Sống khỏe

'Nhân tài' xin nghỉ hàng loạt, Đà Nẵng mới tính chuyện 'hỗ trợ mềm'

TTO - Đà Nẵng muốn nghiên cứu xây chung cư cho thuê với giá hỗ trợ cho các học viên Đề án 922 nhằm giữ nguồn nhân lực chất lượng cao gắn bó với thành phố sau khi một số học viên xin rút.

Nhân tài xin nghỉ hàng loạt, Đà Nẵng mới tính chuyện hỗ trợ mềm - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đề xuất có thêm các hỗ trợ "mềm" cho "nhân tài" - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Thông tin trên được ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết tại buổi gặp mặt hơn 400 nhân lực chất lượng cao thuộc Đề án 922, sáng 2-6.

Theo Sở Nội vụ Đà Nẵng, tính đến tháng 5-2018 TP Đà Nẵng đã cử 616 nhân lực Đề án 922 đi đào tạo các bậc học. Sau quá trình học đã bố trí công tác cho 460 học viên, tuy nhiên có tới 40 trường hợp xin rút khỏi đề án khi đã nhận công tác.

Ngoài ra có một số trường hợp "rơi rớt" do kết quả học tập không đạt, tốt nghiệp nhưng không về nhận công tác.

Một trong những lo lắng khiến những học viên chưa thể "tận tâm cống hiến" được nêu ra trong buổi gặp gỡ là nỗi lo biên chế.

Học viên Phương Dung, công tác tại quận Hải Châu, bày tỏ lo lắng khi còn nhiều học viên chưa được vào biên chế, trong khi đã có thông báo cuối năm 2018 các đơn vị phải chấm dứt hợp đồng tại cơ sở hành chính.

Anh Nguyễn Ngọc Tiến, công tác tại Sở Tài nguyên - môi trường, cho biết đơn vị anh công tác là Chi cục Bảo vệ môi trường có thông báo cuối năm 2018 cắt giảm toàn bộ hợp đồng lao động trong khi học viên nhiều, chỉ tiêu biên chế ít, nếu tính cả số lượng về hưu thì… 15 năm nữa mới đáp ứng đủ. 

"Giải quyết việc này nếu luân chuyển anh em về đơn vị sự nghiệp tôi rất lo ngại sẽ không phù hợp với chuyên ngành mình được cử đi đào tạo", anh Tiến nói.

Nhân tài xin nghỉ hàng loạt, Đà Nẵng mới tính chuyện hỗ trợ mềm - Ảnh 2.

Các học viên đề án 922 trong buổi đối thoại với lãnh đạo TP Đà Nẵng- Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, thừa nhận câu chuyện biên chế rất nan giải, và hiện nay còn khoảng 50 học viên đề án chưa vào công chức, 105 người chưa vào viên chức. 

"Trong năm nay sẽ có chỉ tiêu khoảng 70, 80 người vào viên chức. Chúng tôi rất mong muốn các bạn học viên đề án sẽ thi vào. Còn chỉ tiêu viên chức thì vẫn còn đủ sức giải quyết cho tất cả", ông Đồng cho biết.

Theo ông Đồng, một khi học viên về đơn vị sự nghiệp thì sẽ vào viên chức bằng thi tuyển hoặc xét tuyển đặc cách. 

Qua xem xét, đa số học viên đều có điều kiện đặc cách vào viên chức, và khi đã là viên chức, nếu vào cơ quan hành chính thành công chức thì cần 5 năm, không qua thi tuyển.

Theo ông Huỳnh Đức Thơ, học viên Đề án 922 nếu thi chưa đạt, còn có sự lựa chọn khác là đến các đơn vị sự nghiệp làm việc để vào công chức bằng con đường xét tuyển, điều động, biệt phái.

Ông Thơ nhìn nhận Đà Nẵng đang có đội ngũ công chức, viên chức tiềm năng đồ sộ với trình độ ngoại ngữ và chuyên môn rất tốt, là "vốn liếng quý giá" cho một thành phố đang phát triển nên yêu cầu các đơn vị sử dụng "nhân tài" phải tăng cường lắng nghe, đối thoại.

Theo ông Thơ, sẽ có những "va vấp" với nhân tài do chưa có kiến thức tiền công vụ nên yêu cầu lực lượng này phải "lăn vào thực tiễn, hòa đồng trong công việc".

"Không ai tài giỏi ra trường là việc thuần thục ngay. Phải gừng cay muối mặn 5-7 năm mới vào được guồng máy, từ quen việc đến thành thạo. Khi các bạn vừa đến độ chín thì đã hết hợp đồng lao động với thành phố", ông Thơ nói.

Ông Thơ yêu cầu các sở nghiên cứu có thể xây chung cư cho thuê với giá hỗ trợ để nhiều học viên có điều kiện sinh sống và làm việc tốt hơn, coi đó là hỗ trợ "mềm" để học viên an tâm gắn bó với bộ máy thành phố trước sự mời gọi của rất nhiều khối doanh nghiệp tư nhân.

Nhân tài xin nghỉ hàng loạt, Đà Nẵng mới tính chuyện hỗ trợ mềm - Ảnh 3.

Học viên Thùy Linh, công tác tại Sở Nội vụ Đà Nẵng đề nghị có thêm những hỗ trợ mềm như chính sách miễn học phí, bảo hiểm y tế... cho các học viên để giữ chân họ lâu dài - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Một số học viên chưa nhận tiền hỗ trợ

Theo đề án 922, năm 2010 học viên được cử đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ sẽ có thêm mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng trong thời gian hưởng tối đa 5 năm.

Tuy nhiên kết luận Thành ủy Đà Nẵng sau này phải điều chỉnh do không phù hợp với quy định hiện hành nên phải dừng việc này từ thời điểm tháng 6-2015.

Một số học viên cho biết vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ dứt điểm một lần sau khi việc hỗ trợ chấm dứt.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,410,141       3/1,051