Sống khỏe

Phóng sanh ngày càng 'trần tục hóa', liệu có còn ý nghĩa?

TTO - Đến mùa Phật Đản người Việt mình hay phóng sanh. Tuy nhiên, ngày nay không ít người đã trần tục hoá việc phóng sanh. Phóng sanh để cầu tài, cầu lộc cầu quan, thậm chí cầu cả tình duyên… liệu có còn ý nghĩa?

Phóng sanh ngày càng trần tục hóa, liệu có còn ý nghĩa? - Ảnh 1.

Bán chim phóng sanh trên đường phố - Ảnh: HOÀI VŨ

Phóng sanh là tập tục lâu đời của người Việt ta. Nó vừa mang ý nghĩa nhân văn (tâm linh) vừa có ý nghĩa khoa học (bảo vệ mội trường), thả động vật hoang dã về môi trường sống.

Trong một năm, người Việt chúng ta có rất nhiều lễ hội, trong lễ hội lại có nhiều tập tục trong đó có tục phóng sanh.

Trước hết, người phóng sanh có quan niệm phóng sanh (thường chim, cá, rùa….) là thể hiện lòng từ bi với những sinh vật hạ đẳng. Người phóng sanh cho đó cũng là một cách báo ân, báo hiếu của con cháu khi người thân không còn tại thế.

Cái gốc của nó là tạo dựng niềm tin con người trong cuộc sống. Có niềm tin để không còn lo sợ một thế lực siêu nhiên nào đe dọa cuộc sống, sống yêu đời, lạc quan. Có niềm tin để tích cực lao động cống hiến tài lực vật lực cho quê hương đất nước.

Ngày nay không ít người đã trần tục hoá, làm mất đi ý nghĩa vốn có của tục phóng sanh. Rằng phóng sanh để cầu tài cầu, cầu, lộc cầu quan, cầu cả tình duyên…

Tôi đã từng đi dự nhiều lễ hội nhiều nơi, đa phần nơi nào tôi đến cũng có tục phóng sanh, tức có người mua kẻ bán vật phóng sanh.

Có nơi chính quyền địa phương thẳng thừng cấm, có nơi không tán thành nhưng cũng lờ đi. Tùy nơi tùy chốn mà người bán, người mua vật phóng sanh che dấu hay lộ liễu.

Nơi nào chính quyền địa phương, hay ban tổ chức lễ hội dễ dãi thì không khí nơi đây có phần bát nháo nhiều hơn bởi người mua người bán, vật phóng sanh nhiều hơn, tiếng chí chóe của chim chóc, cá quẩy đuôi cũng huyên náo nhiều hơn.

Nơi nào khó khăn, nghiêm ngặt thì người bán phải ngụy trang vật phóng sanh bằng nhiều cách để chính quyền hay ban tổ chức không nhìn thấy. Người bán nhốt chim, cá trong không gian nhỏ hẹp, hẹn người mua ở một nơi kín đáo nào đó và công việc bán mua xảy ra thật nhanh chóng.

Cũng vì thế mà đôi lúc chim phóng sanh khi thả ra không bay được đã phải rơi ngay xuống đất, cá phóng sanh lờ đờ hoặc chết ngay khi vừa được thả. Chim, cá được thả ra là có người đem vợt, xuồng nghe bắt chúng lại để tiếp tục bán tiếp người phóng sanh.

Tôi có người chị bà con có con gái theo chồng ở nước ngoài. Mùa Phật Đản năm nào con chị cũng gởi tiền về đặt mua trước 5.000 con chim để phóng sanh.

Tôi hỏi vì sao phải làm vậy? Người chị tâm sự, cả gia đình nhà chồng nó ở Mỹ làm Nails vì tranh nhau khách mà gia đình luôn luôn xào xáo bất hòa vì thế phóng sanh để cầu cho gia đạo được êm thắm, thuận hoà.

Tôi chỉ biết mỉm cười ý nhị nhìn chị mà thương cho cháu vì… cứ tin mãi phóng sanh để cầu cái điều vô lý, bởi tất cả là do chính mình tranh nhau làm ăn chứ có phải phóng sanh để… hết bất hòa đâu.

Ngày nay vì lợi ích nhất thời mà giá trị tục phóng sanh bị con người lợi dụng, làm sai lệch đi ý nghĩa. Tôi không có ý bỏ đi một nét đẹp văn hóa mang đầy tính nhân văn như tục phóng sanh.

Tôi cạn nghĩ rằng, chúng ta nên có một cái nhìn khoa học hơn vừa có ý nghĩa tâm linh vừa thực tiễn để từng bước chỉnh đốn, hoàn thiện thì tập tục này mang đậm nét nhân biết mấy!

Theo quan niệm của Phật giáo, phóng sinh là cứu mạng người, kéo dài sự sống của họ hay sinh vật nào đó. Chuyện phóng sinh là thể hiện tâm từ bi của người thực hiện. Trong đạo Phật phát triển sau này, phóng sinh chỉ là một phương tiện để tu tập.

Về mặt hình thức phóng sinh có nghĩa là mình đừng có cùm kẹp mà để cho các loài vật được tự do. Còn về nghĩa bóng, phóng sinh là phóng thích những cái tâm ô uế như cái tâm tham, cái tâm đố kị, hơn thua và thù hận ra khỏi con người mình để mình được tự do.

(Nguồn: vi.wikipedia.org)

Vòng luẩn quẩn chim phóng sinh Vòng luẩn quẩn chim phóng sinh

TTCT - Nó vừa kêu chíp chíp vừa nhảy nhót loanh quanh trên cây quất đang úa tàn mà người ta mới chưng trong chùa hồi tết.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,425,446       2/961