TTO - Các nhà khảo cổ mới đây phát hiện hơn 25 hình vẽ khổng lồ khắc trên một dải sa mạc ven biển thuộc vùng Palpa, miền nam Peru.
Hình vẽ khổng lồ được các nhà khảo cổ phát hiện trên sa mạc vùng Palpa, miền nam Peru. Ảnh: scmp.com
Ngày 28-5, giới chức văn hóa Peru thông báo bằng cách sử dụng máy bay không người lái, các nhà khảo cổ mới đây đã phát hiện hơn 25 hình vẽ khổng lồ (geoglyphs) khắc trên một dải sa mạc ven biển thuộc vùng Palpa, miền nam Peru.
Trao đổi với báo giới, nhà khảo cổ Johny Isla thuộc Bộ Văn hóa Peru cho biết hầu hết các hình vẽ mới được tìm thấy dường như được con người ở nền văn minh Paracas tạo ra cách đây hơn 2.000 năm, hàng trăm năm trước khi người ở nền văn minh Nazca chạm khắc các hình vẽ geoglyphs tương tự gần đó.
Trong số những hình vẽ này có hình một người phụ nữ đang nhảy múa và hình một cá voi sát thủ - sinh vật bán thần mạnh mẽ theo quan niệm của người Peru cổ đại.
Theo ông Isla, 25 hình vẽ geoglyph khác trước đó được các cư dân địa phương phát hiện cũng đã được máy bay không người lái lập bản đồ.
Ông Isla cho biết việc sử dụng máy bay không người lái giúp các nhà khảo cổ có cơ hội khám phá thêm những tập hợp hình vẽ được con người ở những nền văn minh cổ xưa khắc họa.
Nền văn hóa Paracas phát triển ở các thung lũng thuộc Chincha, Pisco và Ica, phía bắc Palpa sau năm 800 trước Công nguyên, và mở rộng đến thung lũng Nazca và toàn bộ Palpa sau đó.
Xã hội Paracas do tầng lớp tăng lữ thống trị và phát triển mạnh về nông nghiệp, đạt nhiều thành tựu quan trọng trong sản xuất gốm sứ và dệt vải.