Sống khỏe

Xót xa tàu vỏ thép dịch vụ hậu cần nằm bờ

TTO - Ba con tàu vỏ thép làm dịch vụ hậu cần ở Bình Định trị giá hàng chục tỉ đồng đang lâm cảnh dở khóc dở cười khi tiếp tục trùm mền còn chủ tàu thì lâm cảnh nợ nần.

Xót xa tàu vỏ thép dịch vụ hậu cần nằm bờ - Ảnh 1.

Hai chiếc tàu dịch vụ hậu cần trị giá 18 tỉ đồng/chiếc của các ông Nguyễn Đức Hưng, Lê Văn Mi ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) nằm bờ hơn 7 tháng qua - Ảnh: DUY THANH

Mỗi lần ra cảng cá Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) thăm tàu vỏ thép dịch vụ hậu cần của mình đang neo đậu, nhìn các tàu bạn đang rộn ràng lấy nhiên liệu, đá lạnh, nhu yếu phẩm… chuẩn bị ra khơi đánh bắt, gương mặt ông Nguyễn Đức Hưng (ở xã Cát Khánh) buồn rười rượi.

Liệu cơm nhưng không gắp được mắm

Chiếc tàu hậu cần BĐ 99479 TS của ông Hưng neo đậu trong cảng Đề Gi đã 7 tháng nay, chưa một lần trở lại biển.

Thỉnh thoảng dăm ba bữa, ông lại ra tàu, mở cabin, đề máy để sạc điện cho bình ắcquy. Tàu neo đậu lâu ngày, hàu bám đầy thân. Trên boong, sơn đã bong tróc nhiều nơi, thân tàu xuất hiện nhiều vết gỉ sét…

Năm 2016, ông Hưng vay vốn ngân hàng 17 tỉ đồng, cộng với vốn đối ứng của gia đình gần 1 tỉ đồng nữa để đóng con tàu dịch vụ hậu cần dài 35,6m, tộng 8,2m, công suất 880CV này theo chương trình Nghị định 67.

Tàu dịch vụ hậu cần là vừa cung cấp nhiên liệu, nhu yếu phẩm, vừa mua ngay cá tươi vừa đánh bắt một vài ngày của các tàu con rồi đưa vào bờ trong thời gian sớm nhất để cá giữ chất lượng cao, bán giá tốt nhất.

Vậy nhưng, nhận tàu về vào đầu năm 2017, với chuyến đi đầu tiên, ông Hưng lỗ 100 triệu đồng. "Vậy là tôi "vỡ mộng", nỗi lo chất chồng từ đó", ông Hưng buồn bã.

Xót xa tàu vỏ thép dịch vụ hậu cần nằm bờ - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đức Hưng ngồi lặng trên cabin con tàu dịch vụ hậu cần bị “mắc cạn” của mình - Ảnh: DUY THANH

Tương tự, con tàu dịch vụ hậu cần BĐ99569 TS của ông Lê Văn Mi, cùng công suất, đóng cùng nơi và xuất xưởng cùng ngày với tàu ông Hưng, cũng lỗ vốn trong chuyến ra khởi đầu tiên.

Rút kinh nghiệm, hai chủ tàu này bàn với nhau tìm cách "liệu cơm gắp mắm" để "lấy ngắn nuôi dài" bằng cách tổ chức đánh bắt cá ninja (còn gọi là chình bọc). Nhưng rồi, giá cá này rớt thê thảm, hai chủ tàu lại lỗ vốn.

Nhưng đó chưa phải là điều đáng nói nhất. "Danh hiệu" thê thảm nhất thuộc về chiếc BĐ 99888 TS có công suất 940CV của ông Đỗ Công Quý, cũng ở xã Cát Khánh.

Ông Quý đóng tàu ở Công ty Nam Triệu với giá 14,6 tỉ đồng, đưa về cảng Đề Gi tháng 10-2016.

Trong chuyến đi biển đầu tiên, tàu ông Quý mua được nhiều cá, nhưng khi về bờ thì toàn bộ phần cá từ giữa hầm chứa trở xuống đều hỏng do hầm không rút được nước. "Sự cố" này đã khiến ông Quý mất tong cả tỉ đồng vì lỗ.

Khắc phục lại hầm cá, ông Quý đưa tàu ra biển chuyến thứ hai. Nhưng mới ra khỏi cửa biển Đề Gi thì máy tàu trở chứng, đành phải thuê tàu khác kéo vào cảng. Vây là, con tàu vỏ thép dịch vụ hậu cần này đã phải nằm bờ từ tháng 4-2017 cho đến tháng 4-2018 mới sửa xong!

