TTO - Sự kiện Gạc Ma sẽ được đưa vào chương trình - sách giáo khoa mới, nhưng nội dung sự kiện sẽ được dạy thế nào ở từng cấp học?
GS.TS Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, chủ biên chương trình môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới, cho biết:
Trước đây Gạc Ma chưa có trong chương trình và sách giáo khoa (SGK) lịch sử ở bậc phổ thông và cả đại học, nhưng điều đó không có nghĩa sự kiện này bị lãng quên.
Trong thời điểm hiện nay, những nghiên cứu về Gạc Ma cho phép nhà biên soạn chương trình có thể sử dụng nội dung đạt độ chính xác, quan điểm nhận thức về sự kiện này cũng ổn định, không gây tranh cãi.
Có như vậy thì mới khiến học sinh hiểu đúng, hiểu đủ và quan trọng là có được bài học giáo dục sâu sắc.
* Nhiều người cho rằng Gạc Ma và nhiều sự kiện lịch sử khác vắng bóng trong chương trình giáo dục phổ thông vì đó là những sự kiện Việt Nam chịu tổn thất?
- Tôi cho rằng lịch sử dạy cho học sinh không thể né tránh sự hi sinh, tổn thất. Vì những hi sinh, tổn thất đó góp phần tạo nên lịch sử hào hùng, thấm đẫm lòng yêu nước. Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Bà Triệu, sự hi sinh của Trần Bình Trọng, Nguyễn Trung Trực... đều được đưa vào sách.
Trở lại câu chuyện Gạc Ma, có người gọi đó là trận thảm sát nhưng tôi không đồng ý cách dùng từ đó vì những người bộ đội Việt Nam không đứng yên để bị thảm sát mà họ đã chiến đấu đến giây phút cuối cùng, kể cả khi trong tay không có vũ khí.
Đó là một trận chiến khốc liệt, một trang sử bi tráng nhưng có giá trị giáo dục sâu sắc với thế hệ trẻ bây giờ.
GS.TS Phạm Hồng Tung - chủ biên chương trình môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới - Ảnh: VĨNH HÀ
* Gạc Ma trong chương trình giáo dục phổ thông mới được đề cập như thế nào?
- Sự kiện này có cả ở chương trình giáo dục THCS môn lịch sử và địa lý và chương trình giáo dục THPT. Ở bậc THCS sẽ có một chủ đề tích hợp dự kiến có tên Biển đảo Việt Nam nhấn mạnh đến chủ quyền Việt Nam trên biển, trong đó cũng đề cập đến sự kiện Gạc Ma năm 1988, Hải chiến Hoàng Sa năm 1974...
Ở bậc THPT, Gạc Ma cũng sẽ xuất hiện trong hai chủ đề là Lịch sử các cuộc chiến tranh giải phóng bảo vệ Tổ quốc và chủ đề Biển đảo Việt Nam.
Ngoài sự kiện Gạc Ma, chương trình lịch sử phổ thông cũng sẽ đề cập đến cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc và biên giới phía Tây Nam và toàn bộ cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia Việt Nam từ sau năm 1979 đến nay.
Xung quanh sự kiện Gạc Ma, học sinh cũng sẽ hình dung được các vấn đề của khu vực, thế giới và sự liên quan, ảnh hưởng đến sự kiện Gạc Ma.
Cần đưa sự kiện Gạc Ma vào sách để các em biết rằng đã có những bậc cha chú nằm lại nơi biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đừng để các em không biết về những giai đoạn thiêng liêng mà đất nước ta đã trải qua"
Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Lanh
* Ở góc nhìn của một nhà sử học, một chủ biên chương trình môn lịch sử, theo ông thì bài học về Gạc Ma nên tiếp cận theo hướng nào?
