TTO - Sáng 3-4, một lãnh đạo Văn phòng tỉnh ủy Đắk Lắk xác nhận Ban thường vụ tỉnh ủy chuẩn bị họp để làm rõ trách nhiệm của bí thư và chủ tịch UBND huyện Krông Pắk liên quan vụ hơn 500 giáo viên dôi dư tại huyện này.
Nhiều giáo viên hồi hộp đợi chờ phương án giải quyết của các cấp - Ảnh: TRUNG TÂN
Chiều 2-4, Đoàn công tác của Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng đã làm việc với huyện Krông Pắk liên quan đến các dấu hiệu sai phạm của ông Nguyễn Thành Dũng, bí thư huyện ủy và ông Y Suôn Byă, chủ tịch UBND huyện Krông Pắk.
Đã nhắc nhở, vẫn ký thêm
Đoàn công tác đã xem xét kiểm điểm trách nhiệm của ông Nguyễn Thành Dũng vì thiếu chỉ đạo để UBND huyện không thực hiện quy hoạch cán bộ quản lý cơ sở giáo dục công lập trường học nhiệm kỳ 2010 - 2015; bổ nhiệm cán bộ quản lý trường học (năm 2015) khi không có quy hoạch và bổ nhiệm thừa 27 phó hiệu trưởng; quản lý, sử dụng biên chế giáo viên, nhân viên trường học sai quy định, kéo dài nhiều năm nhưng chậm phát hiện, khắc phục.
Ông Dũng và ông Y Suôn Byă thiếu cương quyết trong việc kiện toàn một số chức danh cấp phòng tại địa phương như chức danh trưởng phòng GD-ĐT huyện; cho chủ trương điều động, bổ nhiệm Trưởng phòng Dân tộc và các Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện khi chưa tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các cá nhân này trong việc ký tuyển dụng thừa giáo viên, nhân viên trường học
Ngoài ra, ông Dũng cũng có trách nhiệm liên đới tới những sai phạm của ông Nguyễn Sỹ Kỷ, nguyên phó ban Nội chính, nguyên chủ tịch UBND huyện Krông Pắk giai đoạn 2011-2016 (đã bị Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Đắk Lắk ra quyết định cảnh cáo).
Đoàn công tác Ban thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng đã kiểm điểm trách nhiệm của ông Y Suôn Byă trong việc cho chủ trương và ký quyết định dư thừa 197 giáo viên, nhân viên trường học (ký mới 176 người, ký lại 21 người) gây bức xúc dư luận.
Trước đó, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk đã đề nghị UBND huyện này phải khắc phục cho xong việc ký tuyển dụng dư thừa hơn 400 giáo viên do ông Nguyễn Sỹ Kỷ "lỡ ký".
Rà soát từng loại hợp đồng
Liên quan vụ hơn 500 giáo viên dôi dư tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) có nguy cơ mất việc, ông Nguyễn Tuấn Hà, phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết đã yêu cầu các sở ngành liên quan gửi báo cáo, tham mưu hướng xử lý.
Theo ông Hà, các sở ngành như GD-ĐT, Nội Vụ, Tài chính… đã có văn bản, báo cáo tham mưu theo lĩnh vực của mình để giải quyết vụ việc. Chỉ duy nhất sở Tư pháp chưa có văn bản báo cáo.
Cụ thể, trong số 578 giáo viên dôi dư tại huyện Krông Pắk, có 208 người không đủ điều kiện thi tuyển vì không có chỉ tiêu biên chế năm 2017.
UBND huyện Krông Pắk đã ra quyết định chấm dứt hợp đồng đối với các giáo viên này, sau đó UBND tỉnh yêu cầu tạm dừng để tìm giải pháp hợp lý, nhân văn hơn.
Đến nay, huyện Krông Pắk cũng đã tập hợp 208 hợp đồng của các giáo viên này để gửi tỉnh, kèm theo đó là đề xuất hướng xử lý.
"Riêng sở Tư pháp phải có báo cáo về tính pháp lý từng loại hợp đồng huyện ký và hiệu trưởng tự ký. Sau đó, sở Tư pháp cũng phải có ý kiến tham mưu cách thức giải quyết đối với từng loại hợp đồng" - ông Hà nói.
Đối với 370 giáo viên (trong 578 giáo viên hợp đồng dôi dư) đủ điều kiện thi tuyển, ông Hà cho rằng sẽ còn phát sinh khiếu nại, khiếu kiện sau khi kỳ thi kết thúc.
Ông Phạm Ngọc Nghị, chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết đến nay tỉnh đang rất tập trung giải quyết thấu đáo các vụ khiếu nại, khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài để không phát sinh điểm nóng.
Theo đó, riêng vụ 500 giáo viên dôi dư, UBND tỉnh, các sở ngành, địa phương liên quan đã có báo cáo, đề xuất bước đầu. Ví dụ sở GD-ĐT đã có báo cáo, đề xuất hướng xử lý trong việc thi tuyển giáo viên từ cấp mầm nón đến THCS gửi Bộ GD-ĐT.
Cụ thể, sở GD-ĐT đề nghị đưa việc tuyển giáo viên ở cấp huyện (mầm non đến THCS) về một mối, giao ngành giáo dục chủ trì.