Không dám mạo hiểm lần thứ ba, cuối tháng 4-2018, ông Quý đành cho nhóm người quen ở Vũng Tàu mượn tàu để "làm thử" ở biển phía Nam và nói rằng sau 2 tháng nữa nếu có hiệu quả thì sẽ hợp tác làm ăn, kiếm tiền trả nợ, "còn không thì lại phải nhận tàu về".

Xót xa tàu vỏ thép dịch vụ hậu cần nằm bờ - Ảnh 3.

Tàu hậu cần nằm bờ dài ngày khiến nhiều thiết bị để lâu không sử dụng có dấu hiệu xuống cấp - Ảnh: DUY THANH

Một ngày cuối tháng 5-2018, trở về sau khi làm việc với ngân hàng về khoản nợ quá hạn 695 triệu đồng vay đóng tàu phải trả trong kỳ, vẻ mặt ông Lê Văn Mi vô cùng mệt mỏi.

Tiến thoái lưỡng nan

Ông Mi cho biết ngoài phần nợ vay đóng tàu theo chương trình, ông phải cầm cố đất đai, nhà cửa để vay tiền làm vốn lưu động để hoạt động tàu dịch vụ, nhưng vì thua lỗ nên nay hầu như không còn gì.

Suốt thời kỳ hàng chục con tàu vỏ thép Bình Định đều phải nằm bờ do hư hỏng, tàu dịch vụ hậu cần "khủng" không thể cập mạn các tàu gỗ nhỏ giữa khơi xa nhiều sóng gió, nên đã chịu cảnh nằm bờ.

Lúc này thì những con tàu vỏ thép đánh bắt cá cũng đã sửa chữa xong và bắt đầu ra biển. Vậy nhưng, các chủ "tàu con" này lại không muốn bán cá lại cho "tàu mẹ" cũng như không mua hàng từ các tàu dịch vụ hậu cần này.

Tình huống dở khóc dở cười này khiến cho cả ông Hưng lẫn ông Mi mong được chuyển đổi từ tàu dịch vụ hậu cần sang làm nghề mành chụp.

"Nhưng muốn cải hoán thì phải làm các thủ tục rất nhiêu khê và khó nhất là phải có 4-5 tỉ đồng để cải tạo tàu, sắm ngư cụ và các trang thiết bị. Cách gì chúng tôi cũng bí rị cả. Giờ xin ngân hàng khoanh nợ còn không được nữa…" - ông Mi nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Văn Phúc, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Bình Định, cho biết tỉnh này được phân bổ chỉ tiêu 305 tàu theo chương trình Nghị định 67, trong đó có 25 tàu dịch vụ hậu cần, nhưng đến nay mới đóng được 3 chiếc.

Ông Phúc xác nhận rằng cả 3 tàu dịch vụ hậu cần này đều gặp khó khăn lớn vì không hoạt động hiệu quả, chủ tàu nợ quá hạn, sinh kế khó khăn.

Tuy nhiên, ông Phúc nói việc chuyển đổi từ tàu dịch vụ hậu cần sang tàu đánh bắt là bất khả thi, vì vừa tốn khoản tiền rất lớn cho chủ tàu, vừa không đáp ứng được quy hoạch đội tàu cá hiện đại hoạt động theo chuỗi.

"Với trách nhiệm của ngành, sắp tới chúng tôi sẽ làm việc với các chủ tàu "con" để hình thành tổ đội "tàu mẹ - tàu con" gắn kết, tạo điều kiện để các tàu hậu cần ra khơi trở lại", ông Phúc nói.

Ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, tỏ ra bất ngờ trước thông tin phóng viên cung cấp về việc cả 3 tàu vỏ thép làm dịch vụ hậu cần đều phải nằm bờ thời gian dài.

"Như vậy là quá khó cho bà con rồi. Tôi sẽ nắm lại bên Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn để có đầy đủ thông tin, thực trạng, nguyên nhân rồi sẽ chỉ đạo cách tháo gỡ sớm", ông Châu nói.

'Tàu vỏ thép nằm bờ': Đến hẹn, Đại Nguyên Dương chưa chi tiền cho ngư dân

TTO - Giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương cho biết BIDV chi nhánh Phú Tài vẫn còn giữ 5% giá trị con tàu, nên phải chờ thông báo của ngân hàng, doanh nghiệp này sẽ "cấn trừ" khoản tiền này để trả cho 5 chủ tàu.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,425,465       2/961