Giáo dục

Không tuyển thí sinh ‘có hình xăm kinh dị, kỳ quái’

TTO - Quy định này được xếp vào là một trong những tiêu chuẩn về lý lịch chính trị của thí sinh.

Không tuyển thí sinh ‘có hình xăm kinh dị, kỳ quái’ - Ảnh 1.

Trung tướng Trần Hữu Phúc - Cục trưởng Cục Nhà trường, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, trao đổi về công tác tuyển sinh quân sự năm 2018- Ảnh: NGỌC HÀ

Theo quy định của Ban tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng, một trong những tiêu chuẩn dành cho thí sinh có nguyện vọng vào các trường quân đội là trên cơ thể "không có hình xăm mang tính kinh dị, kỳ quái, kích động, bạo lực, gây phản cảm".

Đã trúng tuyển vẫn phải "hậu kiểm"

Thông tin này được Đại tá Vũ Xuân Tiến - Trưởng ban thư ký Ban tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng, chia sẻ tại cuộc gặp gỡ báo chí về công tác tuyển sinh quân sự năm 2018 chiều 16-3.

Một số trường đại học dân sự đã đánh giá lại chất lượng thí sinh trúng tuyển theo kỳ thi THPT quốc gia 2-3 năm gần đây bằng cách so sánh kết quả học tập của lứa sinh viên trúng tuyển bằng kỳ thi "ba chung" trước đây. Còn với các trường quân đội, có kênh nào để đánh giá chất lượng thí sinh trúng tuyển những năm gần đây?

Đáp lại câu hỏi này, ông Tiến cho biết công tác "hậu kiểm" thí sinh sau khi trúng tuyển vào trường quân đội từ trước đến nay được thực hiện rất quyết liệt.

Riêng từ năm 2017, các trường đều kiểm tra học bạ của các thí sinh trúng tuyển để đối chứng với kết quả thi. Ngoài ra còn áp dụng thêm một số biện pháp "hậu kiểm" khác.

Năm 2018, các trường quân đội tiếp tục xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia, nhưng những năm tới liệu có thay đổi?

Ông Tiến cho biết từ nay đến năm 2020, theo tinh thần Bộ GD-ĐT giữ ổn định kỳ thi THPT quốc gia, các trường quân đội nhìn chung cũng sẽ duy trì việc sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển.

Nhiều điểm mới cần lưu ý

Trung tướng Trần Hữu Phúc - Cục trưởng Cục Nhà trường, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, cho biết năm 2018, tuyển sinh quân sự cũng có một số điểm mới đáp ứng nhu cầu thực tiễn, trong đó có quy định cụ thể số lượng tối thiểu được tuyển thí sinh nữ.

Theo đó, các ngành được giao chỉ tiêu tuyển sinh nữ, mỗi ngành được tuyển ít nhất là 2 thí sinh. Điều này sẽ giúp tăng chỉ tiêu thí sinh nữ ở một số ngành. Bởi lẽ thực tế các năm trước, có một số ngành tuyển chỉ tuyển khoảng 10 chỉ tiêu, nếu tuyển sinh nữ và tuân thủ tỉ lệ 10% nữ thì tổng số thí sinh nữ trúng tuyển chỉ là… 1 người.

Về quy định chung, Bộ Quốc phòng cho phép các trường tuyển 10% chỉ tiêu nữ cho các ngành bác sĩ quân y (Học viện Quân y); quan hệ quốc tế về quốc phòng, ngoại ngữ (học viện Khoa học Quân sự). 

Riêng các ngành công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, điện tử y sinh, khí tài quang, địa tin học tại học viện Kỹ thuật quân sự chỉ được tuyển không quá 6% chỉ tiêu nữ.

Năm 2018 cũng là năm Ban tuyển sinh quân sự bổ sung quy định về độ tuổi của thí sinh dự tuyển. Theo đó, riêng đối tượng hoàn thành nghĩa vụ công an nhân dân sẽ xét từ 18 đến 23 tuổi để phù hợp với thực tế có đối tượng sau khi hoàn thành nghĩa vụ công an có nguyện vọng dự tuyển vào trường quân đội.

Ngoài ra, các trường quân đội cũng điều chỉnh đối tượng được ưu tiên về chiều cao trong tuyển sinh.

Thí sinh nam là người dân tộc thiểu số thuộc 16 dân tộc rất ít người (gồm các dân tộc: Cống, Mảng, Pu Péo, Si La, Cờ Lao, Bố Y, La Ha, Ngái, Chứt, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Lô Lô, Lự, Pà Thẻn, La Hủ) sẽ được lấy chiều cao từ 1,6m trở lên.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  182,269       1/787