TTO - Manila thừa nhận hiện sở hữu một trong những lực lượng hải quân yếu nhất Đông Nam Á, do đó cần đẩy mạnh đầu tư để đối phó các mối đe dọa an ninh từ bên ngoài, đặc biệt là các động thái quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông.
Lực lượng đặc nhiệm Hải quân Philippines SEAL đang diễn tập cứu hộ - Ảnh chụp màn hình SCMP
Tại một hội nghị về an ninh hàng hải ở Manila đầu tháng 5 vừa qua, Chuẩn Đô đốc Rommel Jude Ong - Chánh thanh tra Hải quân Philippines, cảnh báo Trung Quốc có thể sẽ sớm triển khai thêm các máy bay chiến đấu J-11 với tầm hoạt động 1.500 km ra quần đảo Trường Sa.
Bên cạnh các tên lửa chống hạm và tên lửa phòng không mà Bắc Kinh đã đưa tới 3 thực thể là đá Subi, đá Chữ Thập và đá Vành Khăn, việc triển khai J-11 sẽ đặt toàn bộ lãnh thổ Philippines nằm trong tầm ngắm của Bắc Kinh.
Hải quân yếu, lại phụ thuộc vào Mỹ
Nhận thức được mối đe dọa này, lãnh đạo Hải quân Philippines, Phó Đô đốc Robert Empedrad mới đây đã kêu gọi cần phải nâng cao năng lực của Hải quân Philippines để Manila có thể bảo vệ biển đảo của họ.
"Với việc sở hữu một lực lượng hải quân yếu, chúng ta không thể nào bảo vệ vùng biển của mình" - ông Empedrad thừa nhận tại lễ kỷ niệm 120 năm ngày thành lập Hải quân Philippines hôm 22-5.
Vị phó đô đốc Philippines nói rằng với hơn 7.600 đảo, đường bờ biển dài thứ 5 thế giới và lãnh hải lớn gấp 7 lần phần đất, Philippines xứng đáng là "một quốc gia hàng hải lớn".
Sau Thế chiến 2, Philippines sở hữu một trong những lực lượng hải quân hùng mạnh ở châu Á. Tuy nhiên, trong 60 năm qua, Hải quân Philippines đã trở thành một trong những lực lượng hải quân yếu nhất, khi chính phủ nước này tập trung chủ yếu vào việc đối phó các mối đe dọa an ninh nội địa từ thập niên 1970.
Lính Hải quân Philippines và Nhật Bản phất cờ đón chào trong lễ tiếp nhận các máy bay TC-90 của Nhật Bản hồi tháng 3 - Ảnh: REUTERS
Theo hãng tin Kyodo của Nhật, bên cạnh việc dồn quá nhiều tài lực để dẹp bớt các thành phần nổi dậy trong nước, Philippines đã phụ thuộc quá nhiều vào "chiếc ô" của quân đội Mỹ để đối phó các mối đe dọa từ bên ngoài.
Tuy nhiên, lớp che chắn từ Mỹ đã bắt đầu vỡ vụn khi chính phủ Philippines vào thập niên 1990 đóng căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân Subic, mà lần lượt là cơ sở không quân và cơ sở hải quân lớn nhất của Mỹ ở châu Á.
"Sáu thập niên sau đó, chúng ta là một trong những lực lượng hải quân yếu nhất, thậm chí là ở khu vực Đông Nam Á. Các quốc gia hàng hải như Malaysia, Indonesia, Nhật Bản, Singapore, Việt Nam và Myanmar đều đã nâng cấp năng lực hải quân của họ, trong khi Hải quân Philippines đã rơi vào sự lỗi thời" - ông Empedrad đánh giá.
Nỗ lực hiện đại hóa hải quân
Trong những tuần gần đây, các quốc gia trong và ngoài khu vực đều bày tỏ quan ngại với các động thái quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, như đáp máy bay H-6K lên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, triển khai tên lửa và thiết bị gây nhiễu điện tử lên các thực thể bồi đắp nhân tạo trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam…
Tại lễ kỷ niệm ngày thành lập hải quân Philippines, ông Empedrad cho biết Manila vẫn đang thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường năng lực hàng hải của Philippines. Trong số này có việc sở hữu 5 máy bay TC-90 do Nhật Bản tặng, với tầm hoạt động xa giúp Manila có thể giám sát tốt hơn vùng biển của mình.
Tổng thống Rodrigo Duterte duyệt đội danh dự tại lễ kỷ niệm 120 năm ngày thành lập Hải quân Philippines hôm 22-5 - Ảnh: REUTERS
Bên cạnh đó, hồi đầu tháng 5, Philippines đã hoàn tất việc mua các hệ thống tên lửa trên tàu đầu tiên từ Israel. Các tên lửa Spike ER sẽ được lắp trên các tàu pháo hạm sản xuất trong nước của Philippines.
Ông Empedrad mô tả hệ thống tên lửa do Israel sản xuất "rất chính xác", tạo lớp che chắn chắc chắn cho Philippines. Vị phó đô đốc tin chắc "những kẻ thù" nào muốn xâm phạm vùng biển của Philippines cũng phải "suy nghĩ kỹ".
Thông tin cho biết một tàu hộ vệ lớp Pohang có thể sẽ được Hàn Quốc giao cho Manila vào cuối năm nay; Hải quân Philippines sẽ nhận các trực thăng tấn công đổ bộ vào đầu năm 2019; hai trực thăng săn ngầm có mang ngư lôi sẽ được đưa vào hoạt động trong năm tới; trong khi 2 tàu khu trục mang tên lửa dự kiến được đưa vào biên chế trong năm 2020.
Theo cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines Roilo Golez, mặc dù việc mua sắm các trang thiết bị được đẩy mạnh, Manila còn nhiều thứ cần thiết phải làm để nâng cao năng lực của Hải quân Philippines, giúp bảo vệ hiệu quả lãnh hải quốc gia.
Trong một so sánh cho thấy sự "bé nhỏ" của Philippines, ông Golez nhấn mạnh Philippines sở hữu nền kinh tế trị giá khoảng 400 tỉ USD, nhưng nó chỉ nhiều gấp hai lần số ngân sách Trung Quốc bỏ ra cho quân đội trong năm 2018. Đó là chưa so sánh ngang hàng với cả nền kinh tế to đùng của Trung Quốc.