Giáo dục

Người Nhật ngại giáo dục giới tính

TTO - Khi đề cập vấn đề tình dục, truyền thông Nhật Bản thường sử dụng các cụm từ tiếng Anh, thậm chí bác sĩ cũng tránh nói một số từ nhạy cảm.

Người Nhật ngại giáo dục giới tính - Ảnh 1.

Nữ sinh tại một trường ở Nhật Bản - Ảnh: AFP

Giáo dục giới tính vẫn còn là một vấn đề nhạy cảm ở Nhật, trong khi các trường hợp mang thai ở tuổi vị thành niên đang ở mức báo động.

Truyền thông Nhật Bản vẫn thường sử dụng các cụm từ tiếng Anh khi đề cập vấn đề tình dục, thậm chí bác sĩ cũng tránh nói một số từ nhạy cảm. Tuy nhiên, việc né tránh giáo dục giới tính trong nhiều trường hợp đang gây ra các hậu quả nghiêm trọng.

Tháng trước, ông Toshiaki Koga, thành viên trong Hội đồng thành phố Tokyo, kiên quyết phản đối dự án giáo dục giới tính tại trường trung học cơ sở thuộc phường Adachi.

Dự án này đưa ra kết quả khảo sát cho thấy 44% học sinh được phỏng vấn nghĩ việc quan hệ tình dục ở độ tuổi trung học phổ thông là bình thường, dẫn đến việc con số nạo phá thai cũng tăng lên khi học sinh lên cấp III.

Bên cạnh đó, dự án còn mở một số lớp đặc biệt nhằm hướng dẫn học sinh sử dụng bao cao su và các vấn đề giới tính khác.

Thậm chí Sở Giáo dục Tokyo cũng cho rằng còn quá sớm để học sinh cấp II tiếp cận những vấn đề này, đồng thời chỉ trích việc sử dụng một số khái niệm như "quan hệ tình dục", "phòng tránh thai"... trong lớp học.

Ngoài ra, cơ quan này cho rằng không cần đề cập tới những khái niệm trên trong lúc dạy các em phòng tránh các bệnh liên quan tới tình dục.

Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố cuối tháng trước của Bộ Giáo dục Nhật Bản phát hiện từ năm 2015 đến 2016 có 2.098 trường hợp học sinh trung học phổ thông có thai. Trong số đó, 642 trường hợp tự bỏ học và 32 trường hợp nghỉ theo "lời khuyên" từ phía nhà trường.

Dù Bộ Giáo dục khẳng định giáo dục giới tính không liên quan gì đến vấn đề này, tờ Japan Time cho rằng việc các học sinh cần phải có kiến thức giới tính từ sớm để đối mặt các tình huống khi lớn lên và việc giáo dục giới tính từ cấp III là quá trễ.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  178,815       2/559