TTO - Điểm chuẩn buổi sáng là 46, chiều là 49, tuyển sinh gấp rút rồi... đi nghỉ mát để phụ huynh không thể rút hồ sơ... cách tuyển sinh 'quái' của các trường tư khiến phụ huynh Hà Nội bức xúc.
Thí sinh dự thi vào lớp 10 năm học 2018-2019 - Ảnh: NAM TRẦN
Không chờ các trường công lập tuyển sinh, nhiều trường ngoài công lập ở Hà Nội đã tuyển sinh trước khi Sở GD-ĐT Hà Nội duyệt điểm chuẩn.
Việc này không có gì bất thường nếu như nhiều trường không có những cách làm lạ đời nhằm vào tâm lý bối rối, hoang mang của phụ huynh để thu hút họ nộp hồ sơ, sau đó tìm đủ cách để họ không thể rút hồ sơ.
Đến ngày hôm qua 1-7, nhiều phụ huynh vẫn chưa rút lại hồ sơ được. Có trường cho rút hồ sơ nhưng không hoàn trả số tiền họ đã đóng (có trường thu 6 triệu đồng).
Bắt phụ huynh "cân não"
Tối 29-6, khi các trường công lập khác còn chờ sở công bố điểm chuẩn thì Trường THCS&THPT Tạ Quang Bửu đã thông báo mức điểm chuẩn vào trường là 46 điểm. Kèm theo đó là thông báo mức này chỉ có hiệu lực trong nửa ngày (từ 8 giờ sáng đến 11 giờ ngày 30-6).
Nhiều phụ huynh có con ở mức điểm 46 đang hoang mang vì so với điểm chuẩn năm trước thì "trượt cả hai nguyện vọng (NV) vào công lập" lập tức lao đến xếp hàng nộp hồ sơ.
Nhưng chiều 30-6, trường này lại thông báo mức mới là 49 điểm. Thông báo này cũng kèm theo lưu ý ngày 1-7 sẽ có mức điểm chuẩn mới. Và sáng 1-7, trường này lại thông báo lần thứ 3 điểm chuẩn ở mức 50,5.
Công bố điểm chuẩn theo giờ và tăng dần là "đòn tâm lý" khiến phụ huynh đang phân vân phải nộp hồ sơ ngay vì những người có con 46 điểm buổi sáng còn do dự thì chiều đã hết cơ hội.
Trường THPT Đào Duy Từ còn tiến hành sớm hơn, từ sáng 29-6. Trước đó trường này đã phát đi thông báo đã có khoảng 4.000 học sinh đăng ký NV vào trường, trong khi chỉ tiêu chỉ có 405.
Nhiều trường hợp đạt 50-51 điểm nhưng vì đăng ký vào các trường tốp đầu có mức điểm chuẩn các năm trước từ 52 trở lên nên nhiều phụ huynh cầm chắc con trượt công lập, ngay lập tức chọn Trường Đào Duy Từ, dù xem như đây là "bước đường cùng".
Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh vào thời điểm tháng 4-2018 công bố sẽ tuyển sinh cùng thời điểm với các trường công lập trong thành phố. Nhưng khi chưa có điểm chuẩn công lập chính thức, ngày 26-6 trường này đột ngột tuyên bố tuyển sinh.
Khó rút được chân ra
"Cầm chắc" con mình trượt các trường tốp đầu như Phan Đình Phùng, Kim Liên, Thăng Long, Chu Văn An, nhiều phụ huynh không chờ đợi thêm nữa mà nộp hồ sơ cho con vào Trường Lương Thế Vinh.
Đáng nói hơn, học sinh nộp hồ sơ vào trường này phải nộp học bạ gốc cùng với các khoản thu trị giá 6 triệu đồng/học sinh.
Tuy nhiên, khi thành phố đã công bố điểm chuẩn, thấy con đủ điểm vào công lập, một số phụ huynh muốn rút đơn tại trường này đều được trả lời trường không hoàn trả số tiền trên.
Trong ngày 30-6, nhiều phụ huynh chấp nhận mất tiền đến Trường Lương Thế Vinh để rút hồ sơ thì thấy trường đóng cửa nghỉ làm việc đến hết ngày 2-7.
Trường Đào Duy Từ cũng yêu cầu phụ huynh nộp học phí tháng đầu tiên và các khoản hỗ trợ trị giá trên 3 triệu đồng/học sinh kèm theo cam kết "không rút hồ sơ".
Trường Tạ Quang Bửu thu phí ghi danh 2 triệu đồng/học sinh và được cho biết sẽ trả lại phí nếu học sinh rút hồ sơ. Nhưng việc rút hồ sơ cũng không dễ, trong khi thời hạn nộp hồ sơ vào các trường công lập sắp hết.
Công bố điểm như... chứng khoán (!?)
Sau hai ngày bấn loạn vì đòn cân não "nộp hồ sơ trường nào" và "làm thế nào để rút được hồ sơ ra", nhiều phụ huynh bày tỏ thất vọng vì hành xử phản giáo dục ở một số trường và cảnh công bố điểm chuẩn như sàn chứng khoán của Sở GD-ĐT.
Trước đó, theo con số công bố của sở, năm học 2018-2019 có gần 95.000 thí sinh dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 nhưng chỉ tiêu vào trường công lập chỉ 63.000. Áp lực này khiến nhiều bậc phụ huynh căng thẳng từ khi kỳ thi chưa diễn ra.
Bởi thế, khi điểm thi của con đạt được ở mức thấp hơn nhiều so với điểm chuẩn của các trường năm trước, nhiều phụ huynh đã không bình tĩnh mà nháo nhào tìm chỗ học "sơ cua". Lợi dụng tâm lý phụ huynh, nhiều trường ngoài công lập tung 'chiêu' để lôi kéo học sinh.