Sống khỏe

Kỳ lạ câu chuyện hai mẹ con cùng hiến thận

TTO - Chị Bùi Thị Hòa (ở thị trấn Thứa, huyện Lương Tài, Bắc Ninh) 32 tuổi, chưa chồng chưa con, đã có một quyết định thật khác người: tặng một quả thận cho một người xa lạ. Chị nói mình làm thế vì noi gương mẹ...

Kỳ lạ câu chuyện hai mẹ con cùng hiến thận - Ảnh 1.

Hai mẹ con bà Thảo và chị Hòa tại buổi lễ tôn vinh những người hiến tặng mô tạng, ngày 16-10-2016 tại hà Nội - Ảnh: THÚY ANH

Cứ nghĩ bình thường đi, bình thường với nhau đi, bây giờ tôi chẳng đang rất khỏe là gì...

LÊ THỊ THẢO

Những con người kỳ lạ

Giữa năm 2015, bà Lê Thị Thảo, mẹ Hòa, quyết định tặng thận. Nhà có ba chị em, Hòa ở giữa chưa lập gia đình nên được phân công lên bệnh viện chăm mẹ để phẫu thuật hiến tặng thận.

Ngay cái đêm thức trông mẹ, lần đầu tiên gia đình có một người trải qua cuộc phẫu thuật lớn như thế, trong đầu Hòa bỗng dưng xuất hiện suy nghĩ: cô cũng sẽ tặng ai đó món quà quý giá này giống như mẹ.

Khi Hòa quyết định hiến thận, ông Nguyễn Hoàng Phúc, phó giám đốc Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia, thấy Hòa còn trẻ, chưa có gia đình, chưa sinh con nên cứ cố trì hoãn. Nhưng Hòa bảo với ông: "Mẹ cháu vẫn khỏe sau khi hiến tạng nên cháu đã quyết định rồi".

Tháng 3-2016, Hòa lên bàn mổ để tặng một quả thận cho một người phụ nữ trạc tuổi mẹ mình. Người được nhận thận quê ở Hà Nam, đã bị suy thận nhiều năm và cần được ghép thận để tiếp tục được sống.

Hòa không quen biết người được nhận thận, lần gặp gỡ đầu tiên là trước khi cả hai người lên bàn mổ.

Tỉnh dậy sau ca mổ, Hòa thấy bắt đầu đau, khi hết thuốc mê thì rất đau, thậm chí không được khỏe bằng mẹ nên Hòa phải nằm suốt ba ngày, khi dậy được thì cô bắt đầu tập đi.

Những ngày con gái đi hiến thận là những ngày bà Thảo ở bên cạnh, vì đã có "kinh nghiệm" hiến thận nên bà biết con đau đớn như thế nào và luôn dỗ cho con ăn để khỏe lại.

Mới đầu Hòa ăn rất ít và hai năm sau khi hiến tạng, Hòa vẫn gầy hơn trước khi hiến khoảng 2kg. Chính vì thế mà đến giờ Hòa chưa gặp lại người nhận thận của cô vì sợ người ấy áy náy khi nhìn thể trạng của cô hiện tại.

Hòa chỉ biết tin là người ấy đã khỏe lại và làm được nhiều việc nhà. Còn bản thân mình, Hòa quả quyết khỏe hay yếu không phải là do có một hay hai quả thận.

"Tôi thấy rất khỏe, chỉ là chưa mập lên thôi. Bao giờ tôi mập lại thì tôi sẽ gặp người ấy" - Hòa nói.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc cho rằng hai mẹ con Hòa là trường hợp đặc biệt, là những người dũng cảm và có tấm lòng quảng đại rất đáng ngưỡng mộ.

Ông Phúc nhớ lại cách đó 5 năm, khi Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia bắt đầu đi vào hoạt động độc lập, trung tâm tổ chức tuyên truyền về ý nghĩa của việc hiến tặng mô tạng ở một ngôi chùa nhỏ tại ngoại thành Hà Nội.

Hầu hết người tham dự là bạn bè, người thân quen của các cán bộ trung tâm, trong số ít ỏi những người chưa quen đến tham dự có một phụ nữ trung niên là bà Lê Thị Thảo.

Hôm ấy nhà bà Thảo có giỗ, bà chỉ tham dự buổi gặp trong một thời gian rất ngắn, nhưng điều đọng lại trong bà là ý nghĩ hiến tặng một quả thận ngay khi còn sống. Và bà Thảo quyết định người nhận thận của bà phải là một người nghèo.

Sau khi được ông Phúc tham vấn rằng việc hiến tặng tạng là phải hài hòa các chỉ số của người nhận và người hiến, và người hiến luôn phải tuân thủ nguyên tắc vô danh và không vụ lợi, bà Thảo mới đồng ý tặng thận cho bất kỳ ai đó phù hợp các chỉ số với bà.

