TTO - Đất vàng, vốn là đặc quyền đặc lợi của một nhóm người, nếu có sai phạm, phải được trả về cho dân.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà nói trước Quốc hội về nguyên nhân thất thoát nguồn lực đất đai khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sáng 28-5 đã mở ra hi vọng chấm dứt cảnh "chướng tai gai mắt" ở những khu đất vàng.
Đất vàng, vốn là đặc quyền đặc lợi của một nhóm người, nếu có sai phạm, phải được trả về cho dân.
Trả lại đất vàng cho dân! Đó là đất đai, nhà xưởng nằm trong tay doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa nhưng sử dụng không đúng mục đích, cần phải được thay tên, đổi chủ và trả lại cho Nhà nước để phục vụ quốc kế dân sinh hoặc Nhà nước phải thu đúng và đủ nghĩa vụ tài chính nhằm đảm bảo giá đất theo thị trường.
Thất thoát nguồn lực đất đai qua cổ phần hóa chủ yếu diễn ra trước tháng 1-2017 khi chưa có nghị định 01 sửa đổi, bổ sung một số nghị định hướng dẫn thi hành Luật đất đai.
Có nghị định này, khi cổ phần hóa doanh nghiệp phải rà soát quỹ đất, lập phương án sử dụng được cơ quan thẩm quyền phê duyệt, đất không sử dụng phải trả lại.
Còn ở thời điểm trước tháng 1-2017, khi cổ phần hóa chẳng ai buộc doanh nghiệp phải rà soát quỹ đất và thu hồi nếu không có nhu cầu. Trong khi với doanh nghiệp cổ phần hóa, đất đai luôn là miếng ngon béo bở.
Và thế là doanh nghiệp bằng mọi cách ôm đất, nhà xưởng vốn được cho thuê giá rẻ bèo để sau cổ phần hóa chuyển thành trung tâm thương mại, dự án bất động sản... với lợi nhuận cực khủng, tiền vào túi một số người.
Xử lý thế nào với các trường hợp này? Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói: "Các bộ ngành đang thanh tra các dự án có đất vàng, nếu phát hiện thiếu minh bạch, không đảm bảo sự phù hợp về xác định giá đất sẽ xem xét để có biện pháp xử lý thích hợp.
Đặc biệt trong việc xử lý này, Bộ Tài chính đã tham gia rất quan trọng vì liên quan đến vấn đề kinh tế đất đai...".
Cần xem đây như là cam kết của bộ trưởng trước bức xúc nguồn lực đất đai bị thất thoát, vấn nạn "đất vàng" làm giàu cho một số người.
Chỉ có nhanh chóng rà soát các khâu khi cổ phần hóa, nhất là thẩm định giá đất, cho chuyển mục đích sử dụng sang đất ở...
Trên cơ sở đó, chọn ra những trường hợp điển hình và bốc thuốc cho từng kiểu thất thoát, lạm dụng đất vàng.
Danh sách các doanh nghiệp đã cổ phần hóa ôm nhiều đất đai, nhà xưởng và kiếm lợi khủng rất dài.
Hãy bắt đầu từ những khu đất vàng đang được dư luận "soi" như khu đất 8-12 Lê Duẩn (Q.1, TP.HCM) và sớm công bố kết quả cho dân biết.
Khi đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng - hai nơi có liên quan trực tiếp đến đất vàng ở doanh nghiệp cổ phần hóa - mới trả lời được câu hỏi "khi nào đất vàng được trả lại cho dân?!".