Sống khỏe

Cục Đường sắt được lập ra chỉ để thanh tra, kiểm tra thôi sao?

TTO - Hàng trăm ý kiến bạn đọc đã dội về tòa soạn tỏ thái độ bất bình với cục trưởng Cục Đường sắt VN, khi vị này cho rằng “Cục Đường sắt không có lỗi gì” trước 4 vụ tai nạn đường sắt liên tiếp xảy ra vừa qua.

Cục Đường sắt được lập ra chỉ để thanh tra, kiểm tra thôi sao? - Ảnh 1.

Hiện trường vụ tai nạn đường sắt tại xã Trường Lâm, H.Tĩnh Gia (Thanh Hóa) sáng 24-5 khiến 2 người chết, 10 người bị thương - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Tai nạn đường sắt đang ngày một nghiêm trọng. Có phải do sự buông lỏng về kỷ cương, sự chểnh mảng của người lao động và phẩm chất của cán bộ có vấn đề? Phải tìm cho ra mấu chốt nguyên nhân và bốc đúng “thuốc” may ra mới chữa lành bệnh

Một cán bộ ngành đường sắt đã về hưu

Tuổi Trẻ giới thiệu một số ý kiến sau đây:

Trả lời Tuổi Trẻ, ông cục trưởng Vũ Quang Khôi hứa: "Tới đây, chúng tôi sẽ tăng cường thanh tra hiệu quả và sắc nét hơn nữa". Nếu như ông kiểm tra, thanh tra sớm hơn, đôn đốc sớm hơn thì khó có thể xảy ra chuyện và bây giờ đâu có phải chạnh lòng và xấu hổ điều gì! Cứ "mất bò mới lo làm chuồng" và cứ sự việc xảy ra rồi mới rút kinh nghiệm thì buồn khổ cho dân lắm. 

Tran (lorova2012@...)

* Lập ra Cục Đường sắt chỉ để thanh tra, kiểm tra? Vậy mục đích cuối cùng của thanh tra, kiểm tra để làm gì mà tai nạn vẫn cứ liên tục xảy ra?

Nguyễn Hùng

* Bởi ông "không thấy có lỗi" nên tai nạn mới xảy ra liên tục.

H.N.

* Thông tin liên lạc trong nước rất phát triển, công nghệ cảnh báo không có gì là quá khó. Nhiều doanh nghiệp trong nước có khả năng thiết kế hệ thống cảnh báo sớm cho các đoàn tàu. Điều đáng ngại đối với người đứng đầu là tư tưởng trì trệ, không cầu tiến.

Dong (binh.an@...)

* Ở nước ngoài, chỉ cần một vụ tai nạn là người đứng đầu ngành đã lên truyền hình xin lỗi và từ chức rồi. Còn ở nước ta, xảy ra 4 vụ tai nạn đường sắt liên tiếp mà chưa thấy ai bị kỷ luật và xin từ chức cả!

Nguyễn Thị Ngọc Phượng

* Ông cục trưởng nói: "Chúng tôi khẳng định chúng tôi không có lỗi gì. Chúng tôi đã làm rất trách nhiệm sau khi xảy ra các sự cố". 

Trước hết, xin thưa đây là tai nạn chứ không phải sự cố, không nên nói giảm nói tránh như vậy. 

Thứ hai, xin hỏi trước khi tai nạn xảy ra thì có làm "rất trách nhiệm" chưa? Và nếu đã làm "rất trách nhiệm" nhưng tai nạn tiếp tục xảy ra thì nên coi lại năng lực, vì không phải cứ "rất trách nhiệm" hoặc làm hết khả năng thì không có tai nạn hay thảm họa nào tiếp theo.

Hieu Tran

* Thật sự tôi nghĩ ngành đường sắt không có lỗi trực tiếp nhưng tư duy, tầm nhìn và phong cách quản lý của ngành đã quá lạc hậu và kém hiệu quả. 

Trước nhớ có vụ triển khai hệ thống tín hiệu tự động đường sắt ngàn tỉ (từ Pháp và Trung Quốc) mà hỏng lên hỏng xuống, tàu suýt tông nhau... Tôi không biết trách nhiệm các anh ở đâu nữa?

Võ (danvyvoca@...)

Một cán bộ ngành đường sắt:

Vai trò của Cục Đường sắt rất mờ nhạt

Tôi thấy thời gian qua vai trò của Cục Đường sắt VN rất mờ nhạt. Về mặt quản lý nhà nước, cục đưa ra văn bản nhiều nhưng có một thực trạng là bộ máy bên dưới không tiếp nhận và thực thi được.

Tình hình tai nạn đường sắt hiện nay đang ở mức báo động đỏ. Trong khi đó, lãnh đạo ngành đường sắt hô hào kiểm soát an toàn giao thông nhưng có kiểm soát được đâu.

Tôi còn nhớ cách nay khoảng 4 năm, khi cục trưởng Vũ Quang Khôi lên ngồi ghế nóng, ông nói mình là một trong những người có tâm huyết với đường sắt và từng có 17 năm kinh nghiệm để đưa đường sắt phát triển.

Ông Khôi lúc đó cũng phát biểu ngồi ghế nóng phải dám làm dám chịu. Nhưng sau 4 năm, tôi thấy ghế cục trưởng ngày càng "nóng" hơn vì đường sắt trì trệ, sự cố, tai nạn liên miên.

Một cán bộ ngành đường sắt đã về hưu:

Bi kịch cho ngành đường sắt

Nghe câu trả lời của cục trưởng, tôi thấy đó là bi kịch của ngành đường sắt! Bản thân cục trưởng không hiểu được nhiệm vụ, chức năng mà Nhà nước giao phó thì làm sao có thể hoàn thành tốt được!

Đúng ra với vai trò của Cục Đường sắt VN, trước các vụ tai nạn nghiêm trọng vừa qua, cục phải đứng ra phân tích, công bố các sai phạm từng cá nhân, đơn vị liên quan, chứ không thể khoán trắng cho Tổng công ty Đường sắt VN tự xử lý được.

Với các tai nạn này, Tổng công ty Đường sắt VN tự phân tích, điều tra theo kiểu "đóng cửa bảo nhau" là cực kỳ nguy hiểm, bởi có thể không bắt đúng căn bệnh của các sự cố, tai nạn.

Từ vụ tàu đối đầu cách nhau 80m ở Suối Vận (Bình Thuận) đêm 14-7-2017 đến vụ tàu khách, tàu hàng suýt tông nhau ở Đồng Nai ngày 27-2-2018, có người đứng đầu ngành đường sắt nào bị xử lý đâu, chỉ thấy sa thải người lao động, còn cấp cao nhất bị xử lý chỉ là giám đốc công ty, chi nhánh đường sắt.

Đ.PHÚ ghi

Tai nạn tàu liên tiếp, cục trưởng Cục Đường sắt nói Tai nạn tàu liên tiếp, cục trưởng Cục Đường sắt nói 'không có lỗi'!

TTO - Cục trưởng Cục Đường sắt VN Vũ Quang Khôi rưng rưng giải bày rằng thấy “chạnh lòng và xấu hổ” khi để xảy ra bốn vụ tai nạn đường sắt liên tiếp vừa qua. Nhưng về trách nhiệm của cục, ông khẳng định “không có lỗi gì”.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,415,699       1/835