TTO - Dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được chờ đợi như cú đấm thép đẩy lùi giặc nội xâm.
Nếu dự án Luật đơn vị kinh tế - hành chính đặc biệt mang kỳ vọng tạo ra đột phá về thể chế để kinh tế đất nước được thúc đẩy bởi động lực mới, trong bối cảnh dư địa phát triển đang hẹp dần thì dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được chờ đợi như cú đấm thép đẩy lùi giặc nội xâm.
Cả hai nhiệm vụ xây dựng, kiến thiết đất nước và chống ăn tàn phá hại đều được đặt ra khá nặng nề và cấp bách tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV - kỳ họp có thời gian ngắn nhất trong số các kỳ họp thường niên của cơ quan quyền lực tối cao trong vài thập kỷ qua.
Do vậy, những vấn đề cốt tử đặt lên bàn nghị sự phải được phân tích, soi rọi bằng thực tế và lý luận tiến bộ của những chính khách có tầm nhìn, trên cơ sở cân đo đong đếm lợi ích tối thượng của dân tộc, của nhân dân.
Kể từ năm 2005, thời điểm Luật phòng, chống tham nhũng được ban hành lần đầu tiên, qua nhiều lần sửa đổi, vẫn nghe vang tiếng đại biểu bừng bừng khí thế ở Ba Đình rằng "đấu tranh này là trận cuối cùng".
Nhưng trên thực tế đã thấy rõ, chống tham nhũng là cuộc chiến căng thẳng, cam go và không có hồi kết. Khi nào đảng cầm quyền đẩy mạnh cuộc đấu tranh này quyết liệt, có hiệu quả, thì chính đảng và nhà nước mới vững mạnh, được nhân dân tin yêu.
Những tranh luận như đánh thuế thu nhập cá nhân 45% hay tịch thu 100% tài sản bất minh sẽ không có hồi kết, nếu như các nhà lập pháp không cùng đứng trên một lập trường.
Các biện pháp ngăn ngừa tham nhũng, để trở thành quy định của pháp luật, có lẽ không cần nhiều sự sáng tạo ở các nhà soạn luật của chúng ta, bởi trên thế giới có nhiều biện pháp hữu hiệu được luật hóa, đã thành thông lệ.
Minh bạch tài sản quan chức chẳng khó, trừ khi chính các quan chức muốn biến pháp luật thành nơi khu trú an toàn của họ, người thân và nhóm lợi ích.
Với nhiệm vụ xây dựng, kiến thiết thì xem chừng còn khó hơn nhiều, mặc dù thế giới đã xây dựng các đặc khu kinh tế cách nay nửa thế kỷ, để lại cho chúng ta những bài học cả thành công và thất bại.
Đây mới là lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo và tầm nhìn vượt thời gian của các nhà làm luật thông thái.
Cứ theo dõi quá trình xây dựng, thảo luận dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, với những chỉnh lý, thay đổi khá nhiều của dự thảo luật trình kỳ họp thứ 5 so với dự thảo trình kỳ họp thứ 4, mới thấy việc quyết định những điều "đặc biệt", "vượt trội" là không hề dễ dàng.
Phác thảo diện mạo ba đặc khu (Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc) trong tương lai là những bài toán cân não với bao nhiêu ẩn số bên trong, bên ngoài, cả hiện thực và giả định.
Liệu các đặc khu này có thể mang hình hài được vẽ nên bởi các đề án đầy tham vọng, hay chúng chỉ là những khu du lịch nghỉ dưỡng và ăn chơi cao cấp?
Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào hệ thống chính sách và các nguồn lực mà luật pháp trao cho nó.
Vì vậy, câu hỏi đặt ra không chỉ là lấy đâu ra hàng triệu tỉ đồng để đầu tư, mà còn phải trả lời là đất nước được gì sau khi "bơm" cho các đặc khu những núi tiền và cho cơ chế.
Hàng triệu tỉ đồng sẽ là quá đắt khi nó bị "đổ sông đổ biển", chi tiêu kém hiệu quả, nhưng đó cũng có thể là món tiền rất rẻ nếu từ đó góp phần kiến tạo nên tương lai Việt Nam sáng ngời từ các thể chế hôm nay.
Xây tốt, chống tốt mới có tương lai tươi đẹp!