TTO - Chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte đang cho thấy thái độ cứng rắn hơn sau thời gian dài bị chỉ trích là mềm yếu trước Trung Quốc, để mặc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông.
Biệt kích Philippines phô diễn sức mạnh trong lễ kỷ niệm 120 năm thành lập Hải quân Philippines ngày 22-5 - Ảnh: REUTERS
Sự thay đổi trong lời lẽ và cách phản ứng của Manila chỉ mới xuất hiện trong một vài tuần gần đây, sau khi có các báo cáo nói Trung Quốc đã triển khai các hệ thống tên lửa lên các đảo nhân tạo bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Biển Đông.
Một vài thực thể nhân tạo trong số này nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) do Philippines tuyên bố. Điều này dẫn tới việc chính phủ của ông Duterte bị các chính trị gia đối lập chỉ trích không thương tiếc.
Trong bối cảnh đó, lần lượt các quan chức cấp cao trong nội các đã phải lên tiếng bảo vệ tổng thống. Người mới nhất đăng đàn vào ngày hôm nay (30-5) là Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Hermogenes Esperon.
Vị này nhấn mạnh Philippines luôn chủ trương đối thoại để giảm căng thẳng nhưng sẽ tính đến chuyện chiến tranh như là giải pháp cuối cùng nếu các binh sĩ bị khiêu khích hoặc bị tổn hại.
"Tổng thống nói nếu các binh sĩ của Philippines bị tổn thương, đó sẽ là lằn ranh đỏ của ông ấy", ông Esperon nhấn mạnh trước các phóng viên.
Tàu chiến BRP Sierra Madre của Philippines bị mắc cạn gần bãi Cỏ Mây - Ảnh: REUTERS
Tuyên bố được đưa ra chỉ hai ngày sau khi Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano truyền đạt một ý tương tự của tổng thống Duterte tới các nhân viên ngoại giao.
"Không ai được phép tự ý khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở đó. Ngài tổng thống đã tuyên bố rằng nếu bất cứ ai lấy các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở biển Tây Philippines, ông ấy sẽ tuyên bố chiến tranh", ông Cayetano nhấn mạnh ngày 28-5.
Biển Tây Philippines là tên gọi được Manila dùng để chỉ vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 370km của Philippines ở Biển Đông, theo tờ Inquirer.
Theo lời ngoại trưởng Philippines, Manila và Bắc Kinh đã trao đổi về vấn đề tranh chấp chủ quyền từ năm 2017. Trong số này có việc Bắc Kinh xây dựng các công trình trên bãi cạn Scarborough hoặc dỡ bỏ tàu hải quân mắc cạn của Philippines tại bãi Cỏ Mây - nơi có hơn một chục binh sĩ Philippines đồn trú.
Con tàu được truyền thông Philippines gọi là cột mốc chủ quyền sống trước các yêu sách và tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Ông Cayetano khẳng định binh sĩ Philippines sẽ không bị cản trở khi tiến hành hoạt động tiếp tế hoặc sửa chữa các cơ sở, chẳng hạn một đường băng, trên các thực thể ở Biển Đông.
Việc hai quan chức an ninh và ngoại giao cấp cao của Philippines nhắc đến lằn ranh đỏ với cho hai việc khác nhau khiến nhiều người bối rối, không biết Manila sẽ phản ứng vì cái nào trước tiên nếu cả hai lằn ranh này đều bị Trung Quốc dẫm lên.
Hồi tuần trước, Philippines đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước thông tin Trung Quốc đáp máy bay ném bom H-6K xuống quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, trước các báo cáo về việc Bắc Kinh đưa tên lửa ra Trường Sa, Manila lại hoàn toàn im lặng.