Sống khỏe

Hàng trăm bệnh nhân ung thư khóc với 'Điểm đến của cuộc đời'

TTO - Tiểu phẩm 'Memento Mori' dựa trên cuốn sách 'Điểm đến của cuộc đời' của tác giả Đặng Hoàng Giang, không quá xuất sắc về mặt nghệ thuật song đã khiến hơn 500 khán giả tại bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng bật khóc.

Hàng trăm bệnh nhân ung thư khóc với Điểm đến của cuộc đời - Ảnh 1.

Đoạn kết trong tiểu phẩm "Memento Mori" - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Tiểu phẩm Memento Mori và cuộc trò chuyện với tác giả Đặng Hoàng Giang cùng những sẻ chia của người thân các nhân vật và chính những bệnh nhân ung thư đã đưa câu chuyện chạm đến trái tim mỗi người.

Ai rồi cũng chết

Trưa 20-5, không khí yên ắng bao trùm hội trường tầng 2 của bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Các tình nguyện viên của dự án Một bức tranh nhiều hy vọng dìu những khán giả áo xanh vào các hàng ghế ngay ngắn.

Những người đến xem tiểu phẩm Memento Mori đa phần là những bệnh nhân đang điều trị ung thư tại đây và người thân của họ. Trong trang phục bệnh viện, nhiều người mang theo cả bình truyền dịch, người trên đầu đã rụng hết tóc sau thời gian dài hóa trị…

Hàng trăm bệnh nhân ung thư khóc với Điểm đến của cuộc đời - Ảnh 2.

Rất đông khán giả là bệnh nhân ung thư chăm chú theo dõi tiểu phẩm - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Ánh đèn sân khấu mờ dần, các diễn viên bước lên trong trang phục trắng, bằng độc thoại, đối thoại, họ tái hiện những lát cắt câu chuyện 4 nhân vật có thực một cách nhẹ nhàng.

Tiểu phẩm bắt đầu với những lời gửi gắm của chị Vân - một bệnh nhân ung thư xương đã dùng hơi sức cuối cùng ghi âm vào điện thoại nhắn nhủ, dặn dò hai con gái của mình. Và chị phải bỏ dở đoạn ghi âm giữa chừng vì kiệt sức.

Nhân vật Vân trong thực tế đã dùng những ngày cuối của cuộc đời mình thuyết phục gia đình chấp nhận cho chị hiến giác mạc, làm một điều có ích cho đời.

Tiếp nối là câu chuyện của chị Hà 40 tuổi đối mặt với bi kịch đứa con trai 10 tuổi của chị mất vì ung thư xương. Câu chuyện về nhân vật Hà day dứt một câu hỏi làm thế nào vượt qua nỗi đau, bi kịch, mất mát và tiếp tục sống khi người thân yêu nhất của mình mãi mãi ra đi.

Và câu chuyện của Liên, một cô gái trẻ với nhiều hoài bão ước mơ bị ung thư vú và mất sau 5 năm chữa chạy. Làm thế nào cô tìm được cho mình ý nghĩa của cuộc sống?

Cuối cùng, Liên đến với cái chết một cách thanh thản vì cô cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ và em trai dành cho mình. Cô đã đủ dũng cảm chia sẻ với gia đình, và chính tình yêu thương giúp cô mạnh mẽ chấp nhận sự ra đi.

Những mảnh ghép trong tiểu phẩm tưởng như không liên quan nhưng cùng chung một đích đến là cái chết.

Hàng trăm bệnh nhân ung thư khóc với Điểm đến của cuộc đời - Ảnh 3.

Diễn viên Tâm Như vai Liên - cô gái đầy hoài bão mắc ung thư - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Người cận tử nhìn thấy chính mình

Cũng như thông điệp từ cuốn sách Điểm đến của cuộc đời mà tác giả Đặng Hoàng Giang ra mắt năm 2017, tiểu phẩm Memento Mori và phần giao lưu với tác giả như là chương trình đồng hành với người cận tử và cùng nhau chia sẻ những bài học từ cuộc sống này.

