Giáo dục

Bắt cô giáo quỳ, con cái học được gì từ phụ huynh?

TTO - Phụ huynh đã xem thầy cô như một kẻ bán chữ chứ không phải là người sẽ giúp con họ trưởng thành về cả trí tuệ lẫn nhân cách. Đứa trẻ sẽ học được gì?

Bắt cô giáo quỳ, con cái học được gì từ phụ huynh? - Ảnh 1.

Cho rằng đòn roi, phạt trẻ là phản giáo dục, nhiều người có cách hành xử tệ hại với giáo viên và ảnh hưởng lớn đến môi trường giáo dục

Trong khi cơ quan chức năng đang xác minh để "có cách thức xử lý phù hợp" vụ việc cô giáo N. ở Trường tiểu học Bình Chánh, Long An bị phụ huynh học sinh bắt quỳ xin lỗi, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng vì những gì đã xảy ra. 

Đau lòng

"Hình ảnh cô giáo phải quỳ trước phụ huynh khiến dư luận không khỏi bức xúc. Tôi cho rằng đây là hành vi phản cảm, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường giáo dục; xúc phạm hình ảnh của người thầy", bạn đọc Đỗ Văn Nhân, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum bức xúc.

ThS Lê Ngọc Điệp (nguyên trưởng phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM) thì nói ông rất đau lòng. "Thầy cô giáo thường được ví như nhà sư phạm: sư là ông thầy, còn phạm là cái khung; tức là ông thầy giáo dục học sinh trong một cái khung với những nguyên tắc nhất định: có những việc được làm và không được làm. 

Bên cạnh đó, thầy cũng được các phụ huynh, người dân tại địa phương (trong làng, xã) kính trọng. Với chuyện ở Trường tiểu học Bình Chánh, là một người đã từng làm việc trong ngành giáo dục tiểu học mấy chục năm, tôi rất đau lòng", ông nói.

"Cô giáo có thể sai khi trách phạt học sinh nhưng nếu cô sai thì hiệu trưởng có thể có nhiều hình thức để kỷ luật cô. Chứ chuyện cô giáo phải quỳ trước mặt phụ huynh là một hình ảnh không thể chấp nhận được trong môi trường sư phạm, nó rất phản cảm, làm mất đi tinh thần tôn sư trọng đạo của nhân dân ta vốn đã được xây dựng từ lâu nay", ông thêm.

Trong khi đó TS Võ Văn Nam (khoa tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đề nghị phải trả lại vị trí của người thầy. 

"Cô giáo đã có công dạy dỗ con em mình hằng ngày mà các phụ huynh lại nỡ dùng hình thức "trả đũa" cô bằng cách hạ nhục, bôi nhọ danh dự, uy tín của cô như thế - thật khó chấp nhận. 

Tôi cho rằng chính quyền địa phương và ngành GD-ĐT cần có cách giải quyết vụ việc này một cách thỏa đáng để trả lại vị trí đáng có của người thầy. 

Bởi xét cho cùng, phụ huynh phải tôn trọng giáo viên, người thầy phải có uy tín thì mới giáo dục học sinh hiệu quả, con em của phụ huynh mới nên người", TS Nam nêu.

Lỗi ở người lớn và xã hội

Gọi đây là vụ việc đáng tiếc, nhà giáo Tô Thụy Diễm Quyên (người sáng lập Diễn đàn "Giáo dục sáng tạo Việt Nam") phân tích sự việc là do lỗi người lớn.

Thứ nhất, lỗi ở cô giáo. Cô đã làm trẻ sợ đến trường, cô đã không biết cách xử lý tình huống một cách sư phạm và hiệu quả trong quá trình giảng dạy. Cô cũng không tự phát triển mình, tìm đến những phương pháp giáo dục trẻ mà không cần bạo lực.

Thứ hai, lỗi ở ban giám hiệu. Họ đã không quản lý được chất lượng giáo dục, không giúp giáo viên biết cách làm trẻ yêu thích việc học và không dám chịu trách nhiệm của một lãnh đạo, để giáo viên một mình giải quyết xung đột.

Thứ ba, lỗi là ở phụ huynh. Phụ huynh đã xem thầy cô như một kẻ bán chữ chứ không phải là người sẽ giúp con họ trưởng thành về cả trí tuệ lẫn nhân cách. Thay vì ngồi lại cùng cô để tìm giải pháp giúp con mình thì họ lại chọn bạo lực.

Cuối cùng, lỗi là ở xã hội. Khi tinh thần tôn sư trọng đạo chưa được coi trọng đúng mực thì sự việc như trên sẽ còn xảy ra.

Người bắt cô giáo quỳ từng là cán bộ tư pháp

Ngày 5-3, ông Trần Văn Tươi - chủ tịch UBND huyện Bến Lức, tỉnh Long An - cho biết tổ xác minh của Phòng GD-ĐT huyện đã làm việc với những người liên quan vụ cô giáo quỳ trước mặt phụ huynh ngày 28-2.

Theo đó sau khi tổ xác minh làm rõ mọi chi tiết liên quan đến vụ việc, sẽ có cách thức xử lý phù hợp. "Những người trong cuộc, cả ông Võ Hòa Thuận là đảng viênnên Huyện ủy cũng chỉ đạo Đảng ủy xã Nhựt Chánh làm rõ để có hình thức xử lý về mặt Đảng", ông Tươi nói.

Được biết ông Võ Hòa Thuận - người được nói là bắt cô giáo quỳ, là luật sư. Trước đây ông Thuận là cán bộ tư pháp của một xã thuộc huyện Bến Lức và là đảng viên sinh hoạt chi bộ ấp.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  184,154       1/576