TTO - Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục ĐH được trình Quốc hội sáng nay 30-5 nhấn mạnh một trong những chính sách để phát triển giáo dục ĐH là khuyến khích phát triển các trường ĐH tư thục và trường có vốn đầu tư nước ngoài.
Thí sinh tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung 31 điều, bổ sung 2 điều mới, bãi bỏ 1 điều và 1 khoản, đồng thời rà soát chỉnh sửa tên một số điều về mặt kỹ thuật.
Nội dung chủ yếu của dự thảo là mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ ĐH, đổi mới quản lý nhà nước, đổi mới quản lý đào tạo, đổi mới quản trị ĐH.
Công - tư bình đẳng
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT, dự thảo thống nhất điều chỉnh pháp luật đối với các trường ĐH công lập và ngoài công lập để thực hiện tối đa bình đẳng công tư.
Các trường sẽ được tự chủ sử dụng một phần tài sản vào kinh doanh, cho thuê, liên kết nhằm mục đích phát triển giáo dục ĐH, theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển.
Đây là một thay đổi có tính đột phá. Bởi lẽ với luật hiện hành, nhiều chuyên gia cho rằng các chính sách của Nhà nước quy định "còn mang tính chung chung, thiếu cụ thể". Chính Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận với Luật Giáo dục ĐH 2012, chính sách đầu tư mang tính cào bằng nên chưa tạo động lực phấn đấu cho các trường ĐH.
Nhà nước cũng chưa có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cho giáo dục để thu hút các nguồn lực của xã hội cho giáo dục, chưa có chính sách đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế trong khi đó đây là xu thế tất yếu nếu Việt Nam muốn nâng cao chất lượng đào tạo ngang tầm khu vực và quốc tế.
Ngoài ra, cũng chưa quy định đào tạo phải gắn với nhu cầu sử dụng để có sự điều tiết ở tầm vĩ mô, tránh tình trạng dư thừa hoặc khan hiếm nhân lực.
Luật Giáo dục ĐH hiện hành quy định "Các nguồn tài chính của cơ sở giáo dục ĐH bao gồm: Ngân sách Nhà nước (nếu có)…". Bộ GD-ĐT chỉ rõ quy định này đặt trong bối cảnh các trường có cơ quan chủ quản khác nhau, nên ngân sách cấp cho các cơ sở cũng khó có sự thống nhất chung, dẫn tới sự mất công bằng giữa các trường và giữa người học ở các trường khác nhau.
Cũng vì lý do đó, sinh viên ở các trường ngoài công lập không được hưởng sự ưu đãi gián tiếp của Nhà nước, mà còn phải đóng nhiều khoản thuế, như thuế ở ký túc xá, thuế ăn uống, thuế gửi xe trong trường… thậm chí có thể cả tiền thuê đất của Nhà nước để xây dựng trường.
Điều này cho thấy nguyên tắc và cơ chế cấp kinh phí từ ngân sách và các hỗ trợ của Nhà nước cho người học và cho các trường hiện chưa tạo ra sự công bằng giữa những người học ở các trường khác nhau.
Tuy nhiên, bà Phụng cũng khẳng định để thực hiện chủ trương xã hội hóa, không chỉ việc thay đổi các quy định trong luật có thể giải quyết được vấn đề, mà quan trọng hơn là cần phải tiếp tục nghiên cứu sửa đổi các quy định có liên quan như đất đai, thuế tín dụng…
Học phí đại học sẽ tăng?
Đánh giá về chính sách học phí, lộ trình tăng học phí trong thời gian qua, Bộ GD-ĐT cho rằng "mức học phí vẫn còn thấp, chưa phù hợp với chi phí đào tạo thực tế của các nhóm ngành và các loại hình, trình độ đào tạo".
Vì vậy, theo tinh thần dự thảo, để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong đào tạo đại học cần thay đổi cách phân bổ kinh phí, tạo cơ chế để các trường tự chủ được xác định mức học phí hợp lý, tương xứng với chất lượng đào tạo.
Theo đó, khái niệm "học phí" cũng cần thay đổi để phù hợp với các văn bản pháp luật mới được ban hành, thay vào đó cần sử dụng khái niệm "giá dịch vụ đào tạo".
Trong khi đó, thẩm tra dự án luật này, dù tán thành việc tính đúng, tính đủ chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo theo cơ chế giá dịch vụ, đa số thành viên Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội lại không nhất trí việc thay thuật ngữ "học phí" bằng "giá dịch vụ đào tạo".
Theo ủy ban, việc sử dụng khái niệm học phí vừa thể hiện quan điểm coi giáo dục là lĩnh vực đặc thù, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế và vừa tránh cách tiếp cận theo hướng thương mại trong giáo dục.
Ủy ban cũng đề nghị cùng với cơ chế thu dịch vụ, cần quy định cơ chế giám sát, công khai, minh bạch trong tài chính đại học, để kiểm soát việc thu phí tương xứng với chất lượng dịch vụ đào tạo, đồng thời quy định chính sách hỗ trợ người học để có thể tiếp cận với giáo dục ĐH khi tăng mức học phí.
Nặng lý thuyết, nhẹ thực hành: Nguyên nhân sinh viên thất nghiệp?
Bộ GD-ĐT thừa nhận việc triển khai các hoạt động đào tạo ĐH trong thực tế hiện vẫn còn nhiều bất cập. Trong đó, chương trình đào tạo còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, thiếu kỹ năng, xa rời thực tiễn khiến sinh viên không hứng thú học tập, khi ra trường thì khó tìm kiếm việc làm..