TTO - Một số thành viên hội đồng ngành cho rằng hội đồng chỉ xét duyệt trên hồ sơ, còn tính chính xác hồ sơ đến đâu thì hội đồng cũng... chịu, không kiểm soát được.
Một buổi trao chứng nhận đạt chuẩn GS, PGS - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 2-4, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo Chính phủ về kết quả rà soát 94 hồ sơ ứng viên giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS).
Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tiếp tục xử lý các cơ sở giáo dục công nhận số giờ giảng cho các ứng viên không chính xác và sẽ công bố công khai cho công luận.
Ông Nhạ cũng nhấn mạnh Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước chỉ công nhận các ứng viên đủ điều kiện, còn việc bổ nhiệm giáo sư hay phó giáo sư là do các cơ sở giáo dục tự quyết định.
Trong khi đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tái khẳng định Thủ tướng hay Phó thủ tướng "không quyết định ai đủ điều kiện" mà đây là việc của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước. Hội đồng phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước Chính phủ và Thủ tướng theo đúng quy chế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng hoan nghênh và đánh giá cao một số ứng viên đã tự xin rút hồ sơ đề nghị để tập trung vào nhiệm vụ quản lý nhà nước.
Trong một diễn biến khác, 41/94 ứng viên giáo sư, phó giáo sư thuộc diện phải rà soát đã bị loại khỏi danh sách công nhận đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017.
Đây là những người không đạt chuẩn sau rà soát hoặc tự nộp đơn xin rút. Trong đó có nhiều quan chức ở các bộ, ban, ngành, như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc Trương Xuân Cừ...
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, trước khi tổng hợp thông tin xác minh từ thực tế, ngày 13-3 thanh tra Bộ GD-ĐT đã gửi văn bản đến các ứng viên thuộc diện bị rà soát yêu cầu họ giải trình trong thời hạn một tuần.
Nhiều người vẫn bảo lưu hồ sơ để tiếp tục hi vọng được xét công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. Nhưng chứng cứ từ thanh tra lại cho kết quả khác.
Có trường hợp các giấy tờ, hợp đồng, thanh lý hợp đồng giảng dạy trên văn bản được ký từ năm 2012-2013 nhưng nét mực vẫn còn mới tinh và số điện thoại trên hợp đồng lại hiển thị mã vùng vừa thay đổi từ... năm 2017.
Có trường hợp khai dạy môn học 60-70 tiết, nhưng kiểm tra tại cơ sở đào tạo thì môn học đó chỉ vỏn vẹn 2 học trình, nên dù có dạy thật cũng chỉ là 30 tiết. Không ít trường hợp thiếu các minh chứng về hợp đồng giảng dạy, thanh lý hợp đồng, nhận xét của cơ sở đào tạo ký hợp đồng...
Với nhiều trường hợp, thanh tra Bộ GD-ĐT đã đối chất trực tiếp với ứng viên để đi đến kết luận cuối cùng một cách "tâm phục, khẩu phục". Bên cạnh đó, cũng không ít người kiên trì bổ sung minh chứng.
Thậm chí, sau khi thanh tra làm việc với các thường trực hội đồng ngành, thông báo kết quả rà soát (ngày 27 và 28-3), vẫn có ứng viên đề nghị được bổ sung chứng cứ chứng minh mình đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu.
Nhưng cũng có người sau nhiều lần chứng minh vẫn không đủ cơ sở để thuyết phục tổ công tác bằng minh chứng đã chọn lựa việc xin rút khỏi danh sách vào phút chót.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, trong 41 ứng viên không được công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, tính đến ngày 2-4 có gần 20 ứng viên đã nộp đơn xin rút.
Đây chỉ là rà soát trên 94 trường hợp có đơn thư, hồ sơ không đảm bảo. Còn nếu rà soát nghiêm túc với cả ngàn ứng viên như cách làm với 94 ứng viên này, tôi nghĩ con số sẽ khác''
TS Lê Viết Khuyến (nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT)
Theo GS Bùi Văn Ga - phó chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, trước khi đưa ra kết luận, thường trực Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước cũng đã làm việc với chủ tịch hội đồng ngành thông tin kết quả để hội đồng ngành thông báo cho ứng viên.
Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước cũng cho biết ứng viên nào thấy mình có chứng cứ mới so với chứng cứ đã báo cáo với thanh tra có thể bổ sung.
Tuy nhiên đến ngày 2-4, không có ứng viên nào phản hồi minh chứng mới. Như vậy, 41 ứng viên này chính thức không được công nhận đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017.
"Từ việc rà soát này, thấy có lỗi của một số cơ sở giáo dục trong xác nhận giờ giảng cho ứng viên. Một số nơi xuê xoa trong việc ký xác nhận giờ giảng dù ứng viên không có đủ các minh chứng cần thiết.
Vì vậy, bài học rút ra là các trường trước khi xác nhận giờ giảng bắt buộc đòi hỏi ứng viên phải đưa ra đủ minh chứng, giấy tờ liên quan. Với các hội đồng cơ sở, nơi thẩm định hồ sơ ban đầu, kiên quyết xem xét kỹ những trường hợp chưa thực sự yên tâm" - ông Ga nhận xét.
Một số thành viên hội đồng ngành cũng cho rằng khó có thể đổ trách nhiệm lên hội đồng ngành vì hội đồng chỉ xét duyệt trên hồ sơ, còn tính chính xác hồ sơ đến đâu thì hội đồng cũng... chịu, không kiểm soát được.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia giáo dục, với những trường hợp mà hồ sơ thiếu hợp đồng giảng dạy, thanh lý hợp đồng, thậm chí thiếu cả hai giấy tờ này thì ai nhìn cũng biết nên không thể nói hội đồng không có trách nhiệm.
"Tốt nhất là trước khi bỏ phiếu - khâu vốn có thể nảy sinh cảm tính - hội đồng ngành cần rà kỹ tiêu chuẩn "cứng" của ứng viên, tránh sai sót. Còn các cơ sở đào tạo xác nhận không đúng, bộ không thể xuê xoa mà phải chấn chỉnh nghiêm khắc" - vị chuyên gia này kiến nghị.
Chưa công bố danh sách cụ thể
Trong thông cáo gửi đến các cơ quan báo chí thông tin về việc "có thêm 53 người được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017", Bộ GD-ĐT vẫn chưa công bố danh sách cụ thể 53 người này. 41 ứng viên bị loại vẫn là "ẩn số".
Trong đó, Bộ GD-ĐT vẫn nhận định chung "năm 2017, chất lượng khoa học của các ứng viên đã tăng lên một bước rõ rệt so với năm 2016 và ngày càng tiệm cận tới các chuẩn mực quốc tế" với một loạt dẫn chứng về số lượng công bố quốc tế của các ứng viên.