Sống khỏe

Quá sạch sẽ, trẻ dễ bị ung thư

TTO - Nhà khoa học Anh cảnh báo lối sống quá sạch sẽ trong môi trường thiếu vi khuẩn khiến hệ miễn dịch trẻ em không có cơ hội phát triển đầy đủ, khiến trẻ dễ bị bệnh, kể cả ung thư máu.

Quá sạch sẽ, trẻ dễ bị ung thư - Ảnh 1.

Một em bé mắc bệnh bạch cầu nguyên bào - Ảnh: 2minutemedicine

Một trong số những bệnh ung thư thường gặp ở trẻ em là bệnh bạch cầu nguyên bào cấp tính - một dạng ung thư máu mà tới nay các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân. 

Bệnh này phổ biến hơn ở những nước đã phát triển và giàu có, cho thấy điều gì đó trong cuộc sống hiện đại có thể là nguyên nhân gây bệnh.

Trên tờ Nature Reviews Cancer, giáo sư Mel Greaves, thuộc Viện nghiên cứu Ung thư Anh, công bố những bằng chứng từ 30 năm kinh nghiệm, cho biết nếu hệ miễn dịch không được củng cố qua việc tiếp xúc với vi khuẩn, trẻ có nguy cơ bị ung thư.

Ông Greaves giải thích rằng sự xuất hiện của ung thư máu ở trẻ em trải qua ba giai đoạn:

1. Đột biến di truyền không thể ngăn cản xảy ra trong tử cung người mẹ;

2. Thiếu tiếp xúc với vi khuẩn trong những năm đầu đời khiến hệ miễn dịch không biết cách chiến đấu với mầm bệnh;

3. Cơ thể bị nhiễm khuẩn, hệ miễn dịch hoạt động yếu kém tạo điều kiện cho ung thư máu phát triển.

Giáo sư Greaves khẳng định: "Nghiên cứu cho thấy bệnh bạch cầu nguyên bào cấp tính có nguyên nhân sinh học rõ ràng, được thúc đẩy bởi các bệnh nhiễm trùng dễ mắc khác ở trẻ em do hệ miễn dịch của trẻ chưa được củng cố".

Theo đài BBC, nhiều nghiên cứu từng khẳng định lợi ích của việc tiếp xúc với vi khuẩn. Trẻ em được gửi đi nhà trẻ, có anh chị - được tiếp xúc với nhiều vi khuẩn hơn - ít bị ung thư máu. 

Sau dịch cúm heo ở Milan (Ý), nước này ghi nhận 7 trường hợp trẻ mắc ung thư máu. Trẻ bú sữa mẹ được bảo vệ khỏi ung thư máu. Tỉ lệ trẻ bị ung thư máu thấp ở trẻ sinh thường - được tiếp xúc với vi khuẩn ngay khi sinh - so với trẻ sinh mổ. 

Thí nghiệm cho thấy những động vật nuôi hoàn toàn trong môi trường vô khuẩn bị ung thư máu sau khi bị nhiễm trùng.

Giáo sư Greaves cho biết nghiên cứu của ông không phải để phê phán lối sống quá sạch sẽ. Khi đã xác định nguyên nhân ung thư máu có thể đến từ lối sống, chúng ta có thể phòng tránh được bệnh này. 

Tiếp xúc với vi khuẩn cũng có nhiều cách chứ không nhất thiết chỉ là cho trẻ vọc đất hoặc chơi dơ. Có thể bằng cách cho trẻ ăn sữa chua để "huấn luyện" hệ miễn dịch và ngăn ngừa bệnh tật.

Trong lúc chờ đợi các nghiên cứu sâu hơn về vấn đề, giáo sư Greaves khuyên phụ huynh không nên quá lo với những bệnh nhiễm trùng phổ biến và nên cho con em tiếp xúc với người khác và trẻ khác để tăng cường hệ miễn dịch.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng thận trọng trước kết quả nghiên cứu này. Bác sĩ Alasdair Rankin, giám đốc nghiên cứu về ung thư máu của tổ chức từ thiện Bloodwise (Anh) cảnh báo: "Các phụ huynh không nên quá lo trước thông tin từ nghiên cứu này. Mặc dù đúng là hệ miễn dịch giai đoạn đầu đời khỏe mạnh có giúp giảm chút ít nguy cơ bệnh tật về sau nhưng hiện chưa có cách nào ngăn chặn được hoàn toàn ung thư máu ở trẻ em".

Sạch quá hóa hại? Sạch quá hóa hại?

TT - Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học thuộc Trường ĐH Cambridge (Anh) cho biết những nước công nghiệp phát triển, có thu nhập cao, với nguồn cung cấp nước uống sạch lại có tỉ lệ mắc chứng mất trí nhớ Alzheimer cao hơn 9% khi so với những nước có điều kiện cung cấp nước sạch kém hơn.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,418,001       2/1,284