Sống khỏe

Kiêng ăn cơm, hại não bộ

TTO - Nhiều người sợ béo, xem tinh bột như là kẻ thù. Họ ăn rất ít hoặc kiêng ăn tinh bột hoàn toàn. Bộ não cần đến một lượng lớn chất bột đường để hoạt động, nếu kiêng ăn cơm hoàn toàn, não bộ sẽ bị tổn hại.

Kiêng ăn cơm, hại não bộ - Ảnh 1.

Luyện tập thể dục thường xuyên là cách tốt nhất để giảm cân - Ảnh: Duyên Phan

Theo các bác sĩ, việc kiêng ăn tinh bột hoàn toàn dễ bị ảnh hưởng nhận thức, suy giảm trí nhớ.

Trí nhớ suy giảm vì kiêng cơm

Chị Nguyễn Thị Khánh (35 tuổi, Hà Nội) vui mừng vì thực hiện chế độ ăn kiêng: ăn thỏa thích thịt, cá, trứng nhưng không ăn tí tinh bột nào đã giảm được 6kg, người nhẹ nhõm, nhìn xinh hơn. Nhưng niềm vui chưa lâu, chị phát hoảng vì thỉnh thoảng hay bị hoa mắt, chóng mặt, đặc biệt trí nhớ sụt giảm nghiêm trọng, làm gì quên nấy... Chị đi kiểm tra không phát hiện tổn thương nhưng bác sĩ khuyên chị không nên kiêng ăn tinh bột.

Tương tự, anh Nguyễn Văn H., 32 tuổi, giám đốc một doanh nghiệp, hay đi tiếp khách, muốn lấy lại vóc dáng chuẩn nên anh thực hiện chế độ ăn lowcarb - loại bỏ hoàn toàn các loại tinh bột - ngũ cốc, đường, đồ ngọt, bánh kẹo, hoa quả, ăn toàn thịt và thịt có mỡ thoải mái. Anh H. giảm cân tốt nhưng công việc thì đình trệ vì trí nhớ suy giảm.

TS Nguyễn Văn Tuấn - bộ môn thần kinh, Học viện Quân y 103 - cảnh báo rất nhiều người hiện nay xem các thực phẩm giàu chất bột đường như cơm, mì... như "kẻ thù" là rất sai lầm.

Họ cho rằng năng lượng của cơ thể chủ yếu được tạo ra từ chất đường và chất béo, đặc biệt từ chất bột đường. Nếu ngừng ăn chất bột đường, cơ thể sẽ đốt cháy chất béo giúp giảm cân, tiêu mỡ, phòng ngừa tim mạch. Theo đó, họ có thể ăn bất cứ thứ gì có protein, chất béo nhưng không có tinh bột đường là được.

TS Nguyễn Văn Tuấn phân tích: chất bột đường (glucid/carbohydrat/glucose) là chất cung cấp năng lượng cho các hoạt động và chức năng quan trọng nhất của cơ thể, chiếm 60-65% tổng năng lượng khẩu phần. Một gam carbohydrat cung cấp 4kcal năng lượng. Nó cấu tạo nên tế bào và các mô, hỗ trợ sự phát triển não và hệ thần kinh, điều hòa hoạt động của cơ thể, cung cấp chất xơ cần thiết. 

Đặc biệt, các glucid, glucose là chất đốt của não bộ, là nhiên liệu giúp não bộ hoạt động nên không thể thiếu trong khẩu phần ăn hằng ngày. Với trọng lượng 1/50 trọng lượng cơ thể, nhưng mỗi ngày não cần tới 400 calo, tương đương với 1/5 tổng số năng lượng mà người bình thường cần trong một ngày.

Nên chọn thực phẩm tăng đường thấp

TS Nguyễn Văn Tuấn cho biết bộ não sử dụng một lượng lớn đường để hoạt động, chiếm khoảng 20% lượng đường cung cấp vào cơ thể. Tuy nhiên, để cho não bộ giành được "động lực lý tưởng hóa" thì phải cung cấp từ từ, tức là "ăn ít và ăn nhiều bữa". Bởi não bộ khi ở trong trạng thái làm việc tốt nhất cần có khoảng 25g đường glucoza trong máu.

Chế độ dinh dưỡng do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề xuất là 55-65% chất bột đường, 20-30% protein, 11-15% chất béo. Nhu cầu năng lượng khi vận động chủ yếu dựa vào chất bột đường để tham gia cung cấp năng lượng, duy trì cường độ vận động và cung cấp năng lượng cho não, cơ bắp. Không giống như protein và chất béo, lượng dự trữ chất bột đường trong cơ thể rất có hạn.

