TTO - Cô giáo lên lớp nhưng không giảng bài, cô phạt trò uống nước vắt từ giẻ lau bảng... khiến dư luận bàng hoàng tự hỏi chuyện gì đang xảy ra trong nhà trường.
Trường tiểu học An Đồng, nơi xảy ra sự việc giáo viên phạt học sinh uống nước giẻ lau bảng - Ảnh: T.Thắng
Sự việc cô giáo ở Trường tiểu học An Đồng (An Dương, Hải Phòng) phạt học sinh uống nước vắt từ giẻ lau bảng gây bức xúc dư luận. Đó chỉ là một trong loạt sự việc đáng tiếc liên quan tới hành xử của giáo viên trong một số nhà trường thời gian qua.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Đức Minh - cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT - cho biết:
- Thời gian qua, tại một số địa phương liên tiếp xảy ra tình trạng mất an ninh, an toàn trường học như: học sinh bị tai nạn thương tích do điều kiện cơ sở vật chất không bảo đảm;
Một số nhà giáo có hành vi thiếu chuẩn mực với học sinh; đặc biệt là tình trạng phụ huynh học sinh vào trường học hành hung, gây thương tích, xúc phạm danh dự nhà giáo, tinh thần, thể chất học sinh.
Các vụ việc trên dù chỉ xảy ra ở một số trường học tại một số địa phương (toàn quốc có 44.875 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông) nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần, danh dự của nhà giáo, học sinh; tác động xấu đến môi trường giáo dục trong nhà trường và gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Cá biệt có giáo viên vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo như trường hợp cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương - Trường tiểu học An Đồng, An Dương, Hải Phòng.
Điều này một phần do trách nhiệm quản lý của UBND các cấp và ngành giáo dục ở địa phương, một phần do chúng ta chưa xử lý nghiêm các vụ việc đã xảy ra.
* Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Bộ GD-ĐT đã và tiếp tục làm gì để kịp thời can thiệp, ngăn chặn tình trạng này?
- Về phía Bộ GD-ĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành nghị định quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường và tiếp tục chỉ đạo các sở GD-ĐT tăng cường kiểm tra việc thực hiện nghị định này ở các địa phương và các cơ sở giáo dục.
Trước một loạt sự việc đáng tiếc xảy ra, mới đây bộ có văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn trường học.
* Nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra đều bắt nguồn từ hành xử của giáo viên khi học sinh mắc lỗi. Liệu đây có phải điểm bất ổn trong phương pháp sư phạm của nhà giáo?
- Cả nước có trên 1 triệu giáo viên từ mầm non đến phổ thông đang đảm nhiệm công việc dạy học, giáo dục học sinh. Nhưng những sự việc đáng tiếc chỉ xảy ra ở một số nơi, với một số giáo viên. Vì thế, theo tôi, không có sự bất ổn về phương pháp sư phạm xét trên bình diện chung.
Những giáo viên có hành vi sai trái, vi phạm đạo đức nhà giáo trong khi xử lý các tình huống cụ thể liên quan tới học sinh đều do nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng giải quyết các tình huống cụ thể trong quá trình giáo dục còn yếu.
Trong khi đó, việc giám sát các hoạt động của giáo viên trong các nhà trường còn hạn chế.
Ông Hoàng Đức Minh - Ảnh: BÁ HẢI
* Trong chỉ đạo sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn ở các nhà trường hiện nay, vấn đề giáo dục học sinh, ứng xử với học sinh, phụ huynh trong các tình huống đặc biệt có bao giờ trở thành chủ đề được phân tích, mổ xẻ để tìm ra các giải pháp tốt chưa? Bộ GD-ĐT có lưu ý việc này trong những chỉ đạo đối với các nhà trường không?
- Trong đào tạo sư phạm hiện nay, các cơ sở đào tạo giáo viên đã đẩy mạnh việc xây dựng các chương trình đào tạo. Trong đó chú trọng hơn đến các nội dung về nghiệp vụ, kỹ năng ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo.
Nhiều tình huống ứng xử nhằm mục đích giáo dục học sinh đã được các trường đặt ra trong những hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, giờ chào cờ hằng tuần nhằm tăng cường tính tương tác, đối thoại giữa thầy trò, giữa giáo viên với cha mẹ học sinh.
Những việc này đều nằm trong chỉ đạo chung của Bộ GD-ĐT từ đầu năm học và được lưu ý, nhấn mạnh khi có các tình huống phát sinh xảy ra.
* Bộ GD-ĐT có hướng thế nào trong việc tập huấn các nghiệp vụ sư phạm để giáo dục học sinh hiệu quả nhưng tránh được vi phạm vào nguyên tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp?
- Hiện nay, ngoài nội dung giáo dục trong các môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục hiện hành, Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành các thông tư quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và chuẩn nghề nghiệp.
Đồng thời xây dựng các chương trình, tài liệu giáo dục kỹ năng sống, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên các phương pháp, kỹ thuật tổ chức, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh...
Để hạn chế, giải quyết dứt điểm những sự việc đáng tiếc như đã xảy ra, ngành GD-ĐT cần sự chung tay giúp sức của chính quyền các địa phương, cơ quan giáo dục các cấp và cả cha mẹ học sinh.
Bên cạnh việc phát hiện, xử lý kịp thời sai phạm, bộ cũng mong muốn những hành xử đẹp, những tấm gương nhà giáo nhiệt tình hết lòng vì học sinh, những mô hình giáo dục hiệu quả được nhân rộng, tạo nên sự lan tỏa đẩy lùi tiêu cực.