TTO - Thảo luận sửa đổi Luật Thể dục thể thao tại Quốc hội sáng nay 31-5, nhiều đại biểu cho rằng đã đến lúc quy định bơi lội là một bộ môn chính khoá trong trường học.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nêu băn khoăn của các đại biểu về lập luận "thiếu cơ sở vật chất, tăng biên chế" nếu đưa môn dạy bơi lội vào nhà trường.
Ông Quốc nói: "Hoàn toàn không có gì khó khăn, môn bơi lội là hết sức cần thiết, không chỉ trang bị kỹ năng thoát hiểm mà còn như một kỹ năng sống cần có, đã học sinh thì phải biết bơi".
Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho biết thời gian qua tình trạng các vụ đuối nước thương tâm xảy ra liên tiếp, nhiều vụ việc ba, bốn trẻ đi học về ra hồ tắm và bỏ mạng vì không biết bơi.
Các vụ việc này xảy ra khá nhiều như ở các tỉnh Tây nguyên, còn trên thực tế cả nước thì các vụ đuối nước trẻ em "năm sau luôn cao hơn năm trước".
Ông Tạo thấy lo khi nước ta có hệ thống sông suối chằng chịt mà số lượng trẻ em biết bơi chưa nhiều.
"Luật Giáo dục sửa đổi đang bàn thảo cũng đề cập việc nâng cao trí tuệ, thể chất của học sinh. Để đạt mục tiêu đó thì cũng cần đưa vào Luật Thể dục thể thao quy định rõ theo hướng bắt buộc việc dạy bơi lội trong nhà trườn", đại biểu Lâm Đồng nói.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) - Ảnh: VIỆT DŨNG
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) chia sẻ quan điểm: Để đạt mục tiêu "một dân tộc khoẻ mạnh" thì phải có cơ chế khuyến khích toàn dân tập thể thao.
"Cái chúng ta cần có và muốn có là một dân tộc khoẻ mạnh. Thực tế gần đây là chiều cao chúng ta đang có xu hướng giảm, kinh tế thì lên mà chiều cao thì chưa tương xứng. Tình trạng đuối nước gia tăng. Rồi tình trạng thể trạng yếu cũng đã tác động vào quỹ bảo hiểm", ông Nghĩa nói.
"Chúng ta muốn tăng năng suất, muốn 4.0 thì con người phải khoẻ. Mục tiêu trong 10-20 năm tới là chúng ta trở thành một dân tộc khoẻ mạnh. Cho nên tôi thống nhất là phải đưa các bộ môn thể dục thể thao cần thiết để nâng cao thể trạng con người vào nhà trường".
Giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, bộ trưởng Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đồng tình bơi lội là một bộ môn thiết thực, việc dạy bơi trong nhà trường là điều ai cũng mong muốn.
"Tuy nhiên để thực thi được trong thực tế thì còn rất nhiều khó khăn. Vấn đề này Bộ VH-TT-DL sẽ tiếp thu và xin ý kiến thêm", bộ trưởng Thiện nói.
Nếu cứ lo lắng không có giáo viên, không có bể bơi thì biết bao giờ trẻ em mới được học bơi - một bộ môn văn minh mà trẻ em các nước phương Tây đã được thụ hưởng từ lâu.
Đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang)
Không đưa vào luật thì cá cược vẫn diễn ra
Một chủ đề khác tốn khá nhiều thời gian tranh luận của các đại biểu là chuyện nên hay không nên bổ sung quy định về đặt cược thể thao, các hoạt động thể thao được phép kinh doanh đặt cược, trong dự thảo luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ: Thứ nhất, thị trường đặt cược thể thao trên thế giới đang có xu hướng phát triển nhanh, nhiều quốc gia đã chính thức hợp pháp hóa hoạt động đặt cược thể thao.
Thứ hai, hợp thức hóa thị trường đặt cược thể thao giúp quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động của thị trường này, hạn chế các tác động xấu đối với xã hội, đáp ứng nhu cầu về giải trí của một bộ phận người dân và đem lại một khoản thu cho ngân sách nhà nước.
Thứ ba, hiện Chính phủ đã cho phép kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế. Bên cạnh đó Thủ tướng đã có công văn đề nghị bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về đặt cược thể thao trong dự thảo luật này.