TTO - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 21-5 tuyên bố Iran sắp đối mặt với lệnh trừng phạt "cứng rắn nhất lịch sử" từ Mỹ, cảnh báo chính quyền Tehran đừng nghi ngờ sự nghiêm túc của Washington.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại trung tâm nghiên cứu Heritage ngày 21-5 - Ảnh: AFP
Trong bài phát biểu tại trung tâm nghiên cứu Heritage, ông Pompeo cũng đưa ra một loạt yêu sách của Mỹ đối với Iran, nhấn mạnh nếu Tehran mong muốn thật sự thoát khỏi cấm vận chỉ có cách tự thay đổi bản thân trước.
Trong số các yêu sách có việc Iran phải rút quân hoàn toàn khỏi Syria, theo hãng tin Reuters.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh các yêu sách được đưa ra không có cái nào là không thể chấp nhận.
"Các biện pháp trừng phạt sẽ ngày càng trở nên khốc liệt hơn nếu chính quyền Iran không chịu thay đổi, rẽ khỏi con đường không thể chấp nhận và phản tác dụng mà họ đã chọn cho chính họ và nhân dân Iran", Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo.
Iran sẽ phải vật lộn để cứu sống nền kinh tế của nó một khi lệnh trừng phạt mới của Mỹ chính thức có hiệu lực
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo
Theo Ngoại trưởng Mỹ, các biện pháp trừng phạt mới sắp sửa được áp dụng nhắm vào những ảnh hưởng của Iran trong khu vực.
Ông Pompeo tuyên bố đầy tự tin hoặc là Iran phải chọn cách quay về cứu nền kinh tế trong nước hoặc tiếp tục vung tiền cho những cuộc chiến bên ngoài.
Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 đạt được giữa nhóm P5+1 và Iran đang trở thành nguồn cơn chia rẽ Mỹ và các nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức. Nội dung cơ bản của thỏa thuận này xoay quanh chuyện Iran ngừng làm giàu uranium đổi lại cơ hội làm ăn với các nước phương tây bao gồm Mỹ.
Gọi thỏa thuận 2015 là "tồi tệ nhất lịch sử" và cho rằng nó không thể ngăn Iran phát triển vũ khí hạt nhân sau năm 2025, ngày 9-5-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ rút lui.
Điều này đồng nghĩa các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào Iran trước năm 2015 sẽ được nối lại. Nó cũng có nghĩa các công ty châu Âu đang làm ăn với Iran sẽ phải đứng trước hai lựa chọn: hoặc tiếp tục ở lại Iran và chấp nhận bị Mỹ trừng phạt hoặc rút về nước và bù đắp thiệt hại bằng cách làm ăn với Mỹ.
Anh, Pháp và Đức rõ ràng không muốn thiệt hại nên đang cố gắng cứu lấy thỏa thuận năm 2015 và thất bại trong việc thuyết phục Mỹ. Lo sợ bị trừng phạt, nhiều công ty châu Âu đã bắt đầu rục rịch rút khỏi Iran trước đó.
Trong bài phát biểu hơn 30 phút ngày 21-5, Ngoại trưởng Mỹ nói Washington để ngỏ khả năng có một thỏa thuận mới với Iran và kêu gọi sự ủng hộ của các đồng minh Mỹ.