Sống khỏe

Hạn chế nuôi thú hoang dã làm trò: Khó dẹp được xiếc thú

TTO - Trong khi việc nuôi thú để phục vụ du lịch cho thấy một bức tranh không mấy sáng sủa nhìn từ góc độ phúc lợi cho động vật và công tác bảo tồn, hiện trạng của việc nuôi thú để biểu diễn xiếc lâu nay thế nào?

Hạn chế nuôi thú hoang dã làm trò: Khó dẹp được xiếc thú - Ảnh 1.

Xiếc khỉ cho trẻ em xem tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nghệ sĩ nói gì về xiếc thú trước khuyến nghị cấm dùng động vật hoang dã trong hoạt động biểu diễn xiếc?

Hiện chỉ có một số đơn vị biểu diễn xiếc thú có nuôi thú tại chỗ, trong đó cơ sở nuôi thú để biểu diễn xiếc có quy mô lớn nhất là Liên đoàn Xiếc VN.

Động vật phải chịu đựng những tác động về mặt tâm lý do sự căng thẳng khi bị giam cầm và khi bị buộc phải thực hiện các trò tiêu khiển phi tự nhiên trước rất nhiều người trong một môi trường vô cùng ầm ĩ. Chúng tôi mong tới một ngày sẽ không còn động vật hoang dã nào phải biểu diễn trong các rạp xiếc để phục vụ mục đích giải trí

Bà LOLA WEBBER (điều phối viên của Liên minh châu Á vì động vật)

Từ "sở thú" thu nhỏ đến xã hội hóa

Cách đây hơn 10 năm, Liên đoàn Xiếc VN đã xây dựng một dãy nhà ba tầng riêng biệt chuyên phục vụ cho việc chăm sóc và tập luyện xiếc thú.

Gần đây, khu nhà này gần như trở thành một "sở thú" đón khán giả nhí tham quan trước khi vào thưởng thức chương trình.

Ngay từ lối vào đã có chị voi Na lừng lững đứng hóng mát ở căn phòng rộng thênh thang, đợi anh voi Nu đang đi "công tác" ở Đà Nẵng. Những chú gấu, ngựa có chuồng riêng ở tầng 2 cùng với đàn lợn ỉn.

Gia đình nhà khỉ được chăm sóc ở tầng 3 cùng với đám chó, mèo... Bốn chú vẹt sặc sỡ lần đầu tiên được diễn xiếc, dự kiến ra mắt khán giả vào dịp cuối năm nay được ở cạnh hai anh đà điểu. Các chuồng đều gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ, thông thoáng. Hệ thống hút mùi treo phía trên được bật thường xuyên.

Rạp xiếc công viên Gia Định của Nhà hát nghệ thuật Phương Nam (TP.HCM) chỉ còn nuôi một số chó và ba con ngựa để phục vụ biểu diễn. Số chó tại đây được thả tự do trong khuôn viên chứ không bị nhốt trong chuồng. Còn ba con ngựa được nuôi trong ba chuồng riêng biệt, có nhân viên cắt cỏ cho ăn, tắm hằng ngày. Mỗi ngày, ba chú ngựa được thả ra chạy, phơi nắng.

NSƯT Phi Vũ - phó giám đốc Nhà hát nghệ thuật Phương Nam - cho biết những năm gần đây nhà hát chỉ diễn những loại thú như chó, khỉ, trăn và mới đây là ngựa. Việc nuôi dạy thú được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, giao khoán cho các nghệ sĩ biểu diễn xiếc thú tự nuôi, chăm sóc, huấn luyện.

Hạn chế nuôi thú hoang dã làm trò: Khó dẹp được xiếc thú - Ảnh 3.

Chuồng nuôi nhốt gấu của Liên đoàn Xiếc VN - Ảnh: ĐỨC TRIẾT

Không có chuyện hành hạ thú?

Ngay từ đầu năm 2011, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm các tiết mục xiếc thú tại toàn bộ 300 vườn bách thú thuộc quản lý nhà nước và cũng thuộc Hiệp hội Sở thú Trung Quốc. Vườn thú nào không tuân thủ quy định sẽ bị đóng cửa.

Theo nghệ sĩ Nguyễn Văn Hoàn - trưởng đoàn nuôi dạy thú Liên đoàn Xiếc VN, xiếc thú (trong đó có nhiều tiết mục do các động vật hoang dã thực hiện như voi, ngựa, khỉ, gấu...) luôn là "món ăn" đặc biệt được Liên đoàn Xiếc VN kỳ công dàn dựng dành cho khán giả, đặc biệt là khán giả nhí trong suốt hơn 60 năm qua.

Xiếc thú luôn chiếm khoảng 50% thời lượng mỗi chương trình biểu diễn và là một yếu tố quan trọng để thu hút khán giả đến với nghệ thuật xiếc. Theo ông Hoàn, các "diễn viên" xiếc đặc biệt này luôn được quan tâm chăm sóc kỹ lưỡng. Mỗi "diễn viên" đều có một công nhân và một nghệ sĩ trực tiếp chăm sóc, huấn luyện. Hiện liên đoàn có 2 bác sĩ thú y.

Hạn chế nuôi thú hoang dã làm trò: Khó dẹp được xiếc thú - Ảnh 5.

