Giáo dục

Ước mơ chông chênh vì nghèo

TTO - Khi thí sinh cả nước chuẩn bị làm hồ sơ thi THPT quốc gia thì một học sinh lớp 12 ở Phú Yên từng đoạt giải ba cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh phải bỏ học vì gia cảnh khốn khó.

Ước mơ chông chênh vì nghèo - Ảnh 1.

Từ đồ chơi làm cho em gái, Nghĩa phát triển thành robot và đoạt giải ba cuộc thi khoa học kỹ thuật tỉnh Phú Yên - Ảnh: Lý Thị Thủy

Hai hôm rồi Nguyễn Trọng Nghĩa (học sinh lớp 12A Trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt, Sông Hinh) nghỉ học không lý do. Em chưa bao giờ như thế. Tôi hỏi các bạn trong lớp và đều được trả lời: "Chắc bạn ấy nghỉ học luôn đó cô ạ!". Thói quen của tôi là học trò vắng từ hai buổi trở lên dù có lý do hay không tôi cũng tìm cách liên hệ ba mẹ các em. Và thường tôi sẽ ghé thăm nhà các em đột xuất vì muốn biết học trò mình đang gặp phải vấn đề gì.

Giải ba thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh

Chiều, tôi ghé nhà Nghĩa. Vừa đến sân đã nghe tiếng em đang trò chuyện với cô em gái bé bỏng của mình. Trên tay Nghĩa là cái điều khiển robot chở hàng từ nơi này đến nơi kia cho cô em gái nhỏ xem. Thấy tôi, Nghĩa hiểu vì sao cô giáo có mặt tại nhà mình. Em cúi đầu như muốn khóc.

Tôi nhẹ nhàng hỏi: "Vì sao em không đến lớp nữa?". Nghĩa thưa: "Em phải ở nhà trông em. Ba em cũng ốm rồi ạ. Với lại ba mẹ không đủ sức để kiếm tiền lo chữa bệnh cho em của em và cả lo cho em học nữa".

Nghĩa vừa nói vừa ôm đứa em gái gầy yếu vào lòng. Em gái của Nghĩa từ khi sinh ra hay bệnh, thời gian ở viện nhiều hơn ở nhà nên giờ đây lúc nào cũng phải có người ở nhà trông em. Vì thương em nên Nghĩa thường tận dụng những đồ dùng đã hư để chế tạo các loại đồ chơi cho em. Đó cũng là đam mê của Nghĩa. Vì thế, trong cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp trường vừa rồi em đoạt giải nhất với sản phẩm robot vận chuyển hàng trong kho.

Cũng với sản phẩm trên, em đã nghiên cứu nâng cấp và tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THPT năm học 2017-2018 tỉnh Phú Yên và đoạt giải ba.

Cả trường chung tay

Thế nhưng giờ đây ước mơ của Nghĩa hóa chênh vênh vì cái nghèo khó và bệnh tật đang đeo đẳng gia đình. Tôi hỏi em: "Em còn muốn trở thành kỹ sư chế tạo máy nữa không?". Em cúi đầu: "Dạ em muốn để sau này có thể giúp cha mẹ lo cho em gái em. Nhưng giờ em không có tiền mua sách vở tài liệu ôn thi, mua hồ sơ dự thi cô ạ!". Tôi dặn em: "Không sao cả, miễn em còn muốn đi học là được. Bây giờ thì em phải nghe lời cô: Ngày mai em phải đến trường!".

Em cúi đầu, nước mắt rơi...

Tôi đưa câu chuyện của Nghĩa đến cuộc họp hội đồng sư phạm của trường. Tất cả giáo viên và nhân viên trong trường nhanh chóng quyên góp cho em. Dù số tiền rất ít ỏi nhưng đủ để giúp em vượt qua khó khăn trước mắt.

Hằng ngày Nghĩa ngồi trong lớp, vẻ mặt già dặn hơn những bạn cùng tuổi vì trải qua nhiều thiếu thốn, nhọc nhằn, nhưng đôi mắt vẫn sáng lên niềm tin vào một ngày mai tươi sáng hơn. Nhìn cậu học trò thông minh hiếu học, biết lo lắng cho ba mẹ và em gái, tôi lại không khỏi chạnh lòng. Cái nghèo đang khiến ước mơ tươi đẹp của học trò tôi hóa chông chênh. Và tôi, cứ mỗi lần gặp những cô cậu học trò rơi vào hoàn cảnh như em, lại cảm thấy mình bất lực.

Ngoài việc động viên và cùng nhà trường cố gắng góp những khoản tiền nhỏ bé để giúp em vượt qua khó khăn trước mắt, tôi còn có thể làm được gì hơn?

Ước mơ làm kỹ sư chế tạo máy

nghĩa2

Nghĩa tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh - Ảnh: NVCC

Em từng nói với tôi mơ ước thi đậu vào đại học để sau này có thể trở thành kỹ sư chế tạo máy. Không chỉ đam mê nghiên cứu sáng tạo, em còn học đều tất cả các môn. Học kỳ I vừa qua Nghĩa đạt học sinh giỏi và luôn là một trong những gương mặt tiêu biểu của lớp, trường trong mọi hoạt động của Đoàn, của nhà trường.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  180,501       63/1,501