TTO - Chính quyền Ba Lan ngỏ ý sẵn sàng chi ngân sách tới 2 tỉ USD để Mỹ duy trì căn cứ quân sự thường trực tại nước này, giúp họ tăng cường lá chắn an ninh.
Binh sĩ Mỹ tại Orzysz, Ba Lan - Ảnh: AFP
Theo trang tin Politico, Ba Lan muốn có một sự hiện diện quân sự thường trực của Mỹ tại nước này và sẵn sàng bỏ ra tới 2 tỉ USD ngân sách để có được điều đó.
Tài liệu của Bộ quốc phòng Ba Lan nêu: "Đề xuất này chỉ ra nhu cầu hiện tại và rõ ràng cần có một lực lượng vũ trang của Mỹ được điều động thường trực tại Ba Lan, Ba Lan cam kết cung cấp hỗ trợ đáng kể có thể từ 1,5 - 2 tỉ USD thông qua việc xây dựng những căn cứ quân sự chung và tạo điều kiện cho sự di chuyển linh hoạt của các lực lượng Mỹ".
Ba Lan cũng khẳng định cam kết "sẽ chia sẻ gánh nặng chi tiêu quốc phòng, khiến cho quyết định này trở nên tiết kiệm, hiệu quả với chính phủ Mỹ và giảm bớt mọi lo lắng cho Quốc hội trong những giai đoạn ngân sách không chắc chắn".
Đề xuất quốc phòng này phản ánh mong muốn lâu nay của Warsaw trong việc xây dựng quan hệ an ninh gần gũi hơn với Mỹ và mong muốn lực lượng quân đội Mỹ đóng chân mãi mãi trên lãnh thổ của họ.
Nhu cầu này thực chất đã có từ khi Ba Lan gia nhập NATO năm 1999, nhưng kể từ sau khi Nga sát nhập Crimea vào lãnh thổ của họ từ 4 năm trước, nó càng trở nên mạnh mẽ hơn.
Đề xuất được chính quyền Ba Lan đưa khi chỉ còn hơn một tháng nữa các nhà lãnh đạo NATO sẽ có cuộc họp thượng đỉnh tại Brussels.
Đề xuất này chắc chắn sẽ chọc giận Nga và cũng gây quan ngại cho những đồng minh EU của Ba Lan đang muốn cải thiện quan hệ với Nga như Ý và đôi khi là Đức.
Hiện tại ở Ba lan vẫn đang có các đơn vị vũ trang của Mỹ và NATO đồn trú, tuy nhiên các lực lượng này chỉ được điều động luân phiên làm nhiệm vụ tại đây.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã luôn hối thúc các đồng minh NATO tăng đóng góp ngân sách quốc phòng lên mức 2% GDP. Kể từ năm 2015 Ba Lan là quốc gia đã luôn đóng góp ngân sách này ở mức 2% GDP hoặc hơn.