Giáo dục

Ươm mầm khởi nghiệp từ ghế nhà trường

TTO - Vừa qua, TTC Edu (thành viên của Tập đoàn TTC) đã tổ chức thành công Diễn đàn Giáo dục TTC lần IV với chủ đề “Ươm mầm khởi nghiệp từ ghế nhà trường”.

Ươm mầm khởi nghiệp từ ghế nhà trường - Ảnh 1.

Giáo viên TTC Edu trao đổi cùng bà Trương Lý Hoàng Phi sự khác nhau giữa trẻ em Việt Nam và thế giới về tinh thần khởi nghiệp. Ảnh: Tấn Minh

Theo đại diện TTC, diễn đàn nhằm chia sẻ một số nội dung, kỹ năng mới liên quan việc nên tạo môi trường khởi nghiệp cho học sinh ngay từ bậc phổ thông.

Tham dự sự kiện có các diễn giả, chuyên gia về giáo dục - khởi nghiệp tại Việt Nam và Thái Lan.

Có khoảng cách khởi nghiệp giữa Việt Nam và thế giới?

Tại diễn đàn, bà Trương Lý Hoàng Phi - phó chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP.HCM, giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.HCM (BSSC) - đã chia sẻ nhiều mô hình khởi nghiệp của học sinh các quốc gia trên thế giới cũng như tại Việt Nam. 

"Những dự án khởi nghiệp này tuy không mới nhưng quan trọng các em biết lên ý tưởng, lập kế hoạch rõ ràng và chúng ta nên khuyến khích các em có thêm kỹ năng sáng tạo thông qua chương trình STEM. 

Thế hệ tương lai luôn có ý tưởng mới, phong phú, chỉ cần thầy cô giáo đưa tinh thần đổi mới, sáng tạo vào chương trình thì kết quả mà học sinh mang lại sẽ làm chúng ta hài lòng và tự hào", bà Phi nói.

Theo ông Brett Penny - tổng hiệu trưởng Trường Quốc tế NIST (Thái Lan), trẻ em đều có cùng khởi đầu là sự tò mò, đam mê khám phá và nếu nhà trường biết cách khơi nguồn tiềm năng này sẽ tạo được những giá trị thực sự cho xã hội.

Ươm mầm khởi nghiệp từ ghế nhà trường, liệu có khả thi và cần thiết?

Đại diện TTC cho biết tại hệ thống giáo dục của đơn vị này, các trường thường cải tiến chương trình dạy và học để nâng cao sức sáng tạo cho học sinh, giúp các em khám phá tiềm năng.

"Đầu năm học 2017 - 2018, chúng tôi đã đưa vào vận hành chương trình STEM Robotics để khơi dậy niềm đam mê khoa học, dần hình thành các kỹ năng cần thiết nơi học sinh, như: làm việc nhóm, tư duy phản biện, sự sáng tạo.

Ngoài ra, các trường cũng thành lập nhiều câu lạc bộ theo năng khiếu và sở thích của học sinh. Những món quà được làm bằng tay, các sáng chế khoa học kỹ thuật, vườn rau xanh mát quanh khuôn viên trường… là những sản phẩm thực tế từ chính sự sáng tạo và lao động của các em", vị này cho biết.

Được biết, trong năm học 2018 - 2019, khối tiểu học Trường TH-THCS-THPT Thái Bình Dương (TTC School - Global Dong Nai, thành viên TTC Edu) sẽ đưa vào giảng dạy chương trình The Leader In Me.

Đây là chương trình giáo dục kỹ năng nổi tiếng của Mỹ nhằm bổ trợ các chương trình hiện hữu, giúp học sinh phát triển toàn diện về các kỹ năng hội nhập với thế giới đang ngày càng phát triển và thay đổi không ngừng.

Theo các chuyên gia, phương pháp đào tạo mới này hoàn toàn khả thi, cần thiết trong môi trường giáo dục thời đại mới, giúp ích cho các em trong việc định hướng nghề nghiệp, cũng như ấp ủ những hoài bão trên con đường khởi nghiệp của mình sau này.

Ươm mầm khởi nghiệp từ ghế nhà trường - Ảnh 2.

Giờ sinh hoạt câu lạc bộ khoa học kỹ thuật của học sinh trường THPT Lê Quý Đôn - Long Bình Tân. Ảnh: Tấn Minh

Vai trò của Ban giám hiệu và giáo viên

Theo ông John Gangi - giáo viên môn Cá nhân, Xã hội và Kinh tế học Trường Quốc tế NIST (người hướng dẫn nhiều dự án khởi nghiệp xã hội thành công của học sinh tại NIST), điều vô cùng quan trọng là tạo ra và duy trì một "môi trường" xuyên suốt.

"Muốn vậy thì vai trò của Ban giám hiệu và giáo viên chính là người hỗ trợ, tạo điều kiện và hướng dẫn học sinh phát triển các thiên hướng trong quá trình học theo từng dự án", ông John nói.

Còn theo bà Phi, để tạo môi trường phát triển dự án thành công cho học sinh, trước tiên, giáo viên phải có kỹ năng chia sẻ, đặt câu hỏi và truyền cảm hứng để khích lệ học sinh tìm kiếm các giải pháp giải quyết vấn đề.

Theo đó, đại diện TTC Edu cho rằng ươm mầm các ý tưởng khởi nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường sẽ giúp các em gia tăng tính sáng tạo, khả năng tư duy, dám nghĩ dám làm. Đặc biệt, khi cùng nhau xây dựng những ý tưởng khởi nghiệp, các em sẽ tự tìm tòi, trang bị cho mình nhiều kỹ năng mềm hữu ích, đáp ứng đủ các yêu cầu của thời đại mới.

"Đây cũng là yếu tố giúp thế hệ tương lai không chỉ trở thành những người lao động giỏi, mà còn trở thành những công dân tốt, xây dựng đất nước ngày càng phát triển giàu mạnh về mọi mặt", vị đại diện này cho biết.

Cũng theo đại diện đơn vị này, nhằm triển khai, ứng dụng vào thực tiễn các vấn đề đã trao đổi tại buổi diễn đàn và làm cơ sở cho việc nâng cao chất lượng đào tạo, đơn vị này sẽ tiếp tục hợp tác với BSSC và trường NIST trong các lĩnh vực như: đổi mới phương pháp dạy và học, đào tạo kỹ năng cần thiết cho giáo viên, trao đổi học sinh trong từng dự án giáo dục…

TTC Edu hiện quản lý 17 cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học tại các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Bến Tre và TP.HCM.

Riêng khối phổ thông, đơn vị này có 7 trường đều được đầu tư cơ sở vật chất được đánh giá là an toàn, tiện nghi, như: hồ bơi, sân bóng rổ, sân bóng đá, phòng năng khiếu, phòng tập GYM, rạp phim mini, bếp ăn chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng bán trú được trang bị máy lạnh...

Bên cạnh chương trình giáo dục quốc gia, các trường còn chuẩn hóa nhiều chương trình, như: kỹ năng sống, ngoại khóa trải nghiệm, giáo dục thể chất, tin học quốc tế, tiếng Anh chuẩn Châu Âu… để nhằm giúp các em phát triển toàn diện.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  177,692       1/934