Ví dụ, khi vận động cơ thể không cung cấp đủ chất bột đường sẽ gây ra hiện tượng thiếu năng lượng cho cơ bắp và gây ra mệt mỏi. Không những thế, nếu thực phẩm ăn uống hằng ngày thiếu ngũ cốc trong thời gian dài còn làm cho hàm lượng đường máu thấp đi, gây ra chóng mặt, hoa mắt, tim loạn nhịp... Nghiêm trọng có thể dẫn đến hôn mê do hạ đường huyết. 

Vì vậy, tốt nhất nên chọn các loại thực phẩm có dạng bột đường hấp thu chậm để mức đường trong máu luôn ổn định và não sẽ được cung cấp nhiên liệu một cách liên tục để hoạt động.

Những loại thực phẩm có dạng bột đường hấp thu chậm như: ngũ cốc thô (gạo không xát trắng, bánh mì đen, khoai lang, khoai tây, bắp...). Trái cây ít ngọt: bưởi, táo, sơri... Hạn chế và tránh xa những loại trái cây nhiều đường, nước ngọt, bánh kẹo ngọt, chè... 

Bữa cơm tối cần ăn nhẹ nhàng nhưng phải đầy đủ vì ban đêm não bộ cũng làm việc như ban ngày. Bữa cơm tối sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ, trí nhớ và hoạt động não bộ. Khi ta mơ trong đêm, não bộ gia tăng lượng glucose sử dụng.

Lưu ý mất ngủ

Não bộ chỉ chiếm 2% trọng lượng cơ thể nhưng được cung cấp đến 15% khối lượng máu từ tim bóp ra, tiêu thụ 20% tổng lượng ôxy trong máu và sử dụng đến 25% lượng glucose để sinh năng lượng cung cấp cho các tế bào thần kinh hoạt động.

Trong trường hợp não bị thiếu máu thì hoạt động thần kinh của não bộ bị suy giảm ngay. Người mắc bệnh thiếu máu não thường gặp các triệu chứng điển hình như mệt mỏi, chóng mặt, ù tai, mất ngủ, tê tay chân, rối loạn thăng bằng, liệt nhẹ nửa người, rối loạn cảm giác, rối loạn ngôn ngữ tạm thời, kết mạc mắt có màu nhạt nên tầm nhìn bị mờ.

Thiếu máu não là căn bệnh có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu có sự chuẩn bị thật sớm. Đừng để não thiếu máu nuôi dưỡng là một trong những vấn đề rất quan trọng nếu muốn có một sức khỏe hoàn hảo từ khi còn trẻ cho đến một tuổi già khỏe mạnh, minh mẫn - lương y Hoàng Duy Tân, nguyên phó chủ tịch Hội Đông y Đồng Nai, nói.

Thiếu tinh bột, đường máu thấp dễ té

Nghiên cứu ở Mỹ cho thấy ở trường học, té ngã, tai nạn thường xảy ra ở sân trường vào khoảng 11h- 12h trưa với trẻ không ăn sáng. Ăn sáng hợp lý, lượng đường huyết tốt đảm bảo sự tập trung tốt trong buổi sáng.

Nghiên cứu cũng chỉ rõ, nếu không ăn các thực phẩm giàu chất bột đường, nữ giới có khả năng mất trí nhớ. Cụ thể, phụ nữ không ăn những thực phẩm giàu tinh bột trong vòng 1 tuần thì sẽ tổn thương trí nhớ và khả năng nhận thức. Nếu dung nạp chất đường, bột không đủ có thể sẽ làm giảm lượng đường glucose cần thiết để cung cấp cho tế bào não, từ đó ảnh hưởng tới tư duy, trí nhớ và học tập…

Bạn đọc có những bài viết, thắc mắc về sức khỏe người lớn, mẹ và bé, sức khỏe sinh sản, giới tính, bệnh nam khoa, chữa trị hiếm muộn, dinh dưỡng, chấn thương… có thể gửi về email: suckhoe@tuoitre.com.vn. Phòng mạch Online sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp. Chân thành cám ơn.

Ăn cơm dễ ngủ Ăn cơm dễ ngủ

TT - Cơm, thực phẩm quen thuộc của nhiều dân tộc châu Á, hóa ra chính là loại thuốc ngủ tốt nhất được các nhà khoa học khuyến khích dùng vào bữa ăn chiều.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,290,070       1/1,532