TTO - Khi người thầy nhắc nhở nhau 'mặc kệ nó' mỗi khi trò phạm lỗi, hệ quả tất yếu mỗi đứa trẻ phải gánh lấy là sự suy thoái đạo đức một cách vô hình.
Ngày xưa học sinh và phụ huynh tri ân thầy cô bằng tấm lòng, ngày nay họ ''tri ân'' bằng vật chất và đi đôi với đó là sự thiếu tôn trọng thầy cô - Tranh: ĐÀM HUYỀN
Mối quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên đang ngày càng căng thẳng, vượt chuẩn mực đạo lý thông thường. Khi mà hành vi can thiệp thô bạo, phản cảm phụ huynh vào phương pháp giáo dục của nhà trường ngày một gia tăng, tôi nghĩ chính con cái chúng ta sẽ nhận "quả đắng" từ chính thái độ vô ơn của cha mẹ.
"Ăn miếng trả miếng" với cô giáo
Việc phụ huynh bức xúc với cô giáo rồi "tố giác" trên mạng xã hội nhiều vô kể. Phụ huynh tức giận lao đến trường quát mắng, đuổi đánh, bạt tai cô giáo vì đã đánh mắng con cái họ cũng đã xảy ra.
Giờ đây, phụ huynh ép cô giáo quỳ gối mới "cho qua" chuyện cô giáo phạt quỳ học trò chính là đỉnh điểm tồi tệ của văn hóa ứng xử!
Sao phụ huynh có thể "ăn miếng trả miếng" với cô giáo của con? Câu hỏi ấy làm quặn đau lòng người thầy và khiến chúng ta trăn trở rất nhiều về phương pháp giáo dục trẻ.
Bao nhiêu bạn đọc lên tiếng rằng nhờ đòn roi của thầy mà khôn lớn, nhờ sự nghiêm khắc của thầy mà nên người. Vậy nhưng vẫn xuất hiện những bình luận làm người thầy đắng chát cõi lòng khi khăng khăng lên án đòn roi, lên án hành vi bắt trò quỳ gối là phản giáo dục.
Thử hỏi quý vị phụ huynh có lúc nào đó cũng bực mình, quát mắng, phạt quỳ, tét roi vào mông con trẻ không? Xin nhớ chúng ta chỉ nuôi dạy 1, 2 đứa trẻ.
Nếu câu trả lời là "không" thì hẳn là bạn đã có những đứa trẻ rất ngoan và đủ nhận thức để phân biệt tốt - xấu, đúng - sai. Nhưng cô giáo không phải chỉ dạy dỗ một vài cháu và lớp học là một tập thể với hơn 40 cá tính khác nhau.
Dạy trẻ bằng tấm gương sáng mẫu mực ư? Chỉ hợp với một nhóm trẻ.
Cảm hóa trẻ bằng tình yêu thương ư? Vẫn chỉ phù hợp với một nhóm đối tượng.
Vấn đề đặt ra là có trẻ có thể áp dụng phương pháp giáo dục nêu gương, có trẻ thích nghi với phương pháp giáo dục bằng tình yêu thương, nhưng cũng có trẻ buộc ta phải nghiêm nghị trong ánh mắt, nghiêm khắc trong lời nói, thậm chí 1-2 roi vào tay mới mong uốn nắn trẻ vào khuôn phép.
Trong trường học thân thiện, phạt quỳ và các hình thức "gõ đầu trẻ" khác đều bị quy kết vào xâm phạm thân thể, xúc phạm nhân cách học trò. Tôi không phản đối quan điểm ấy nhưng chưa thật sự đồng tình.
Bởi nếu chỉ bằng phương pháp nêu gương và giáo dục thông qua tình yêu thương mà xã hội này bình yên, tử tế thì chẳng cần đến pháp luật làm gì! Nhà trường cũng vậy, phải có nội quy học đường với những quy định nghiêm ngặt nhằm trẻ vào nề nếp, khuôn phép.
Và một khi trẻ có biểu hiện vượt ra ngoài nội quy thì bắt buộc thầy cô phải nghiêm khắc răn đe, chấn chỉnh. Một, hai roi vào tay hay cái quỳ gối sẽ không làm trẻ phải đau đớn, tổn thương nhiều lắm đâu. Cái đáng sợ nhất chính là mỗi ngày lên lớp, chúng chỉ được học lý thuyết , còn việc rèn nhân cách bị "bỏ ngỏ".
Đẩy giáo dục vào ngõ cụt
Nghịch lý là phụ huynh cho con trẻ đến trường đều một hai "trăm sự nhờ thầy cô" dạy dỗ cháu. Nhưng hễ giáo viên "động" đến "quý tử", "công chúa" nhà mình thì y như rằng lại nhảy đoành đoạch chẳng cần phân biệt đúng sai.
Kết tội thầy cô chẳng cần lý lẽ, chẳng tìm hiểu đầu đuôi ngọn ngành và phủ nhận mọi lời thanh minh, hối lỗi, phụ huynh đang dần đẩy giáo dục đi vào ngõ cụt.
Khi người thầy nhắc nhở nhau "mặc kệ nó" mỗi khi thấy trò phạm lỗi, hệ quả tất yếu mỗi đứa trẻ phải gánh lấy là sự suy thoái đạo đức một cách vô hình.
Khi người thầy mâu thuẫn trong chọn lựa "lương tâm hay lương tháng", hẳn nhiên biểu hiện lệch lạc của giới trẻ sẽ manh nha nhiều hơn.
Khi người thầy trăn trở "nên hay không nên" nhiệt tâm giáo dục trẻ để rồi chuốc vạ vào thân, gia đình và xã hội sẽ có thêm nhiều gánh nặng.
Cô giáo quỳ xuống, cái xấu nảy lên! Suy nghĩ tiêu cực ấy của tôi có quá đà chút nào không khi mà chúng ta phải chứng kiến ngày càng nhiều câu chuyện buồn của giáo dục và sự nhiễu nhương trong xã hội?
Một nam sinh lớp 8 ở Bến Tre vừa mắng chửi và bóp cổ cô giáo Tiếng Anh của mình. Trước đó nữa, nữ sinh ở Hậu Giang cầm vở đánh lại thầy giáo khi bị thầy gõ vào đầu. Tiếc thay chuyện lạ đó lại là sự thật trêu ngươi, nhức nhối.
Nếu việc trò đánh thầy là hi hữu, hiếm có thì việc trò cãi lời thầy, chẳng sợ uy thầy lại là nỗi đau của nhiều giáo viên đứng lớp hiện nay. Các em biết rằng thầy chẳng dám đánh, mắng mình đâu. Các em rỉ tai nhau: "Ổng chẳng dám đụng vào tao đâu!". Có em nói thẳng với thầy giáo: "Thầy đụng vào em đi mà ăn cho hết"!
Vâng, đừng nghĩ tôi đang viết chuyện hư cấu, tưởng tượng! Tôi chỉ muốn nói hộ nỗi lòng của biết bao nhà giáo vẫn ấm ức lâu nay khi gặp trò cá biệt. Thói xấu ấy bắt nguồn từ chính thái độ ôm ấp, bao che, nâng đỡ của phụ huynh đối với con bất kể đúng sai.
Nó manh nha từ trong chính cách ứng xử bạc bẽo của phụ huynh với thầy cô giáo của con. Và nó là "quả đắng" mà chúng ta phải nhận khi tước sạch quyền giáo dục con trẻ của thầy cô!
Một lớp học trò không tử tế trong nhà trường sẽ lớn lên thành những công dân như thế nào trong xã hội? Câu hỏi ấy buộc chúng ta phải suy ngẫm nhiều…