Ít ai biết người phụ nữ có ba con ấy là người thứ 3 ở VN đăng ký hiến tạng khi còn sống.

"Sau khi tặng thận 12 ngày thì tôi lên chùa hái 300 bông sen làm công quả, sau đó một tháng thì tôi trở lại với công việc đồng áng, giờ tôi có thể bê được bao đất để trồng cây, bê được bao ximăng..." - bà Thảo cười khi kể về sức khỏe của mình.

Hai ngày trước khi lên bàn mổ, bà mới được biết về người được nhận quả thận của mình, và tết 2016 hai gia đình đã có một cuộc gặp gỡ đầm ấm ở Bắc Ninh. Với bà, như vậy là mãn nguyện...

Kỳ lạ câu chuyện hai mẹ con cùng hiến thận - Ảnh 3.

Cán bộ Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia đến thăm chị Hòa, một ngày sau ca phẫu thuật hiến thận - Ảnh: THÚY ANH

Hạnh phúc... bình thường

Để tặng được quả thận, từ khi quyết định hiến tặng đến khi lên bàn mổ, bà Thảo đã phải hơn 10 lần một mình một xe máy từ Bắc Ninh ra Bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội để làm các xét nghiệm.

Con gái bà Thảo cũng vậy, và cuối năm 2016 khi mẹ con bà được mời lên truyền hình để nói về ý nghĩa của việc hiến tặng mô tạng, hai mẹ con lại chở nhau bằng xe máy từ Bắc Ninh lên Hà Nội rồi vội vã trở về ngay trong đêm.

Sau hàng chục năm bôn ba đủ thứ nghề, thậm chí cả đi làm giúp việc, giờ bà đã được trở lại quê nhà với công việc đồng áng, với vườn cây. Nếu có ai hỏi về chuyện hiến thận đã qua, bà chỉ phẩy tay cười: "Cứ nghĩ bình thường đi, bình thường với nhau đi, bây giờ tôi chẳng đang rất khỏe là gì...".

Và nhờ cái "bình thường" của mẹ con bà Thảo, giờ đây có thêm hai gia đình được hạnh phúc vì người thân của họ khỏe mạnh trở lại.

Ở Bắc Ninh, gia đình bà Thảo cũng đang rất vui vẻ. Nỗi đau đớn của ca đại phẫu đã qua đi, giờ đây trên bụng hai mẹ con là hai vết sẹo dài, như chứng nhân về quyết định rất đỗi lạ lùng, về việc sẵn sàng cho đi mà không băn khoăn một phần thân thể của mình.

Có lẽ có bạn đọc nghĩ rằng đó là hai con người kỳ lạ, nhưng khi gặp họ và trò chuyện, chúng tôi mới thấy mẹ con bà Thảo không kỳ lạ chút nào, họ chỉ muốn tặng quà một cách vô tư để nhận lại một thứ hạnh phúc tinh thần nào đó mà tôi không thể nào định danh được!

Hai vợ chồng cùng hiến thận

Có một cặp vợ chồng ở Hải Phòng, chị vợ là công nhân quyết định hiến thận. Trong quá trình đi cùng vợ trong giai đoạn hoàn tất các hồ sơ, thủ tục, người chồng bỗng dưng quyết định hiến thận cùng vợ.

Cả hai đều rất vui với quyết định "đồng vợ đồng chồng" của mình.

Để được hiến tặng tạng khi còn sống, người hiến tặng phải trải qua các khâu đánh giá về pháp lý, tâm lý thì mới được nhận đơn hiến tặng tạng với nguyên tắc là vô danh, không vụ lợi.

Sau đó, người hiến tạng sẽ được kiểm tra các chỉ số liên quan xem có đủ điều kiện sức khỏe để hiến tạng không.

Trong bất kỳ trường hợp nào, các bác sĩ sẽ quan tâm bảo vệ sức khỏe cho người hiến, ngưng ngay việc hiến tạng nếu có bất kỳ nguy cơ nào dù là nhỏ nhất.

Và trong trường hợp người hiến đủ điều kiện thì nếu trong hai quả thận của người đó có một quả kém hơn, các bác sĩ sẽ lấy quả đó tặng cho người nhận, còn quả tốt hơn sẽ để lại cho người hiến tặng.

***************

Kỳ tới: Quyết định khó khăn

26 năm ghép tạng ở Việt Nam: Ca ghép thận đầu tiên 26 năm ghép tạng ở Việt Nam: Ca ghép thận đầu tiên

TTO - 26 năm trước, các bác sĩ VN với sự hỗ trợ của chuyên gia Đài Loan đã thực hiện ca ghép thận đầu tiên ở VN. VN đã đi chậm hơn thế giới trong kỹ thuật ghép tạng 20 năm, nhưng các ca ghép đầu tiên này đã mở ra cơ hội sống cho hàng ngàn người bệnh.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,415,142       1/828