Sống khỏe

Đừng chơi chữ với dân

TTO - Chừng nào cơ quan nhà nước vẫn tìm cách giữ vị thế áp đặt đối với người dân trong việc sử dụng ngôn từ để giao tiếp thì chừng ấy mục tiêu xây dựng chính phủ kiến tạo, nhà nước phục vụ vẫn còn xa vời.

Đừng chơi chữ với dân - Ảnh 1.

"Thu giá", "tụ nước", rồi "bay chưa đúng giờ" và hôm qua là "giá dịch vụ đào tạo" đã gây bức xúc mạnh mẽ trong dư luận.

Lý do của sự bức xúc không chỉ vì tính chất lạ lẫm, mập mờ, tối nghĩa của các cụm từ được sử dụng như từ khóa trong các câu chuyện thu hút sự chú ý của nhiều người.

Đúng hơn, người dân cảm nhận được xu hướng áp đặt trong việc sử dụng từ ngữ khi giao tiếp, tương tác giữa dân và cơ quan nhà nước xoay quanh những vấn đề cùng quan tâm.

Bên cạnh đó, còn là sự cảm nhận về hiện tượng dùng thuật chơi chữ để né tránh trách nhiệm giải quyết đến nơi đến chốn các vấn đề nóng mà xã hội đặt ra cho nhà quản lý.

Thật ra, sáng tạo từ ngữ mới rồi dùng văn bản pháp luật, văn bản hành chính đưa từ ngữ vào cuộc sống, buộc xã hội phải dùng là việc làm đã quen từ lâu. Cách làm ấy có thể phù hợp với mô hình quản lý dẫn dắt, theo đó, người dân chỉ nói, chỉ làm những gì được cho phép.

Đặc biệt, trong quan hệ công - tư vận hành theo mô hình đó, cụ thể khi người dân gõ cửa cơ quan nhà nước để xin một cái gì đó thì ngoài việc tuân thủ quy trình còn phải sử dụng từ ngữ theo đúng quy định của nhà chức trách trong quá trình giao tiếp, diễn đạt nguyện vọng; nếu không thì việc không chạy, thậm chí bị xếp xó.

Tiến trình đổi mới đã dần thay đổi tư thế của người dân, từ thụ động tiếp nhận quyền được trao sang chủ động thực hiện quyền vốn có; nhà chức trách, về phần mình, từ từ hoàn thiện vai trò người tạo điều kiện, tổ chức, hướng dẫn cho người dân thực hiện các quyền của mình, nói chung là vai trò người phục vụ.

Quan hệ giao tiếp giữa người dân và cơ quan nhà nước cũng từ đó mà biến chuyển về bản chất, từ quan hệ xin - cho thành quan hệ yêu cầu - đáp ứng yêu cầu.

Theo logic giao tiếp đó thì chính xã hội, thông qua cuộc sống sinh động của các thành viên, tạo ra từ ngữ khi cần thiết để mô tả những vấn đề mình đối mặt và cần có sự can thiệp của nhà chức trách để giải quyết rốt ráo.

Có vấn đề mới thì xã hội tạo ra từ ngữ mới. Nhà quản lý sử dụng từ ngữ thông dụng của xã hội và nhất là phải hiểu các từ ngữ ấy theo cách hiểu của xã hội.

Tất cả những vụ "sáng tạo" từ ngữ gây xôn xao trong thời gian qua đều có chung đặc điểm: trong khi người dân đang bức xúc về những điều bất hợp lý thì thay vì tập trung nỗ lực giải quyết những điều bất hợp lý đó, nhà quản lý lại thay đổi cách gọi tên đối tượng, sự việc; còn điều bất hợp lý thì vẫn y nguyên.

Suy cho cùng, giá hay phí, tụ nước hay ngập úng không quan trọng. Điều người dân mong muốn là sự hợp lý và hiệu quả của chính sách được thực thi, thể hiện thành sự cải thiện chất lượng cuộc sống nhận thấy được: đường sá thông thoáng hơn, bất kể trời nắng hay mưa; điện, nước không còn bị cắt với tần suất dày đặc; chăm sóc y tế tốt hơn và với giá cả hợp lý hơn; trường học khang trang, tiện nghi hơn, thầy, cô giáo giỏi và tận tâm với nghề...

Chừng nào cơ quan nhà nước vẫn tìm cách giữ vị thế áp đặt đối với người dân trong việc sử dụng ngôn từ để giao tiếp thì chừng ấy mục tiêu xây dựng chính phủ kiến tạo, nhà nước phục vụ vẫn còn xa vời.

90 giây thời sự: 90 giây thời sự: 'Chơi chữ' với dân - trò chơi không vui

TTO - "Trạm thu giá", "tụ nước" xuất hiện làm dư luận dậy sóng, vì người dân không chấp nhận việc gọi vấn đề cũ bằng cái tên mới thay vì cố gắng giải quyết đến nơi đến chốn...

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,415,023       1/826