TTO - Chưa bao giờ ngành du lịch được quan tâm và tạo điều kiện phát triển tối đa như hiện nay, chỉ thiếu quyết tâm để dẫn dắt nó bởi "người nấu chẳng bao giờ ăn và ngược lại".
Ngay đầu mùa cao điểm du lịch nội địa, một loạt câu chuyện không hay xảy ra với ngành kinh tế "mũi nhọn" của VN: chủ nhà hàng chém nhau với khách Trung Quốc, du khách Úc có đêm ác mộng khiến hai địa phương cùng rối, đỉnh điểm là du lịch Quảng Ninh "ngăn sông cấm chợ" với Hải Phòng; giá vé, phí cao ngất khiến cho cơ hội tham quan của người dân trở nên xa xỉ...
Tình trạng "ngăn sông cấm chợ" giữa Quảng Ninh và Hải Phòng đã kéo dài thời gian qua, gây bức xúc không chỉ doanh nghiệp lữ hành mà cả trong giới chuyên gia, nghiên cứu du lịch và người dân.
Để có quy định khách muốn đi tham quan hang động, đảo bên vịnh Hạ Long buộc phải sang Quảng Ninh mới đi được, không phải doanh nghiệp muốn là được mà phải có bàn tay, sự hậu thuẫn của cơ quan chính quyền điều chỉnh theo ý muốn doanh nghiệp.
Vịnh Hạ Long không chỉ của một doanh nghiệp, một địa phương mà là tài nguyên chung của VN. Có một kỳ quan thiên nhiên của thế giới hiện nay cũng là kết quả đầu tư của không chỉ một vài doanh nghiệp đang khai thác trên khu vực này mà là thành quả của một chính sách, đầu tư của cả nước.
Những bất cập của du lịch VN hiện nay trách doanh nghiệp, trách người dân làm du lịch chụp giựt một phần, họ để cái lợi trước mắt xóa nhòa đi nỗ lực của người làm ăn tử tế. Vấn đề ở đây là chúng ta đang thiếu biện pháp quản lý, hay một chính sách phát triển dài hạn cho những người làm du lịch.
Tài nguyên du lịch của VN so với các nước trong khu vực không hề thua kém, thậm chí nếu không quá tự hào là đứng hàng thứ nhất.
Những khu du lịch biển đảo nổi tiếng của Thái khó so sánh với các hòn đảo xanh tươi, đẹp đẽ của VN. Nhưng chúng ta vẫn không thu hút nổi được du khách bằng quốc gia này vì cách làm du lịch thiếu bài bản, điều hành quản lý vẫn mang tính đối phó, thiếu chuyên nghiệp.
Nhà quản lý vịnh Hạ Long phải làm người điều phối, kêu gọi các doanh nghiệp liên quan cùng ngồi lại, cùng bàn cách khai thác vịnh một cách hiệu quả, ai cũng có thể tham gia, hòa đồng trong dòng chảy của biển, không phân biệt đối xử thành phần hay ai là "chủ" của vịnh, đi kèm đó là trách nhiệm bảo tồn, tái đầu tư.
Ở đây, vai trò cơ quan quản lý nhà nước rất lớn.
VN muốn phát triển du lịch thì các địa phương phải cùng đồng lòng, hợp tác, đó là lý do vì sao chúng ta có những chương trình liên kết vùng tạo sự phong phú trong các tour tuyến, thu hút du khách. Khu vực ĐBSCL làm rất tốt sự liên kết này.
Năm qua, khách du lịch đến các tỉnh như Đồng Tháp, Bến Tre… đều tăng vọt vì quản lý các địa phương này đã cùng nhau ngồi lại, cùng nói về câu chuyện khai thác cùng phát triển du lịch.
Chưa bao giờ ngành du lịch được quan tâm và tạo điều kiện phát triển tối đa như hiện nay, chỉ thiếu quyết tâm để dẫn dắt nó bởi "người nấu chẳng bao giờ ăn và ngược lại".