Sống khỏe

Giấc mơ lóng lánh từ hẻm nhỏ Sài Gòn của sân khấu 5B

TTO - Sân khấu 5B vừa ra mắt vở kịch Những giấc mơ lóng lánh. Có lẽ đã gần 20 năm, sân khấu 5B mới dựng lại một vở kịch theo phong cách thể nghiệm: sân khấu không nằm chết một chỗ.

Giấc mơ lóng lánh từ hẻm nhỏ Sài Gòn của sân khấu 5B - Ảnh 1.

Cảnh trong vở Những giấc mơ lóng lánh - Ảnh: LINH ĐOAN

1. Bước vào đêm diễn, có lẽ khán giả ruột của 5B sẽ ngỡ ngàng vì thiết kế sân khấu và cách sắp đặt các hàng ghế khán giả không theo "trật tự" như 5B từ đó đến nay. Không gian vở diễn được thiết kế như phim trường với hình tam giác, bục bệ bị phá bỏ. Mỗi đỉnh tam giác là một "góc nhỏ Sài Gòn".

Cảnh trong vở Những giấc mơ lóng lánh - Video: Linh Đoan

Ở đỉnh này là tiệm hớt tóc của ông Sáu Lý (NSƯT Công Ninh), góc kia là dãy nhà trọ với quán cóc của cô Nhung (Như Ý) và góc còn lại là căn nhà nhỏ nhắn của cô Thu Cúc (NSƯT Tuyết Thu), với chiếc máy may cũ kỹ đặt trước hiên nhà.

Không gian ở giữa là khoảng sân chung. Ghế ngồi của khán giả bao bọc chung quanh "tam giác" ấy.

Giấc mơ lóng lánh từ hẻm nhỏ Sài Gòn của sân khấu 5B - Ảnh 3.

Câu chuyện không có tuyên ngôn gì to tát, chỉ là niềm thương, xao động với những mảnh đời nhỏ bé như anh An Hội (Quốc Thịnh) bán kẹo kéo người Hội An, cô Giàu từ đất Bắc xa xôi (Tuyền Mập) hay Trọng (Hoàng Giang) làm matxa, giác hơi dạo đến từ miền Tây...

Họ đến Sài Gòn với mơ ước đổi đời. Đổi đời cũng chẳng phải là cái gì lớn lao, có khi đơn giản là "từ đói chuyển sang bớt hoặc hết đói" như cách Trọng quan niệm. Họ có khi rất... nhiều chuyện, có khi thích ăn nhậu, cũng túng thiếu nợ nần, cũng lắm tật xấu nhưng sống chơn chất, nghĩa khí, biết chia sẻ cho nhau.

Giấc mơ đó không chỉ là giấc mơ của cuộc mưu sinh, mà còn là giấc mơ của nghệ thuật. Hẻm nhỏ ấy nằm tựa rạp hát Kim Hải lừng lẫy một thời, giờ im lìm, xuống cấp.

Giấc mơ lóng lánh từ hẻm nhỏ Sài Gòn của sân khấu 5B - Ảnh 4.

Giữa người nghệ sĩ xưa nay giấu mình trong thân phận khác và người nuôi giấc mơ thành nghệ sĩ, quan niệm về giá trị thật của người nghệ sĩ, giá trị thật của nghệ thuật lại được xới lên, đau đáu...

2. Khi bắt tay sửa chữa để 5B sáng đèn trở lại, NSƯT Mỹ Uyên - giám đốc nhà hát - mong muốn: "Chúng tôi sẽ cố gắng dựng những vở kịch có độ mở, có sự tương tác với khán giả".

Suy nghĩ đó của chị được tác giả Tùng Phi, đạo diễn Thái Kim Tùng, họa sĩ Kim B... khởi lên với Những giấc mơ lóng lánh. Thái Kim Tùng vốn có kinh nghiệm làm các vở kịch cà phê với nhiều góc, nhiều không gian, nên khi làm dự án này anh không quá bỡ ngỡ.

Thiết kế này hạn chế tắt đèn chuyển cảnh và mỗi lớp diễn được chuyển nhanh như phim. Và khi xem, khán giả dường như cũng "vận động" bởi không biết góc nào sẽ bật sáng. Lúc quay trái, lúc sang phải, có khi giật mình vì diễn viên bước ra ngay sau lưng. Không khí vở diễn vì thế sinh động hẳn lên...

Giấc mơ lóng lánh từ hẻm nhỏ Sài Gòn của sân khấu 5B - Ảnh 5.

Giấc mơ lóng lánh - Ảnh: LINH ĐOAN

Thể nghiệm này cũng khiến diễn viên tốn sức hơn, nhưng có vẻ ai cũng thích và truyền nhiều năng lượng cho các vai diễn, như Công Ninh với vai ông Sáu tốt bụng, dễ thương; Quốc Thịnh khiến khán giả cười nghiêng ngả với giọng miền Trung đặc sệt và lối diễn tưng tửng như không, Tuyết Thu và Mỹ Uyên đầy trăn trở với vai hai cô đào từng là tình địch; nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam trong các ca khúc bolero góp phần làm nên những góc Sài Gòn rất riêng.

Các diễn viên trẻ như Tuyền Mập, Như Ý, Kim Nhã, Tấn Phát... cũng góp nét duyên làm Những giấc mơ lóng lánh sáng lên chút ấm áp giữa Sài Gòn náo nhiệt.

Vở sẽ Giấc mơ lóng lánh (tác giả: Tùng Phi, đạo diễn: Thái Kim Tùng) tiếp tục công diễn suất 16h30 ngày 20-5 và suất 20h15 ngày 26-5.

5B trở lại, Mỹ Uyên gục mặt vào vai Quý Bình òa khóc 5B trở lại, Mỹ Uyên gục mặt vào vai Quý Bình òa khóc

TTO - Tối 6-4, tại Nhà hát sân khấu nhỏ 5B, khán phòng khá đông khán giả với những tràng pháo tay vang lên liên tục. Sáng đèn sau ba năm ngưng hoạt động, nghệ sĩ và cả khán giả đã cùng làm nên một ngày trở lại ấm áp và cảm động.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,313,729       2/877