Mùa khô 2016, các tỉnh ven khu vực Mekong trải qua một mùa hạn khốc liệt. Ở Lào, “rốn cá” Don Sahong - nơi công trình thủy điện nhiều tranh cãi đang xây xựng, trưởng bản nói ngư dân ở đây kiếm con cá đã khó hơn rất nhiều.
Ngư dân đánh bắt ven lưu vực sông Mekong - Ảnh: BỬU ĐẤU
Bên kia biên giới Campuchia, dòng sông cá Osvay nhiều ngư dân gác lưới; thậm chí, cư dân Biển Hồ phải mua thịt đãi khách chứ chài lưới cũng không còn cá để bắt…
Chúng tôi đáp xe về tỉnh lị Kratie, phía bắc Campuchia, nằm bên sông Mekong. Cũng gặp tình trạng "đói" cá như nhiều địa phương khác trên đất bạn.
Tại khu chợ trung tâm của Kratie, một điều dễ thấy là phần lớn những quầy bán cá là của người Campuchia gốc Việt. Chính quyền địa phương nói rằng, lâu nay người dân ở đây ăn cá từ Việt Nam chở sang. Không chỉ Kratie, nhiều địa phương ở Campuchia đã ăn cá nhập từ Việt Nam sang.
"Không chỉ người Việt Nam ở Việt Nam, mà người gốc Việt ở Campuchia cũng giỏi nghề cá. Không chỉ đánh bắt thôi, người Việt ở Campuchia cũng nuôi được cá. Nhiều nơi chỉ có người gốc Việt mới nuôi cá", anh Năm Sách - Chủ tịch Hội Người Campuchia gốc Việt ở tỉnh Kratie, kể.
Khi nghe chúng tôi kể về câu chuyện ở Việt Nam, khi nguồn cá thiên nhiên đã cạn, từ rất nhiều năm, các nhà khoa học đã chủ động được nguồn cá giống, nuôi cá "dư ăn" còn xuất khẩu, mỗi năm thu về hàng tỉ USD kim ngạch…
Người dân các nước sống ven sông Mekong, cũng có điều kiện giống như Việt Nam, thậm chí thuận lợi hơn Việt Nam không khỏi trầm trồ.
"Nuôi được nhiều cá như vậy, có lẽ sông Mekong ở Việt Nam nhiều cá hơn sông Mekong ở Campuchia rồi. Ở bên này, chúng tôi phải cấm đánh bắt trong mùa cá sinh sản. Nếu vi phạm là bị phạt tù, vậy mà giữ cá còn khó…", Sea Sokha, anh bạn ở Phnom Penh hỏi chúng tôi về câu chuyện giữ cá cho Mekong.
Thật khó để trả lời với bạn rằng, người Việt giỏi nuôi cá, và người Việt cũng giỏi… bắt cá. Người Việt nghĩ ra nhiều phương thức để bắt cá, từ cá lớn đến cá bé, từ bắt có chọn lọc đến đánh bắt hủy diệt.
Rằng, nhiều đoạn sông của dòng Mekong chảy qua Việt Nam, đã phải chứng kiến cảnh nguồn cá bị tận diệt. Rằng, khi nguồn cá bị cạn kiệt, "bí lối", nhiều ngư dân đã phải bỏ nghề…