TTO - "Khuyết tật" của quá trình này là việc thiếu minh bạch công khai hồ sơ ứng viên và thiếu trách nhiệm giải trình của các thành viên hội đồng.
Vụ lùm xùm về hồ sơ GS, PGS đã được Thường trực Chính phủ kết luận, trong đó yêu cầu Bộ GD-ĐT khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định thay thế quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS đã ban hành.
Vấn đề đặt ra ở đây là cơ quan được giao nhiệm vụ hoàn thiện quy định nói trên có can đảm, có bản lĩnh, có trí tuệ nhìn thẳng vào những "khuyết tật" vốn tồn tại trong tiêu chuẩn, quy trình, cách thức tổ chức thực hiện việc xét công nhận đạt chuẩn.
Qua dư luận và ý kiến của các nhà khoa học chân chính cho thấy "khuyết tật" của quá trình này là việc thiếu minh bạch công khai hồ sơ ứng viên và thiếu trách nhiệm giải trình của các thành viên hội đồng.
Các hội đồng họp trao đổi thảo luận từng hồ sơ thì mở trong hội đồng nhưng bỏ phiếu thì lại kín, nên không tránh khỏi chuyện bỏ phiếu theo cảm tính và lại không chịu trách nhiệm cá nhân với lá phiếu.
Có nên chăng giữ mãi các thành viên hoặc chủ tịch hội đồng cơ sở hay hội đồng ngành, khiến họ trở thành "cây cao bóng cả" với nhiều "đặc ân" mà cấp trên và xã hội khó giám sát.
Khi mọi hồ sơ, công trình nghiên cứu, những kết quả đóng góp được công khai trên Internet, mọi việc áp đặt ý muốn chủ quan của các hội đồng cũng phải dè chừng.
Hơn nữa, chỉ có công khai toàn bộ hồ sơ một cách minh bạch thì các ứng viên làm hồ sơ GS, PGS cũng phải tự kiểm sự trung thực trong nghiên cứu và giảng dạy của bản thân khi làm hồ sơ.
Đành rằng sự minh bạch, công khai có thể sẽ làm cho ai đó cảm thấy mất sự tin tưởng, mất đi chút quyền uy và lợi ích, nhưng lợi ích cho xã hội vô cùng lớn trong việc làm sạch "hệ sinh thái học thuật" đưa nền giáo dục nước nhà phát triển.
Lúc này hơn bao giờ hết cần thể hiện bản lĩnh của Bộ GD-ĐT tham mưu cho Thủ tướng kiên quyết cấm những công chức nói chung và những người có vị trí lãnh đạo quản lý tham gia làm ứng viên GS, PGS cho dù có thể đụng chạm đến người này người khác.
Làm vậy để giúp cho chính họ tập trung sức lực, trí tuệ trong công việc, tránh đi dư luận xấu về việc lợi dụng quyền lực hành chính, chính trị để có lợi thế trong việc xét tiêu chuẩn chức danh.
Làm vậy cũng là hợp logic của thị trường lao động, mỗi người có một nghề nghiệp trong một thời điểm mà không thể có hai nghề nghiệp cùng lúc. Sau này nếu ai đó không còn làm công chức có thể đăng ký ứng viên GS, PGS - điều mà Nhà nước không cấm.
Để hiện thực hóa việc rút kinh nghiệm sâu sắc qua vụ việc hồ sơ GS, PGS, người đứng đầu Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước và Bộ GD-ĐT cần tham khảo ý kiến các chuyên gia xác định rõ nội hàm của những bài học kinh nghiệm cần rút ra là gì để hoàn thiện dự thảo.
Chỉ có nhìn thẳng vào sự thật của những "khuyết tật" và dám đối mặt với thách thức của đổi mới để hành động quyết liệt mới hi vọng niềm tin vào ngành sẽ trở lại.