TTO - Bạn đọc Đinh Văn Thiện - một thầy giáo về hưu viết bức tâm thư gởi Bộ trưởng Bộ GDĐT đã được trao giải thưởng 'Làm báo cùng Tuổi Trẻ' chia sẻ rằng những gì ông viết ra xuất phát từ trăn trở của người làm nghề và nói hộ cho nhiều người.
'Đến lúc này không thể không nói được nữa. Phải nói ra để người ta thấy không phải vì đồng tiền mà đuổi người ít tiền, đuổi các em có hạn chế về mặt kiến thức ra khỏi trường học được' - thầy Đinh Văn Thiện (giáo viên về hưu ở Hà Nội) chia sẻ.
Thầy Đinh Văn Thiện là tác giả bài viết 'Tâm thư một giáo viên nghỉ hưu gởi Bộ trưởng Bộ GDĐT. Bài viết nhận được rất nhiều phản hồi từ bạn đọc, giáo viên và phụ huynh học sinh.
Tuổi Trẻ đã trân trọng trao giải thưởng "Làm báo cùng Tuổi Trẻ" tháng 4-2018 đến thầy Thiện và 2 bạn đọc khác.
Bức tâm thư nói hộ nhiều người
Thầy Thiện chia sẻ từ năm 1997, nhân buổi nói chuyện tại một trường dân lập mới khánh thành, thầy có phát biểu về câu chuyện thành tích, kinh doanh trong giáo dục như sẵn sàng nâng cao chất lượng giáo dục bằng việc đào thải những học sinh không giỏi.
"Đấy là một sai lầm về nguyên tắc giáo dục. Tôi mong muốn trường mới này thấm nhuần triết lý giáo dục là tiếp nhận chứ không phải đào thải". Nhấn mạnh điều này, thầy Thiện cho rằng ông muốn gửi gắm suy nghĩ nếu nhà trường muốn thực sự làm giáo dục thì phải coi tiếp nhận là sứ mệnh.
Gần đây giáo dục xảy ra nhiều vấn đề, có học sinh nhảy lầu tự tử vì áp lực học tập, điểm số và áp lực từ gia đình. Hay câu chuyện cô giáo bêu tên học sinh ra trước lớp vì học sinh này có kiến nghị về việc học buộc em phải ra đi...
Thầy Thiện chia sẻ chính những chuyện nhức nhối như vậy xảy ra trong thời gian qua khiến thầy phải lên tiếng bằng bức tâm thư gửi bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo.
Nhận giải thưởng "Làm báo cùng Tuổi Trẻ", thầy Đinh Văn Thiện xúc động bày tỏ: "Trong tâm thư tôi không nêu chức danh mà ghi là giáo viên về hưu, như thế mới đại diện được cho nhiều người. Sau khi bài viết được đăng tải, bạn bè gọi điện đến động viên tôi nhiều lắm. Họ nói: Ông nói hộ tất cả chúng tôi. Có anh bạn hiệu trưởng còn in bài viết ra gửi cho các bạn hiệu trưởng ở tỉnh Phú Thọ. Tôi thấy vui quá, hóa ra mọi người đều nghĩ vậy, chứ không chỉ riêng mình".
Chia sẻ hình ảnh để chất lượng hàng không tốt hơn
Khi thấy máy bay hạ nhầm vào đường băng chưa khai thác, anh B. đã gửi những hình ảnh, clip tới Tuổi Trẻ - Ảnh: Tư liệu Tuổi Trẻ
Đang cùng gia đình đi du lịch, khi máy bay đáp xuống sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa), anh P.C.B. (TP.HCM) thấy máy bay hạ cánh không bình thường. Khi biết máy bay hạ nhầm vào đường băng chưa khai thác, anh B. đã gửi những hình ảnh, clip tới Tuổi Trẻ.
Nhờ có sự cộng tác của anh mà Tuổi Trẻ Online đã có thông tin sớm, độc quyền: "Video ghi lại khoảnh khắc máy bay đáp nhầm đường băng tại Cam Ranh" trên TTO ngày 29-4.
Anh B. chia sẻ: "Tôi rất đam mê chụp hình, thấy hành khách bức xúc trên máy bay vì phải chờ đợi nên đã chụp lại. Và đây là lần đi chơi xa đầu tiên của gia đình nên tôi quay phim để lưu lại kỷ niệm, nhưng không ngờ đúng lúc máy bay đáp nhầm vào đường băng chưa khai thác nên mới có clip độc đáo như vậy".
Anh B. cũng cho biết anh là bạn đọc thân thiết của báo Tuổi Trẻ. Nhiều lần thấy có những phản ảnh của người dân đều được báo lưu lại và giải đáp, phản hồi mau lẹ nên dù đang đưa gia đình đi chơi lễ, anh vẫn dành thời gian chọn ảnh, clip để gửi về ngay cho tòa soạn.
"Máy bay đáp xuống đường băng chưa xây xong, nếu có va chạm nhỏ thì cũng vô cùng nguy hiểm. May mắn là tất cả mọi người trên máy bay đều bình an vô sự. Mặc dù phi công đã mắc sai lầm, nhưng với góc độ cá nhân tôi cũng cảm ơn phi hành đoàn đã làm hết sức để mang lại an toàn cho hành khách trên chuyến bay này" - anh B. nói.
Thông qua báo Tuổi Trẻ, anh B. gửi gắm khi xảy ra sự cố gây ảnh hưởng đến hành khách, ngành hàng không cần chia sẻ, trấn an, xin lỗi kịp thời. "Ngày hôm đó, sau khi máy bay đáp nhầm đường băng, hành khách ngồi một giờ trên máy bay mà không có một lời giải thích thỏa đáng. Rồi còn phải tiếp tục chờ hơn một giờ để lấy hành lý, nhưng cũng không có một lời xin lỗi!" - anh B. kể.