Giáo dục

Khi làm thầy phải 'chạy'

TTO - “Chạy” biên chế, “chạy” hợp đồng làm việc lâu nay vẫn là cơn sóng ngầm âm ỉ trong nhiều ngành nghề. Giáo dục cũng không thoát khỏi vòng xoáy đó.

Khi làm thầy phải chạy - Ảnh 1.

Giáo viên tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) tập trung ở UBND huyện khi nghe tin bị cho thôi việc. Nhiều người trong số họ cho biết phải bỏ tiền để “chạy” chân hợp đồng - Ảnh: TRUNG TÂN

Làm thầy mà phải chạy, dẫu thầy giỏi hay dở ít nhiều làm vẩn đục ba chữ “nghề cao quý”. Ngày ngày lên lớp rao giảng những bài học trung thực, liêm chính, ngay thẳng, có lúc nào thầy cô nhìn lại và thẹn với lòng không?

Khi người người "chạy" biên chế, "chạy" hợp đồng để được làm thầy sẽ gây vô vàn hệ lụy nhức nhối.

Cuộc đua căng thẳng

Tôi còn nhớ khoảng 15 năm về trước, cơ chế tuyển dụng công chức, viên chức giáo dục thật sự thông thoáng. Cầm tấm bằng tốt nghiệp ra trường, chúng tôi có rất nhiều cơ hội lựa chọn ngã rẽ cuộc đời. Tuy nhiên, những năm gần đây tôi lại chứng kiến nhiều câu chuyện buồn. Tình trạng khủng hoảng thừa giáo viên bắt đầu xuất hiện, chỉ tiêu tuyển dụng ngày càng "nhỏ giọt". Và khi cung nhiều hơn cầu, cuộc đua chen chân vào môi trường giáo dục lại càng căng thẳng hơn.

Hết xét tuyển hồ sơ lại chuyển sang thi tuyển viên chức giáo dục. Có hay không người này rớt vì "chạy" sai đường, người kia đậu vì "chạy" đúng đường? Có hay không tuyển dụng người thầy theo kiểu "nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ" và cuối cùng mới là sự ưu tiên cho "trí tuệ"?

Chúng ta vẫn nghe râm ran những câu chuyện cười ra nước mắt về "chạy" chỉ tiêu, "xin" biên chế khi "tiền mất tật mang". Rồi tình trạng thi tuyển viên chức giáo dục ở nhiều nơi dẫu được tiếng là công khai, minh bạch nhưng hóa ra cũng lắm chuyện tréo ngoe khi thủ khoa thành rớt, người rớt lại đậu sau kỳ phúc khảo.

Gánh nặng

Tôi thường nghe người ta rỉ tai nhau về những con số không hề nhỏ phải bỏ ra mỗi khi xin việc. Vài chục triệu, vài trăm triệu cho một suất hợp đồng giảng dạy, một quyết định tuyển dụng chính thức là cả một gánh nặng. Nhiều gia đình buộc phải xoay xở đủ kiểu, từ cầm cố nhà cửa đến vay nợ trả góp chuẩn bị sẵn tiền cho con cái ra trường xin việc, thậm chí tìm các mối quan hệ, gửi "quà" cho người có chức quyền từ sớm...

Khẳng định tất cả cử nhân sư phạm đều "chạy" việc chắc chắn là sự quy chụp sai lầm. Nhưng không thể phủ nhận thực tế hiện nay khá đông các ứng viên trong mỗi kỳ tuyển dụng viên chức giáo dục ở khắp các tỉnh thành vẫn đang "mòn chân mỏi gối" tìm chỗ dạy, hết lo lót bên này lại chạy vạy bên kia.

Khi một vài cá nhân "chạy" thì cơ hội người tài được làm thầy còn có chút hi vọng. Nhưng cả một xã hội cùng "chạy" thì điều đó lại hết sức mong manh. Bởi ai mạnh về tài chính, rộng về quan hệ thì lẽ hiển nhiên vượt qua kỳ thi tuyển, xét tuyển bằng nhiều cách khác nhau và dễ dàng đặt vấn đề để ký hợp đồng. Còn người tài chỉ có thể đứng ngắm từ xa đầy ngậm ngùi. Phải chăng cũng chính bởi gánh nặng "chạy" việc và sự tăm tối nhiều ngóc ngách trong cơ chế tuyển dụng hiện nay khiến nhiều người quay lưng với sư phạm? Có lẽ đó cũng là một lý do để học sinh giỏi "ngó lơ" nghề giáo!

Tôi mong ngành giáo dục tiến hành một cuộc "đại phẫu" trả lại môi trường trong sạch cho giáo dục. Hãy mạnh tay cắt đi "khối u" nhức nhối trong giáo dục lâu nay - "chạy" chỉ tiêu, "chạy" hợp đồng, "chạy" biên chế! Để người thầy đứng trên bục giảng là người tài năng thật sự chứ không phải là người "giỏi chạy" và học sinh giỏi nhìn về môi trường giáo dục với ánh nhìn sáng trong, đầy nhiệt huyết, tràn trề khát vọng cống hiến...

Ngăn chặn tiêu cực trong tuyển dụng

Mới đây, Cơ quan điều tra Công an huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Huỳnh Bê, hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk), để điều tra về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Ngoài ra, ông Phan Xuân Hạnh, hiệu trưởng Trường THCS Ea Phê, nhận 210 triệu đồng để "chạy" việc từ một giáo viên cũng đã bị cách chức.

Biên chế ngành giáo dục hạn chế, không thể đáp ứng một lượng lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường. Do đó, việc phát sinh tiêu cực, chạy chọt để có vị trí việc làm là không thể tránh khỏi. Để ngăn chặn tình trạng tiêu cực trong hợp đồng, tuyển dụng giáo viên, ngành giáo dục cần phải thực hiện các giải pháp như: thông báo công khai các chỉ tiêu viên chức giáo dục được giao của địa phương và từng trường; tổ chức thi tuyển giáo viên phải công khai, minh bạch; hạn chế việc ký hợp đồng lao động với các giáo viên; tăng cường kiểm tra, giám sát cơ quan, người có thẩm quyền trong việc tuyển dụng giáo viên...

Đồng thời, khuyến khích tố giác các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc nhận tiền "chạy" việc để cơ quan có thẩm quyền xử lý. Có như vậy mới có thể ngăn chặn các hành vi tiêu cực trong việc tuyển dụng đối với giáo viên hiện nay.

ĐỖ VĂN NHÂN (Kon Tum)

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  180,817       5/802