TTO - Việc Mỹ thiếu các hành động cứng rắn hơn trước các động thái vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông khiến ý nghĩa các đợt tuần tra đảm bảo tự do hàng hải của Washington giảm sút.
Tàu khu trục USS Higgins (DDG-76) của Mỹ vừa thách thức chủ quyền trái phép của Trung Quốc ở Hoàng Sa - Ảnh: US NAVY
Ngày 27-5, một tuần trước khi Đối thoại Shangri-La, một trong những diễn đàn an ninh quan trọng ở châu Á - Thái Bình Dương, chính thức khai mạc ở Singapore, Mỹ lặng lẽ đưa hai tàu chiến đến Hoàng Sa, thực hiện cái gọi là "sứ mệnh đảm bảo tự do hàng hải" (FONOP).
Cái cớ của Trung Quốc
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho hay tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Higgins (DDG-76) và tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường USS Antietam (CG-54) đã tiến vào vùng nước 12 hải lý xung quanh các đảo Cây, Phú Lâm, Linh Côn, Tri Tôn và tiến hành các hoạt động diễn tập. Cần nhấn mạnh các đảo này thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng và kiểm soát trái phép.
Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đóng tại Hawaii không bình luận trực tiếp về các hoạt động ở Hoàng Sa mà chỉ khẳng định "sẽ tiếp tục điều này trong tương lai".
Không ngạc nhiên khi hành động của Mỹ ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích của Trung Quốc. Việc Mỹ đưa tàu chiến tiến vào vùng nước 12 hải lý xung quanh các đảo do Trung Quốc kiểm soát đồng nghĩa Washington bác bỏ yêu sách chủ quyền vô lý của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Đây là lần đầu tiên có hai tàu chiến cùng tham gia một chiến dịch FONOP kể từ khi nó được tiến hành dưới thời tổng thống Mỹ Barack Obama.
"Các hành động của Mỹ đã vi phạm luật quốc gia Trung Quốc và các luật quốc tế liên quan, làm tổn hại đến niềm tin chiến lược giữa quân đội hai nước" - người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm nhấn mạnh trong cuộc họp báo chiều 27-5.
Ông này không quên ngang nhiên cáo buộc hành động Mỹ "xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc". Một tuyên bố tương tự từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc mô tả hành động của Mỹ là "khiêu khích" và kêu gọi Washington "ngừng xâm phạm chủ quyền, đe dọa an ninh" Trung Quốc.
"Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến hành tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia" - Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố nhưng không nói rõ các biện pháp đó là gì.
Có một chi tiết đáng lưu tâm trong cuộc họp báo chiều 27-5 của cơ quan này, đó là lần đầu tiên người ta nghe thấy chuyện Bắc Kinh nói đã triển khai cả tàu chiến và máy bay để "xua đuổi" tàu Mỹ ở Hoàng Sa.
Các hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Bắc Kinh đã bắt đầu triển khai các hệ thống tên lửa chống hạm và phòng không đến các đảo ở Hoàng Sa và những thực thể nhân tạo tại Trường Sa của Việt Nam. Những nhà chứa máy bay cỡ lớn, các hầm chứa vũ khí, công trình phòng thủ, rađa cao tần... lần lượt mọc trên các thực thể bị Trung Quốc chiếm trái phép.
Nói như một nhà bình luận quốc tế, việc tàu chiến Mỹ xuất hiện ngày càng nhiều ở Biển Đông sẽ bị Trung Quốc biến thành cái cớ để đưa thêm vũ khí ra các đảo. "Tàu chiến Mỹ sẽ đi, nhưng vũ khí của Trung Quốc sẽ ở lại đó lâu dài" - vị này khẳng định.
Người Mỹ đang cho thấy cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc trên Biển Đông. Nhưng vẫn chưa rõ các hành động này ảnh hưởng thế nào tới cách hành xử của Bắc Kinh
Chuyên gia Ian Storey thuộc Viện ISEAS Yusof Ishak (Singapore)
Tín hiệu của Mỹ có đang bị hiểu sai?
Chuyên gia Ian Storey thuộc Viện ISEAS Yusof Ishak (Singapore) nhận định sự xuất hiện của các tàu chiến Mỹ ở Hoàng Sa sẽ là một dẫn chứng tuyệt vời cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khi ông đến Singapore tham dự Đối thoại Shangri-La vào ngày 1-6.
"Ông ta có thể chỉ về chiến dịch FONOP ở Hoàng Sa 5 ngày trước đó và nói rằng người Mỹ đang bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông cũng giống như tất cả những gì họ đang làm trên khắp thế giới" - ông Ian suy đoán.
Các động thái của Mỹ trên Biển Đông, kể cả dưới thời ông Obama hay đương kim Tổng thống Donald Trump, thực tế đang tạo ra một cách hiểu hoàn toàn khác ở Trung Quốc.
"Mỹ và Trung Quốc rõ ràng đã đạt được một thỏa thuận ngầm về việc thể hiện sự bất đồng và duy trì một hiện trạng với những kẽ hở trên Biển Đông" - nghiên cứu viên cấp cao Mark J. Valencia thuộc Viện nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc viết trên tạp chí East Asia Forum ngày 26-5.
"Một chuẩn tắc mới đã được tạo ra trên Biển Đông. Trong chuẩn tắc đó, Mỹ sẽ tiếp tục các chiến dịch FONOP, thách thức những gì mà họ xem là yêu sách chủ quyền hàng hải phi lý của Trung Quốc. Người Mỹ sẽ không cố gắng quét sạch hay cô lập các lực lượng Trung Quốc trên các thực thể tranh chấp. Họ đang cố gắng thuyết phục người khác về sự công tâm của các chính sách Mỹ ở khu vực và chứng minh bằng các hành động thực thi nó. Còn Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục phản đối kịch liệt FONOP của Mỹ. Bắc Kinh sẽ tiếp tục tăng cường cái họ gọi là "khả năng phòng thủ" trên các thực thể bị họ chiếm đóng và đổ lỗi cho các chiến dịch FONOP là nguyên nhân khiến Trung Quốc làm thế" - chuyên gia Mark của Trung Quốc lập luận.
Làm rõ vai trò của Mỹ tại khu vực
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis dự kiến sẽ có bài phát biểu vào ngày 2-6, ngày thứ hai của Đối thoại Shangri-La 2018. Cựu tướng 4 sao thủy quân lục chiến Mỹ được kỳ vọng sẽ làm rõ vai trò và sự dẫn dắt của Washington tại châu Á - Thái Bình Dương. Shangri-La 2018 còn có sự tham gia của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.