TTO - Phát hiện mới của một nữ sinh viên Mỹ về loại vi khuẩn ăn nhựa hé lộ khả năng tìm được giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng rác nhựa toàn cầu.
Nữ sinh viên Morgan Vague - Ảnh: REED COLLEGE
Theo báo Independent, loại vi khuẩn này có khả năng phân hủy chất polyethylene terephthalate (PET), một trong những loại nhựa phổ biến nhất thế giới, vốn được sử dụng trong quần áo, chai nhựa đựng nước và các loại bao bì đựng thực phẩm.
Thông thường, về lý thuyết, những loại rác nhựa này sẽ phải mất tới vài thế kỷ mới có thể phân hủy. Trong quá trình đó, nó cũng gây ra rất nhiều tác hại chưa thể lường hết với môi trường xung quanh.
Theo nữ sinh Morgan Vague, hiện đang học ngành sinh học tại trường cao đẳng Reed bang Oregon, nếu quá trình phân hủy này được tăng tốc, nó sẽ góp phần rất quan trọng trong các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề rác nhựa của hành tinh.
Mỗi năm hiện đang có khoảng 300 triệu tấn rác nhựa bị tống ra các bãi rác và các đại dương trên toàn thế giới. Chỉ khoảng 10% trong số ấy được tái chế.
"Khi bắt đầu học tới các số liệu thống kê về rác nhựa, tôi hiểu rằng chúng ta đang đối mặt với vấn đề rất nghiêm trọng và cần phải có cách nào đó để giải quyết chuyện đó", nữ sinh Vague chia sẻ.
Sau khi học về cơ chế trao đổi chất của vi khuẩn và "tất cả những điều điên rồ mà vi khuẩn có thể làm", nữ sinh này quyết định sẽ tìm hiểu xem liệu những con vi khuẩn đó có thể phân hủy ngay lập tức chất thải nhựa không.
Cô bắt đầu tìm kiếm những loại vi khuẩn đã được thích nghi cơ chế trao đổi chất để phân hủy nhựa trong đất và nước xung quanh các khu vực nhà máy ở Houston, quê nhà cô.
Mang các mẫu vi khuẩn này trở lại trường tại Portland, Oregon, Vague bắt đầu thử nghiệm khoảng 300 chủng vi khuẩn về lượng enzyme phân hủy chất béo lipase, từ đó khám phá khả năng phân hủy nhựa của các chủng vi khuẩn.
Sau đó Vague xác định được 20 chủng vi khuẩn có khả năng sản sinh lipase và trong số đó có 3 loại có lượng enzyme lipase rất cao. Kế đó cô đặt cả 3 loại này, một trong số đó có vẻ là loại chưa từng được phát hiện trước đó, vào một chế độ "ăn nhựa" PET bắt buộc, đây là những mẩu nhựa Vague cắt từ các chai nhựa.
Trước sự kinh ngạc của Vague, chủng vi khuẩn này đã tiêu hóa được nhựa, tạo ra những phụ phẩm không còn gây hại với môi trường.
Dù vậy nữ sinh viên này cảnh báo "vẫn còn một chặng đường dài" trước mắt cho tới khi người ta có thể tìm được những loại vi khuẩn ăn nhựa đạt tốc độ như mong muốn để có thể đánh bay khối lượng rác nhựa hiện nay.
Giáo sư John McGeehan, nhà sinh vật học tại đại học Plymouth, đã từng tiến hành nghiên cứu về các loại enzyme phân hủy nhựa, tỏ ra thận trọng khi đánh giá về thành tựu nghiên cứu của Vague.
Mặc dù cho rằng đây là một trong những phát hiện thú vị, song ông cho rằng nó mới chỉ đang trong giai đoạn đầu và cần có thêm các thí nghiệm khác để khẳng định.