Sống khỏe

Cần đánh giá kỹ việc 'nhận chìm 1 triệu m3 vật chất' xuống biển Hòn Cau

TTO - Ngày 2-6, UBND Bình Thuận cho biết đã có văn bản phúc đáp Bộ Tài nguyên và môi trường (TN-MT) về phương án nhận chìm gần 1 triệu m3 vật chất của dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 xuống vùng biển Hòn Cau, huyện Tuy Phong.

Cần đánh giá kỹ việc nhận chìm 1 triệu m3 vật chất xuống biển Hòn Cau - Ảnh 1.

Vị trí khu vực đề xuất "nhận chìm" - Đồ họa: V.CƯỜNG

Trước đó, thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân ký công văn 2161 gửi UBND Bình Thuận, Bộ NN&PTNT, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau để lấy ý kiến về phương án nhận chìm gần 1 triệu m3 vật chất xuống biển của dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3.

Nhận chìm trên diện tích 300ha

Theo đó, Bộ TN-MT đang xem xét nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) vừa hiệu chỉnh của Công ty cổ phần năng lượng Vĩnh Tân 3 về dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3. Trong nội dung ĐTM trên, để đảm bảo tàu có trọng tải 100.000 DWT vào cảng, chủ đầu tư sẽ tiến hành nạo vét khu trước bến cảng với diện tích khoảng 5,4ha trong giai đoạn xây dựng, vận hành và sẽ phát sinh gần 1 triệu m3 vật chất.

Để xử lý khối lượng vật chất phát sinh trên, chủ đầu tư dự kiến thực hiện hoạt động nhận chìm xuống biển trên diện tích 300ha. Khu vực nhận chìm có độ sâu 42-48m, cách ranh giới khu bảo tồn Hòn Cau 6km, vùng đệm bãi cạn Breda 6km và vùng đệm đảo Hòn Cau 9km về hướng tây.

Cũng theo ĐTM vừa trình bộ, chủ đầu tư cho biết đã dự báo, đánh giá tác động môi trường do hoạt động nhận chìm gây ra và đề xuất phương án, công nghệ nhận chìm, giải pháp bảo vệ môi trường để đảm bảo không ảnh hưởng đến khu bảo tồn Hòn Cau, bãi cạn Breda cũng như khu vực lấy nước nuôi tôm lân cận dự án.

Theo chủ đầu tư, vị trí nhận chìm trên đã được UBND Bình Thuận chấp thuận ngày 19-3-2014 về phương án và vị trí đổ vật liệu nạo vét ngoài khơi của cảng nhiệt điện Vĩnh Tân 3. Vì vậy, để làm căn cứ phê duyệt ĐTM trên, bộ đề nghị UBND Bình Thuận, Bộ NN&PTNT, Ban quản lý khu bảo tồn Hòn Cau cho ý kiến về vị trí nhận chìm. Trong trường hợp không chấp nhận, bộ cho rằng phải nêu rõ lý do và đề nghị vị trí thay thế.

Ưu tiên san lấp mặt bằng

Phúc đáp lại, UBND Bình Thuận nêu rõ quan điểm là luôn ưu tiên chọn phương án dùng vật chất nạo vét trên để san lấp mặt bằng. Tỉnh cho rằng quan điểm này đã nêu tại công văn số 925 ngày 19-3-2014: "Phải được thực hiện lồng ghép vừa kết hợp san lấp mặt bằng với các phương án khác (theo quy định và chủ trương chung của tỉnh)...". Theo UBND Bình Thuận, tại vị trí đề xuất nhận chìm nêu trong ĐTM trên có khu bảo tồn biển Hòn Cau. Do đó nếu thực hiện việc nhận chìm vật chất nạo vét, địa phương đề nghị phải cân nhắc, đánh giá một cách kỹ lưỡng.

Trường hợp cần thiết, địa phương cho rằng phải thuê chuyên gia, đơn vị tư vấn thