TTO - Việc tăng thuế suất các sắc thuế liên quan đến tiêu dùng khiến người có thu nhập thấp đang phải chịu thuế suất trên thu nhập cao hơn người có thu nhập cao.
Nhiều chuyên gia cho rằng chính sách thuế phải nuôi dưỡng nguồn thu thay vì tận thu khiến nhiều doanh nghiệp không lớn được - Ảnh: T.T.D.
Trong khi các loại thuế phí tăng lên liên tục thời gian qua, việc chi tiêu thiếu minh bạch cũng là nguyên nhân khiến người dân bức xúc.
Theo các chuyên gia, thay vì tập trung vào việc ban hành các loại thuế phí mới, các cơ quan chức năng cần khoan sức cho doanh nghiệp, người dân và tập trung vào các giải pháp chống thất thu thuế.
Với tư cách là một người dân, tôi cho rằng mức động viên cao hay thấp không quan trọng mà là tôi được hưởng lợi gì từ Nhà nước. Nếu Nhà nước thu 10% mà không mang lại cho người dân thứ gì thì lại là cao. Nhưng nếu thu thuế đóng góp trong GDP lên tới 50% mà cho tôi mọi thứ như ở Thụy Điển thì không thể nói là cao được
Ông Nguyễn Văn Phụng (vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế)
Thiếu minh bạch, chưa công bằng
PGS.TS Vũ Sĩ Cường, Học viện Tài chính, cho rằng có một thực tế là mỗi khi ban hành hay tăng một loại thuế nào đó phía Bộ Tài chính thường đưa ra lý lẽ là đảm bảo theo thông lệ quốc tế.
Thế nhưng các khoản chi tiêu ngân sách, chi tiêu tiền thuế của dân lại không theo thông lệ như các nước.
Theo ông Cường, thuế đang là nguồn thu chủ yếu của ngân sách Việt Nam và thường chiếm tỉ trọng hơn 70-80% trong tổng thu ngân sách nhà nước. Tỉ trọng thu thuế đóng góp 18% GDP là không cao nhưng vì sao người dân bức xúc và phản ứng dữ dội mỗi khi đề xuất bất kỳ sắc thuế nào?
Tại nhiều quốc gia, nhất là quốc gia phát triển, ngân sách địa phương chi tiết đến mức độ là bao nhiêu tiền cho cắt tỉa vườn hoa, bao nhiêu tiền chi cho thu gom rác... Khoản chi tiêu công được chính phủ giải thích một cách rõ ràng.
Do đó, phần lớn người dân các nước đều ý thức được rằng tăng thuế là để phục vụ chính người dân. Bởi họ được hưởng lợi từ tiền thuế đã đóng góp.
"Còn tại Việt Nam, người dân chưa cảm nhận được việc đóng thuế sẽ được hưởng lợi như thế nào, bởi ngay cả học trường công nhưng vẫn phải đóng tiền xây dựng trường. Hơn nữa, khi người dân phản ứng về việc tăng thuế cũng nhận được rất ít lời giải thích từ cơ quan chức năng" - ông Cường nói.
Không chỉ người dân bức xúc vì nhiều loại thuế phí liên tiếp được ban hành, các doanh nghiệp nội địa cũng cảm thấy bị đối xử không công bằng ngay trên sân nhà khi so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Ông Nguyễn Hồng Khoái, giám đốc Công ty tư vấn KN Hà Nội, cho biết thuế thu nhập doanh nghiệp rất bất cập khi ưu đãi chính cho các "ông lớn".
Chẳng hạn, ngay từ năm 1999, thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp FDI chỉ ở mức 19%, trong khi thuế suất phổ thông là 32%, sau đó giảm xuống 28%, rồi 25% và hiện nay là 20%.
Đây là nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, không lớn lên được mà chật vật, èo uột tồn tại.
Ông Phạm Ngọc Hưng - phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM - cho rằng việc tăng thuế chắc chắn sẽ tạo hiệu ứng ngược cho cả nền kinh tế, trong khi mục tiêu của Chính phủ là luôn muốn kích cầu, thúc đẩy sức mua trong dân tăng lên.
Trong khi đó, thay vì chỉ nghĩ được đến chuyện tăng thuế, Bộ Tài chính vẫn còn có nhiều giải pháp khác để thực hiện hòng có thêm ngân sách cho Chính phủ.
Chỉ cần thắt chặt chi tiêu công, kiểm soát chặt chẽ và có nhiều biện pháp mạnh chống lãng phí, xử lý dứt điểm các khoản lỗ bị tồn đọng lâu nay, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa ở các doanh nghiệp, tinh giản biên chế thực chất..., Nhà nước vẫn còn chỗ để có tiền mà lấy về.
Ông Nguyễn Văn Phụng (vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế)
Phải cơ cấu lại các khoản chi
Cuối tháng 5, "Báo cáo công bằng thuế Việt Nam" do Viện nghiên cứu và chính sách VEPR phát hành chia sẻ quan điểm của một số chuyên gia cho rằng hệ thống thuế của Việt Nam vẫn đang chiếm tỉ trọng khá lớn trong GDP và cơ cấu nguồn thu đang chuyển biến theo hướng giảm đi tính công bằng.
Dù đã giảm nhưng quy mô thu ngân sách nhà nước vẫn chiếm gần 25% GDP. Nếu tính thêm các số liệu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và các khoản thu ngoài ngân sách như các nước OECD, con số này nhiều khả năng tăng gấp đôi. Thu rất nhiều nhưng chi ngân sách luôn vượt quá thu ngân sách.
Trong quá trình cơ cấu lại nguồn thu ngân sách, tỉ trọng thuế trực thu đang giảm rất nhanh trong tổng thu thuế, nhất là từ sau năm 2011.
Tỉ trọng thuế trực thu đã giảm xuống mức 35% trong tổng thu thuế (2016), trong khi tỉ trọng thuế gián thu đã tăng lên mức gần 65% tổng thu thuế. Tỉ trọng thuế gián thu còn có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới nếu dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng năm 2017 được thông qua.
Theo một chuyên gia, thuế gián thu mang tính lũy thoái, còn thuế trực thu mang tính lũy tiến. Do đó, với sự thay đổi về tỉ trọng thuế gián thu như trên, người có thu nhập thấp phải nộp thuế suất trên thu nhập cao hơn người có thu nhập cao.
Thuế trực thu đang chiếm tỉ trọng ngày càng thấp cho thấy nguồn thu của Việt Nam đang dựa nhiều vào thuế tiêu dùng, những loại thuế mang tính lũy thoái cao. Vì vậy, bất kỳ đề xuất tăng các khoản thuế tiêu dùng cũng cần được xem xét thận trọng.
Trong khi đó, phân tích cũng cho thấy vai trò hạn chế của thuế liên quan đến tài sản như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và nông nghiệp. Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam cần nỗ lực để có thể ban hành loại thuế tài sản phù hợp, thay vì tăng các loại thuế đánh vào tiêu dùng.
Ngoài ra, cần rà soát lại chính sách miễn giảm thuế với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI và công bố công khai cho người dân biết trên cơ sở đó nên tính toán được phần thuế bị mất đi do miễn giảm thuế.
Các chuyên gia kinh tế đã đưa ra khuyến nghị Việt Nam cần nỗ lực cơ cấu lại các khoản chi ngân sách để giảm nợ công, giảm thâm hụt ngân sách. Giảm chi thay vì tăng nguồn thu ngân sách như hiện nay sẽ đi ngược lại với mục tiêu mà Chính phủ đề ra về giảm gánh nặng thuế cho nền kinh tế.
Ông Võ Thành Hưng (vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính):
Giảm chi rất khó
Phản ứng của người dân mỗi khi tăng thuế là... chẳng ai thích tăng thuế cả. Không chỉ tăng thuế bị phản đối mà cả giảm chi cũng bị phản đối.
Như Hi Lạp, người dân cũng biểu tình phản đối khi mà bị cắt chi một số khoản do thu ngân sách không đảm bảo được như trước.
Tuy nhiên, mình phải nhìn nhận tổng thể, muốn an sinh xã hội, chi đầu tư... phải đảm bảo thu ngân sách hợp lý.
Tỉ lệ huy động thuế phí vào ngân sách hiện nay là 21,3%, không cao so với các nước. Trước đây, chúng ta từng huy động tới 24-25% GDP.
Trong giai đoạn 2006-2010, nếu kể tất cả các khoản, tỉ lệ huy động có năm lên tới 28%. Phần lớn đóng góp cho tổng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu và dầu thô. Nay số thu từ hai khoản này giảm nên tỉ lệ đóng góp thuế phí trong GDP và thu ngân sách cũng giảm theo.
Nói thu thuế cao hay thấp phải đánh giá vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế qua việc đảm bảo an sinh xã hội.
Ngân sách của ta đảm bảo an sinh xã hội khá lớn. Như 86% dân số có bảo hiểm y tế, trong đó 90% người tham gia bảo hiểm y tế là do Nhà nước bỏ ra toàn bộ hoặc phần lớn hỗ trợ, số lượng người bỏ 100% ra mua bảo hiểm y tế rất nhỏ. Với quy mô chi như thế, chúng ta phải có mức thu hợp lý.
Nếu thu từ dầu thô, xuất nhập khẩu như ngày xưa thì không phải bội chi mà có thể bội thu và cũng không phải đặt vấn đề điều chỉnh cơ cấu thu. Liệu có cắt giảm chi được không?
Trong thời gian tới, Nhà nước sẽ sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế. Nhưng tiền dành ra được có giúp cắt giảm bội chi được không? Trên thực tế là không cắt giảm bội chi mà được dùng để cải cách tiền lương.
LÊ THANH
"Thúc đẩy sản xuất kinh doanh từ chính sách thuế"
Ngày 1-6, báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm với chủ đề "Thúc đẩy sản xuất kinh doanh từ chính sách thuế" tại văn phòng báo Tuổi Trẻ, số 72A Thụy Khuê, Q.Tây Hồ, Hà Nội với sự tham gia của các chuyên gia ngành thuế, đại diện VCCI, các hiệp hội và các doanh nghiệp.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia tiếp tục thảo luận, lắng nghe ý kiến đóng góp nêu ra những điểm hạn chế trong chính sách thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, thu nhập cá nhân... nhằm đưa ra những giải pháp điều chỉnh, sửa đổi phù hợp, góp phần thúc đẩy sự phát triển cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.
L.Sơn