Hàng trăm bệnh nhân ung thư khóc với Điểm đến của cuộc đời - Ảnh 4.

Tác giả Đặng Hoàng Giang chia sẻ với bệnh nhân ung thư trong chương trình - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Có những giọt nước mắt đã rơi khi các khán giả vô tình bắt gặp hình ảnh của người thân hay chính họ. Một không khí lặng yên và xúc động thổn thức.

Xem tiểu phẩm Memento Mori, Thiện - em trai của nhân vật Liên đã xúc động khi nhìn lại hình ảnh của chị gái mình.

Anh chia sẻ với những bệnh nhân ung thư rằng: "Con mong mọi người hãy cùng cố gắng để chiến đấu, giữ niềm tin và gia đình hãy luôn ở bên để giúp những người đang phải chịu đau đớn dễ dàng vượt qua".

Có thể đó là cách Thiện cùng đồng hành, cùng chiến đấu với chị gái của mình và chứng kiến sự ra đi thanh thản của cô gái Liên đầy hoài bão.

Hàng trăm bệnh nhân ung thư khóc với Điểm đến của cuộc đời - Ảnh 5.

Chị Trương Thị Xim (29 tuổi) khóc nghẹn khi nhìn thấy chính mình trong khoảnh khắc đối mặt với cái chết -Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Tiểu phẩm Memento Mori với các diễn viên: Hồng Ánh, Tâm Như, Minh Hằng và Mai Huy; đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ lần đầu tiên ra mắt tại TP.HCM vào tháng 4- 2018, nằm trong khuôn khổ chương trình "Khơi nguồn cảm hứng".

Dự án cộng đồng Memento Mori ra đời với tâm niệm lan tỏa thông điệp trân trọng sự sống và chấp nhận cái chết.

Đến với chương trình, nhiều người có người thân mắc bệnh ung thư, và chính những bệnh nhân ung thư đã trải lòng về nỗi đau và nghị lực của họ.

Nhiều người đưa tay quệt ngang dòng nước mắt. Nhiều người nấc nghẹn và có những người đã phải quay đi.

Tiểu phẩm đang diễn ra nhưng giây lát lại có những khán giả phải rời ghế. Các tình nguyện viên phải đưa những người bệnh nặng về phòng điều trị.

Chị Nguyễn Thị Mai (43 tuổi) quê ở Quảng Nam đã có hơn 3 năm điều trị tại bệnh viện Ung bướu chia sẻ: "Xem xong tiểu phẩm và nghe mọi người ở đây kể về họ, tôi thấy cái chết thật không là thứ gì đáng sợ. Tôi hiểu hơn ai hết thời gian mình nằm viện, bản thân đau một, chồng và hai con tôi đau mười. Nhưng họ vẫn luôn bên cạnh động viên tôi và từ giờ tôi sẽ làm điều ngược lại là động viên họ".

Tiểu phẩm cho chính nhữngngười cận tử lời khuyên rằng phải có niềm tin, vững vàng trước bệnh tật song đến lúc nào đó, họ phải chấp nhận. Khi họ có đủ dũng cảm chấp nhận thì sẽ ra đi với tâm thế của những người hạnh phúc.

"Ai cũng mong muốn được sống khỏe mạnh, được sống cạnh những người thân của mình nhưng ai cũng phải chấp nhận sự thật và hãy sống những ngày cuối cùng với sự hy vọng, bình tĩnh, tử tế và thanh thản ra đi" tác giả Đặng Hoàng Giang chia sẻ.

Giải mã trào lưu xã hội, hiện tượng văn hóa với ​Đặng Hoàng Giang Giải mã trào lưu xã hội, hiện tượng văn hóa với ​Đặng Hoàng Giang

TT - “Khi xã hội đang trong vòng xoáy của một sự chuyển dịch dồn dập, lộn xộn như tại VN thì rất cần những cá nhân có công cụ sắc bén để giúp giải mã những trào lưu xã hội và hiện tượng văn hóa đang xuất hiện hằng ngày quanh chúng ta”.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,313,719       2/877