữ cũng rất ấn tượng. Trong số những sinh viên đạt loại giỏi, xuất sắc của trường, thì sinh viên nữ chiếm tỉ lệ lớn.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải, khẳng định khái niệm các ngành kỹ thuật không còn vất vả như trước đây. Phần lớn các công việc cụ thể của các ngành kỹ thuật, từ khảo sát, thiết kế... đều có sự hỗ trợ của máy móc, thiết bị.
Tại Trường ĐH Giao thông vận tải, tỉ lệ sinh viên nữ cũng ngày càng tăng, trong đó có nhiều sinh viên giỏi, sinh viên xuất sắc. Đặc biệt, ông Chương cũng "bật mí" nhiều năm qua, Trường ĐH Giao thông vận tải còn có giải bóng đá nữ dành cho sinh viên.
5 điểm một môn thi mới đậu tốt nghiệp: tin thất thiệt
Các thầy cô và chuyên gia tư vấn tại Ngày hội - Ảnh: DANH TRỌNG
Trong 2-3 ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin theo quy chế thi THPT quốc gia năm 2018 vừa được Bộ GD-ĐT công bố, thí sinh phải đảm bảo mỗi môn thi thành phần phải đạt 5 điểm trở lên mới đủ điều kiện để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Câu hỏi này đã được thí sinh đặt ra tại Ngày hội.
TS Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT, cho biết bà cũng chờ câu hỏi này của thí sinh để giải tỏa băn khoăn, tránh hoang mang không cần thiết.
Bà Phụng khẳng định công thức tính điểm xét tốt nghiệp trong quy chế thi THPT quốc gia và xét tốt nghiệp THPT năm 2018 không có thay đổi so với năm 2017. Trong đó, về điều kiện xét công nhận tốt nghiệp hoàn toàn không có chuyện yêu cầu mỗi môn thành phần của thí sinh phải đạt mức tối thiểu 5 điểm.
Cũng giống như năm 2017, mức điểm xét tốt nghiệp 5.0 được tính là điểm trung bình các môn thi THPT quốc gia (đăng ký để xét tốt nghiệp) cộng với điểm trung bình các môn học lớp 12 chia cho 2 và cộng với điểm ưu tiên như năm 2017.
Các vị đại biểu cắt băng khai mạc Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2018 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Bà Lê Mai Lan - Phó chủ tịch tập đoàn Vingroup - đại diện nhà tài trợ, phát biểu tại lễ khai mạc Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2018 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Một nữ sinh chia sẻ băn khoăn tại Ngày hội - Ảnh: DANH TRỌNG
Một nữ sinh viên Trường ĐH Hàng Hải Việt Nam phát tờ rơi thông tin tuyển sinh của nhà trường cho bạn học sinh - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Gian hàng của Học viện tài chính thu hút đông học sinh với các tiết mục biểu diễn nhảy đương đại sôi động - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Học sinh chụp ảnh lưu niệm với chú gấu bông cầm logo Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH