TTO - Bộ quy tắc ứng xử trong trường học là khái niệm quen thuộc trên thế giới, nhất là đối với các quốc gia phát triển.
Sinh viên làm bài tập ngoài giờ học tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Đây là trường đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử từ lâu - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Nó được thành lập dựa trên mong muốn đưa môi trường học tập vào khuôn khổ, hướng dẫn học sinh, sinh viên hành xử hoặc đặt ra giới hạn nhằm giúp họ học cách chăm sóc bản thân, quan tâm tới người khác và thế giới bên ngoài.
Ban đầu, nó được gọi là "Kỷ luật nhà trường" (school discipline) và chiếu theo nghĩa này, một trang bìa của tạp chí Harper’s đã đăng hình kỷ luật nhà trường từ năm... 1898.
Trên thực tế, phần lớn các nước phát triển đều có một bộ quy tắc ứng xử trong trường học do bộ giáo dục nước đó quy định.
Lấy ví dụ ở Anh, hiện các nhà làm giáo dục đang thực hiện theo văn bản hướng dẫn thay đổi vào tháng 1-2016. Trong đó có các phần cụ thể như: chính sách về ứng xử trong trường; kỷ luật trong trường học - quyền hạn của giáo viên; về xử phạt đối với hành vi sai chuẩn; hành vi của học sinh khi rời khỏi cổng trường - quyền hạn của giáo viên...
Vì tính đa dạng của môi trường học tập, các bộ quy tắc ấy tồn tại trên văn bản và website của bộ giáo dục các nước như một bản hướng dẫn chung nhất, sau đó từng bang, tỉnh, vùng, từng trường học sẽ căn cứ theo đó để có những điều chỉnh phù hợp.
Đôi khi với các trường tư, cổ đông và phụ huynh cũng đóng góp vào việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử. Chính vì vậy, trường hợp như Bộ Giáo dục Anh thì văn bản ấy được xem như một "khuyến cáo" đến từng cơ quan trường học, từ đó quy định cụ thể hơn.
Các trường khi xây dựng bộ quy tắc ứng xử (code of conduct) sẽ triển khai cụ thể và toàn diện, từ quy định về trang phục, thẻ xe buýt, thẻ học sinh... đến những quy tắc ứng xử với bạn bè, thầy cô và người xung quanh.
Dĩ nhiên nó cũng không hoàn toàn cứng nhắc. Lấy ví dụ Sở Giáo dục thành phố New York (Mỹ) cũng ban hành bộ quy tắc cho các trường tại đây, trong đó có "quy tắc ứng xử của học sinh", ghi rằng: "Trường học là nơi học tập; do đó phải có bầu không khí dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau.
Tất cả học sinh phải chứng tỏ niềm đam mê trong việc lãnh hội giáo dục ở mức độ cao nhất có thể. Chúng tôi kỳ vọng học sinh tuân thủ một số quy tắc ứng xử sau: lịch sự; tôn trọng tài sản, quyền lợi và cảm nhận của người khác; tôn trọng tài sản chung của nhà trường; tránh gây sự, đánh nhau, văng tục; việc phá hoại và gây rối là không thể chấp nhận".
Tương tự ở Singapore, Bộ Giáo dục nước này cũng ban hành những khuyến cáo chung cho các trường với một số kỳ vọng tổng quan nhất. Sau đó, từng trường học tại Singapore đều có riêng một bộ quy tắc ứng xử đặc thù.