Giáo dục

Hàng loạt sự cố trong trường, vì sao?

TTO - Cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng, học trò đâm thầy chủ nhiệm, phụ huynh bắt cô giáo quỳ... khiến nhiều người đặt vấn đề về môi trường sư phạm hiện nay.

Hàng loạt sự cố trong trường, vì sao? - Ảnh 1.

Cần chú trọng các hoạt động trải nghiệm, văn nghệ - thể dục thể thao, đọc sách cho học sinh - Ảnh: NHƯ HÙNG

Nhiều câu hỏi được đặt ra: Học đường đang như thế nào? Tại sao lại như thế? Đâu là giải pháp và vì đâu nên nỗi?

Xem nhẹ đào tạo giáo viên

Nhiều năm qua, đầu vào các trường sư phạm phần lớn là học sinh lớp 12 có lực học trung bình. Học vấn phổ thông với nghề giáo là cực kỳ quan trọng, vậy mà có những lúc đầu vào các trường sư phạm còn thấp hơn trung bình.

Việc đào tạo nhà giáo tương lai xoay quanh giáo trình cũ kỹ, hoạt động kiến tập, thực tập bị xem nhẹ; kết quả học tập đo bằng tín chỉ, chứng chỉ mà người được cấp có năng lực chưa tương xứng.

Lúc ra trường, chật vật lắm mới có chỗ đứng trên bục giảng. Giáo viên không chăm chút cho bài giảng; việc bồi dưỡng của trường - tổ chuyên môn và tự bồi dưỡng được làm đẹp qua báo cáo, còn thực chất không thay đổi bao nhiêu.

Mối quan hệ thầy - trò thay đổi nhanh trong bối cảnh công nghệ thông tin, kinh tế, xã hội phát triển. Thầy bị thụt lùi về kiến thức, nhạt nhòa về nhân cách nhưng cố bám víu vào "tôn sư trọng đạo".

Dân chủ trường học hình thức

Quan hệ ban giám hiệu với giáo viên, nhân viên; thầy - trò; thầy - phụ huynh; thầy - thầy nổi lên nhiều bất cập. Nói và làm không đi đôi với nhau, kỷ cương bị xem nhẹ, tình thương chỉ là... vỗ về hình thức.

Thầy - trò ít khi bày tỏ chính kiến; họp... hành là chính nên phần lớn im lặng. Chỉ khi đụng chạm đến lợi ích cá nhân thì im lặng... tố cáo hoặc ầm ĩ trong nhà trường bằng lời nói và có khi dùng đến tay chân.

Đành rằng có quy định, hướng dẫn thực hiện, lập kế hoạch hoạt động nhưng chỉ là báo cáo, báo cáo rồi báo cáo. Vận dụng quy định phụ thuộc vào các mối quan hệ. Thế nên các vấn đề nóng như tuyển dụng, thu chi trong nhà trường, đánh giá giáo viên, học sinh... luôn là vấn đề nổi cộm gây hoài nghi, bức xúc tại nhiều cơ sở giáo dục.

Phương pháp giáo dục lạc hậu

Kiểm tra, đánh giá ở nhiều trường học không khác gì với hình thức được dùng từ thế kỷ 20. Tái hiện kiến thức cũ, vận dụng theo mẫu, càng trả lời giống với thầy cô, điểm số bài làm càng cao.

Các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động tư vấn tuy có được quan tâm nhưng chủ yếu làm theo phong trào, vì thành tích.

Ngay cả một số hoạt động như thi chọn học sinh giỏi văn hóa, khoa học kỹ thuật, có trường áp dụng: thầy cô luyện, thầy cô làm, trò... sắm vai. Học sinh vi phạm nội quy bị dọa, phạt mời phụ huynh. Lâu dần bạo lực ấy - thứ văn hóa kỳ dị nhưng phổ biến trong nhà trường - tiềm ẩn nguy cơ xung đột, đang xảy ra.

Học đường bị thương mại hóa

Loạn dịch vụ trong nhà trường: dạy thêm - học thêm, in ấn, căngtin, may mặc đồng phục, các tour du lịch - du học, bảo hiểm, tuyển sinh rồi bán sách, tăm tre, bút bi, vé xem nghệ thuật đủ cả!

Mỗi ngày đến trường, học sinh nghe nhiều điệp khúc thu tiền. Giáo viên có người tế nhị nhắc khéo, có người thẳng thừng không đóng thì mời phụ huynh.

Buồn hơn, giáo viên chạy việc - chạy chức, quản lý chạy dự án - xin cho - phần trăm quản lý. Được hoa hồng cho hiệu trưởng, kế toán, giáo viên chủ nhiệm... còn triết lý "tiên học lễ, hậu học văn": ai làm và còn ai tin?

Những giải pháp đề xuất

Phân cấp đầy đủ cho các cơ sở giáo dục, quy trách nhiệm rõ ràng cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh. Khoan dung, bác ái chỉ có thể có trong môi trường học đường kỷ cương.

Dành quỹ thời gian (khoảng 1/3 chương trình giáo dục phổ thông) rèn kỹ năng sống cho học sinh. Đặc biệt chú trọng các hoạt động trải nghiệm, văn nghệ - thể dục thể thao, đọc sách, khởi nghiệp... Để làm được điều đó, thầy cô có đủ kiến thức và kỹ năng tương ứng, có đồng lương đủ sống.

Giảm tải kiến thức, áp lực kiểm tra, thi cử. Chương trình, sách giáo khoa, giảng dạy, học tập đánh giá ở bậc học phổ thông đang được triển khai theo mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực người học nhưng cái bóng của mục tiêu kiến thức vẫn đang đè nặng.

Việc đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên cần tổ chức lớp học thích hợp; báo cáo viên giỏi về lý luận, dày dạn thực tiễn; đồng thời kiểm tra kết quả đào tạo, bồi dưỡng chặt chẽ hơn.

Sắp xếp lại mạng lưới trường học, công lập ra công lập, tư thục ra tư thục. Quy định chỉ một khoản thu học phí.

Công khai tuyển dụng giáo viên, thi tuyển các chức danh quản lý giáo dục. Khen thưởng, xử phạt nghiêm minh.

Cô phạt trò uống nước vắt giẻ lau, Bộ GD-ĐT nói gì? Cô phạt trò uống nước vắt giẻ lau, Bộ GD-ĐT nói gì?

TTO - Cô giáo lên lớp nhưng không giảng bài, cô phạt trò uống nước vắt từ giẻ lau bảng... khiến dư luận bàng hoàng tự hỏi chuyện gì đang xảy ra trong nhà trường.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  179,142       9/574