- Trong nhà trường, quan điểm của tôi là không né tránh, không cung cấp thông tin thiếu khách quan, mà phải đặt ra nguyên tắc tôn trọng sự thật. Việc tiếp cận lịch sử Việt Nam đa chiều sẽ giúp người học nhìn nhận giá trị lịch sử đúng mức.
Bài học lịch sử sẽ rút ra từ cái nhìn đa chiều đó. Với Gạc Ma, đó là bài học về khát vọng hòa bình. Và để có hòa bình, để giữ được chủ quyền lãnh thổ, chỉ có lòng yêu nước thôi chưa đủ. Còn cần sức mạnh đoàn kết, cần ý chí quyết tâm và quan trọng nữa là cần trí tuệ, cần phát triển nội lực...
Cứ nhìn trong lịch sử Việt Nam thì thấy, trong thế nội lực của ta yếu hơn địch, nếu không có trí tuệ và khối đại đoàn kết toàn dân thì không thể đánh thắng. Những thất bại đều trở thành bài học cho chiến thắng sau này, khi lòng yêu nước, sự quyết tâm phải đi cùng với trí tuệ mưu lược và sự chung sức của toàn dân.
Ví như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, là một thiên tài quân sự nhưng cũng từng có những trận thất bại, có khi phải bỏ chạy, bên mình ông chỉ còn một mình gia tướng Dã Tượng. Có thất bại thì mới có trận thắng Hàm Tử Quan, Bạch Đằng Giang lừng lẫy...
Về sự kiện Gạc Ma, sự hi sinh của những người lính giữ nghiêm quân lệnh, không rơi vào bẫy gây hấn để châm ngòi cuộc chiến của Trung Quốc đã giúp Việt Nam giữ được chủ quyền ở Trường Sa và vượt qua những năm tháng khó khăn nhất.
Đồng thời chúng ta đã chứng minh cho thế giới rõ về quan điểm hướng tới hòa bình, dùng phương pháp đấu tranh trong hòa bình để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giải quyết các bất đồng, mâu thuẫn...
* Quan điểm này rất mới so với quan điểm dạy lịch sử cứng nhắc trước đây, nhưng liệu có thực hiện được không khi ở trong các nhà trường, cách tiếp cận lịch sử của giáo viên không kịp thay đổi?
- Tôi tin các giáo viên - đồng nghiệp của tôi đều tâm huyết và sẵn sàng thay đổi. Chỉ cần có hướng dẫn và tập huấn tốt để giáo viên hiểu được tinh thần và cách thức thì họ sẽ làm được.
Vấn đề là không chỉ đổi mới dạy và học mà phải đổi mới cả thi cử. Khi mà trong thi cử chỉ chăm chăm yêu cầu học sinh trình bày sự kiện rồi cho biết "nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử" thì chưa thực sự đổi mới.
Tôi mong muốn thế hệ sau này hiểu rõ về đàn anh, đàn chú đã kiên cường chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đưa sự kiện Gạc Ma vào SGK sẽ giáo dục tất cả thể hệ học sinh trong cả nước biết rằng chúng ta có thể sẽ hi sinh và sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc. Sự kiện được đưa vào SGK cũng là một sự tri ân với những người đã ngã xuống vì toàn vẹn chủ quyền biển đảo của đất nước"
Anh Lê Minh Thoa - cựu binh Gạc Ma
Tạo niềm tin cho giới trẻ
Cô Nguyễn Kim Tường Vy - tổ trưởng tổ sử Trường THPT Nguyễn Hiền, quận 11, TP.HCM, bày tỏ hi vọng "những thông tin về Gạc Ma trong sách giáo khoa sẽ là những thông tin chính thống, giúp học sinh hiểu lịch sử nước nhà một cách đúng đắn.
"Bên cạnh đó, việc đưa sự kiện Gạc Ma vào chương trình - sách giáo khoa còn là một cách tạo niềm tin cho học sinh, cho giới trẻ về bộ môn lịch sử: phản ánh trung thực diễn biến lịch sử nước nhà", cô nói.