Chị Lê Thị Nhung, nhân viên rạp xiếc công viên Gia Định, cho chú ngựa tên Bạch Long ăn cỏ - Ảnh: LÊ PHAN

Tại Anh, chính phủ quy định kể từ năm 2020, mọi loài động vật sẽ bị cấm đưa vào các tiết mục biểu diễn xiếc thú của các gánh xiếc lưu diễn với lý do các rạp xiếc không thể đáp ứng nhu cầu của các loài này vì không gian nuôi chứa chúng nhỏ và di động.

Tại Anh hiện chỉ còn 2 rạp xiếc được cấp phép biểu diễn xiếc thú là Circus Mondao và Peter Jolly’s Circus. 2 rạp hiện có 19 con thú: 6 tuần lộc, 4 ngựa vằn, 3 lạc đà, 3 gấu mèo, 1 cáo, 1 vẹt đuôi dài và 1 bò Zebu.

Lệnh cấm tương tự cũng đã được thông qua tại Ireland, Scotland và hiện đang được thảo luận tại Xứ Wales.

Khi đi "công tác", mỗi loài có một xe đặc chủng, với voi luôn có công nhân ngồi kèm... Vào những ngày cuối tuần, thường có từ 2-3 suất diễn của các "diễn viên" xiếc đặc biệt này tại rạp xiếc trung ương 67-69 Trần Nhân Tông, Hà Nội.

"Hiện nay ở VN xuất hiện một số đoàn xiếc thú nhỏ lẻ không có đủ điều kiện nuôi nhốt và phương pháp huấn luyện biểu diễn, còn có hành vi ngược đãi với thú hoang dã, vậy nên sự kêu gọi của Liên minh châu Á vì động vật (AfA) trong thời gian qua là cần thiết để nâng cao ý thức của các đơn vị.

Còn nếu nói là cấm tất cả các đơn vị biểu diễn xiếc thú thì có lẽ chưa hợp lý khi có những nơi chăm sóc và coi mỗi con thú là một nghệ sĩ thực sự. Với chúng tôi, xiếc thú luôn là một bộ phận quan trọng làm nên thành công của nghệ thuật xiếc cũng như góp phần đảm bảo yếu tố sinh tồn của mỗi đơn vị xiếc.

Tất nhiên trong tương lai, bên cạnh việc tiếp tục chăm sóc tốt những bạn diễn lâu năm như voi, gấu, khỉ, ngựa..., liên đoàn đang chuyển dịch sang xây dựng những tiết mục mới cho các loài động vật nuôi như mèo, lợn, vẹt..." - nghệ sĩ Nguyễn Văn Hoàn nói.

Về lo ngại thú nuôi bị ngược đãi, NSƯT Phi Vũ cho rằng: "Tôi nghĩ không có chuyện hành hạ thú. Người huấn luyện phải yêu thương, chăm sóc tận tình thì thú mới nghe lời, mới chịu biểu diễn. Việc dẹp xiếc thú là rất khó vì các em nhỏ vẫn thích xem. Tôi từng đi công tác ở một số nước châu Âu, họ vẫn giữ xiếc thú, có cả cọp, beo, sư tử... Chẳng hạn đoàn xiếc quốc gia Kazakhstan, đoàn xiếc Canada, đoàn xiếc nổi tiếng Monte Carlo... vẫn còn duy trì diễn xiếc thú".

Ông Vũ cũng băn khoăn về số phận của những người cả đời gắn bó với xiếc thú: "Nếu bỏ xiếc thú thì không ít người huấn luyện, xiếc thú phải lâm vào cảnh thất nghiệp. Có người cả đời chỉ gắn bó với công việc huấn luyện thú. Để huấn luyện được một tiết mục họ cũng phải mất rất nhiều thời gian và kỳ công".

Cho đến nay, sau 10 ngày Liên minh châu Á vì động vật gửi thư đến Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện kêu gọi cấm dùng động vật hoang dã trong hoạt động biểu diễn xiếc, một số rạp xiếc cho biết họ vẫn chưa nhận được thông tin gì từ bộ. Bộ cũng chưa chính thức phát ngôn về vấn đề này.

Nhiều quốc gia cấm dùng động vật hoang dã biểu diễn xiếc

Trang web của tổ chức phi lợi nhuận bảo vệ động vật Vier-pfoten thành lập từ năm 1988 có trụ sở tại Vienna (Áo) liệt kê các nước đã có luật cấm hoàn toàn hoặc hạn chế sử dụng động vật hoang dã trong biểu diễn xiếc.

Theo đó ở châu Âu gồm các nước: Áo, Bỉ, Bosnia-Herzegovina, Bulgaria, Croatia, Cyprus, CH Czech, Đan Mạch, Anh, Estonia, Phần Lan, Hi Lạp, Hungary, Ireland, Ý, Latvia, Malta, Macedonia, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Romania, Scotland, Serbia, Slovenia, Thụy Điển và Slovakia. Cùng với đó là các nước và vùng lãnh thổ khác trên thế giới gồm: Bolivia, Costa Rica, Ecuador, El Salvador, Guatemala, Honduras, Ấn Độ, Iran, Israel, Colombia, Libăng, Mexico, Panama, Paraguay, Peru, Singapore và Đài Loan.

D.KIM THOA tổng hợp

Ngừng diễn xiếc thú với động vật hoang dã Ngừng diễn xiếc thú với động vật hoang dã

TTO - Liên minh châu Á vì động vật (Asia For Animals Coalition - AFA) vừa có thư gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa Nguyễn Ngọc Thiện kêu gọi cấm dùng động vật hoang dã trong hoạt động biểu diễn xiếc.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,418,995       3/1,170