TTO - Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cho biết đã ra quyết định khiển trách bí thư huyện ủy và chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, song vẫn chưa có giải pháp giải quyết 500 giáo viên dôi dư.
Giáo viên bức xúc vì họ được UBND huyện ký hợp đồng lao động nhiều năm nhưng đang đứng trước nguy cơ mất việc dù chẳng vi phạm gì - Ảnh: TRUNG TÂN
Chiều 9-4, một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết đơn vị này đã có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ liên quan đến việc hơn 500 giáo giáo viên dôi dư tại huyện Krông Pắk.
Báo cáo do ông Nguyễn Tuấn Hà, phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk ký, gửi Thanh tra Chính phủ về việc "thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ trong lĩnh vực quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo".
Trước đó, trong thông báo kết luận thanh tra ngày 12-1-2018, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ các sai phạm trong việc tuyển dôi dư hơn 500 giáo viên tại huyện Krông Pắk.
Thanh tra Chính phủ yêu cầu Đắk Lắk kiểm điểm trách nhiệm của giám đốc Sở Nội vụ vì trong công tác thanh tra, kiểm tra không phát hiện sai phạm về hợp đồng lao động tại huyện Krông Pắk.
Bên cạnh đó, kiểm điểm trách nhiệm đối với chủ tịch UBND huyện Krông Pắk nhiệm kỳ từ 2015 đến 2020 do tiếp tục ký hợp đồng với giáo viên khi đã có kết luận, kiến nghị dừng để khắc phục của Thanh tra tỉnh...
Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu các đơn vị chủ động khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn tỉnh; đề nghị ban thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương đối với việc kiểm điểm trách nhiệm các lãnh đạo liên quan…
Mới đây, Ban thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ra quyết định kỷ luật khiển trách đối với ông Nguyễn Thành Dũng, bí thư huyện ủy và ông Y Suôn Byă, chủ tịch UBND huyện Krông Pắk liên quan đến các sai phạm trong việc tuyển dôi dư hơn 500 giáo viên tại huyện này.
Trước đó, ông Nguyễn Sỹ Kỷ, nguyên phó ban Nội chính Tỉnh ủy, nguyên chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (nhiệm kỳ 2011-2016) cũng bị kỷ luật hình thức cảnh cáo vì "lỡ tuyển" khoảng 400 người trong số hơn 500 giáo viên dôi dư.
Riêng ông Miên Klơng, giám đốc Sở Nội vụ Đắk Lắk, cũng bị Ban thường vụ tỉnh ủy kiểm điểm trách nhiệm, yêu cầu rút kinh nghiệm trong việc không phát hiện các sai phạm kéo dài tại huyện Krông Pắk.
Mất việc, thầy giáo Nguyễn Tuấn Anh, giáo viên Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai phải đi làm đủ việc chân tay để kiếm sống. Hiện thầy Tuấn Anh và 4 thầy cô khác đang khởi kiện chủ tịch UBND huyện, hiệu trường vì vi phạm hợp đồng - Ảnh: TRUNG TÂN
Đối với giải pháp giải quyết số giáo viên dôi dư, ông Nguyễn Tuấn Hà cho biết UBND huyện Krông Pắk đã thực hiện việc rà soát, thống kê số giáo viên hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế.
Theo đó, huyện này đã thực hiện nhiều giải pháp khắc phục tình trạng thừa giáo viên như: chỉ đạo các cơ quan tham mưu không giải quyết nhu cầu hợp đồng lao động mới cho các đơn vị; điều động lao động từ đơn vị thừa sang đơn vị thiếu; chấm dứt hợp đồng với các trường hợp không trúng tuyển tại các kỳ xét tuyển…
Hiện UBND tỉnh yêu cầu huyện Krông Pắk rà soát lại, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các giáo viên hợp đồng. Qua đó nghiên cứu phương án xét tuyển bổ sung đối với các giáo viên đã có hợp đồng lao động ngoài chỉ tiêu biên chế nhưng không còn vị trí tuyển dụng.
Tỉnh cũng đã có báo cáo liên quan đến hợp đồng lao động ngoài chỉ tiêu biên chế được giao tại các cơ sở giáo dục ở huyện Krông Pắk gửi Bộ Nội vụ xem xét, thẩm định…
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk, đến nay địa phương đang tích cực cùng các cơ quan chức năng hoàn thiện phương án xử lý những tồn tại trong công tác quản lý, sử dụng biên chế sự nghiệp giáo dục trên địa bàn huyện Krông Pắk để báo cáo các cấp có thẩm quyền…