Sống khỏe

Vĩnh biệt đệ nhất đào lẳng - nghệ sĩ cải lương Mai Lan

TTO - Nghệ sĩ Mai Lan được mệnh danh là 'đệ nhất đào thương' với hàng trăm vai diễn, thế nên sự ra đi của bà đã để lại nhiều tiếc nuối cho các thế hệ nghệ sĩ sân khấu.

Vĩnh biệt đệ nhất đào lẳng - nghệ sĩ cải lương Mai Lan - Ảnh 1.

Bàng hoàng biết tin Nghệ sĩ cải lương Mai Lan (tên thật Nguyễn Thị Lan, sinh năm 1944) đã trút hơi thở cuối cùng lúc 6 giờ ngày 21-5, hưởng thọ 75 tuổi.

Các nghệ sĩ sân khấu cải lương và kịch nói đều bàng hoàng xúc động.

Tang lễ của nghệ sĩ Mai Lan được tổ chức tại Chùa Vĩnh Nghiêm, TP HCM. Lễ tẩm liệm được tiến hành lúc 17h30 ngày 21-5.

Vì các con của bà ở nước ngoài đang thu xếp công việc về thọ tang mẹ, do đó tang lễ được tổ chức một tuần tại Chùa Vĩnh Nghiêm.

Lễ động quan tổ chức lúc 6 h ngày 29-5, sau đó đưa đi hỏa táng tại Nghĩa trang Bình Dương.

Nghệ sĩ Mai Lan được hai người chị là Như Ngọc (vợ NS Tấn Tài) và Trương Ánh Loan (thầy của NSƯT Vũ Linh) dìu dắt, nâng đỡ, và bà đã tỏa sáng với nhiều vai diễn ấn tượng.

Tổng kết lại mười mấy năm theo nghề hát, nghệ sĩ Mai Lan rất thành công khi chuyển sang diễn vai đào lẳng, đào tính cách. Bà vốn có năng khiếu từ nhỏ nhưng thành nghệ sĩ nhờ năm 14 tuổi, bà tình cờ quen biết với nghệ sĩ Minh Tài ở đoàn Thúy Nga (1957). 

Thời ấy, đoàn Thúy Nga là một đại ban hùng mạnh, nổi tiếng với vở cải lương Khi hoa anh đào nở (vở này đã đưa tên tuổi đôi soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng vào nghề sáng tác), đồng thời đang lăng-xê kép trẻ Thành Được. 

Sự xuất hiện của nghệ sĩ Mai Lan đã tạo ấn tượng tốt với những người trong đoàn khi bà xin theo học hát. Dù có giọng hát mượt mà, tính tình hoạt bát, nhưng thời gian đầu bà đã được đoàn nhận vào làm diễn viên múa. 

Nhạc sĩ Ba Kim Anh (thân phụ NSƯT Tô Kim Hồng) thấy bà hiền lành, thông minh đã tận tình chỉ dạy để bà học ca vọng cổ và 20 bài bản đờn ca tài tử. Sau đó, để phát triển nghề nghiệp, bà theo đoàn hát Chim Việt, rồi chuyển sang đoàn cải lương Thanh Tao.

Vĩnh biệt đệ nhất đào lẳng - nghệ sĩ cải lương Mai Lan - Ảnh 3.

Nghệ sĩ Mai Lan cùng các bạn bè đồng nghiệp

Tôi rất thương nghệ sĩ Mai Lan, trong đoàn Kim Cương chị là người sát cánh với chúng tôi, đi lưu diễn khắp nơi, đem niềm vui, tiếng cười đến cho khán giả qua những vai đào lẳng. Sự ra đi của Mai Lan, sau Ngọc Hương, Mộng Lành, Thu Cúc, Mỵ Lan….trong năm kỷ niệm sân khấu cải lương tròn 100 tuổi là một mất mát quá lớn không có gì bù đắp được.

NSND Kim Cương đã khóc

Sau một thời gian làm quen với nghề diễn viên, dù chỉ được đóng vai phụ, Mai Lan được giới thiệu với ông bầu Ba Khuê, lúc đó đang nắm đoàn cải lương Hữu Tâm. Bà đã từng bước vào nghề, được đôn lên đào chánh và được nghệ sĩ Thanh Nhã (cha của nghệ sĩ Linh Châu - từng đoạt huy chương vàng giải Trần Hữu Trang) đặt nghệ danh là Mai Lan.

NSND Ngọc Giàu kể lại: "Có một lần nghệ sĩ Cẩm Hồng ở đoàn Hữu Tâm chuyên đóng vai đào độc đột ngột xin nghỉ đoàn, chị Mai Lan được cho diễn thay, cả đoàn không ngờ chị lại hát quá hay, không bắt chước theo rập khuôn mà vai diễn còn có nhiều nét mới khác lạ. 

Hai tác giả Bạch Diệp - Minh Nguyên phát hiện Mai Lan có thể trở thành đào độc có đẳng cấp, đã đo ni đóng giày viết riêng cho Mai Lan vai Thiên Kim, vai độc nặng ký trong vở Tiếng chuông Thiên Mụ, trước là lăng-xê, sau để đo lường hết khả năng của chị. Và chị đã thành công từ đó với sở trường diễn vai đào độc".

Sau này, đoàn Hữu Tâm về diễn vở mới tại rạp Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân), nhà thơ - soạn giả Kiên Giang - Hà Huy Hà đã chú ý cô đào trẻ hát đào lẳng rất có duyên, ông viết bài báo giới thiệu tài năng của nghệ sĩ Mai Lan.

Khi nghệ sĩ Mai Lan được mời về đoàn Thanh Minh - Thanh Nga (khoảng năm 1959-1960), chưa đầy hai năm bà đã trở thành cô đào trẻ triển vọng. 

Mai Lan về đại bang Dạ Lý Hương hát những vai phụ nữ đa tình, lẳng lơ, tạo ấn tượng cho một loạt vở cải lương ăn khách như: Gái nhảy, Thảm kịch tuổi xanh, Lệnh của bà, Tiền rừng bạc biển…

Giữa lúc tài năng đang phát triển rực rỡ, nghệ sĩ Mai Lan lập gia đình năm 1968 và giã từ sân khấu. Đến sau 1975 bà quay lại cộng tác tại đoàn kịch nói Kim Cương, rồi về đầu quân cho đoàn Văn Công TP.HCM cho đến ngày nghỉ hưu năm 1990.

Thời gian sau này bà bị nhiều chứng bệnh, nặng nhất là bệnh tim và tiểu đường. Những ngày qua được con gái chăm sóc tận tình, nhưng chứng bệnh của bà đã khiến chân, tay bị sưng phù, đau đớn. 

Nghệ sĩ Mai Lan mất tại nhà riêng trong sự đau xót của người thân và bạn bè đồng nghiệp. 

100 năm sân khấu cải lương: Nguyễn Ngọc Cương - người khai sáng 100 năm sân khấu cải lương: Nguyễn Ngọc Cương - người khai sáng

TTO - Đã có một thời khi sân khấu cải lương đương thời cực thịnh những năm 1930, tên tuổi Nguyễn Ngọc Cương rất vang danh, cả hai miền Nam Bắc đều biết.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,306,494       3/883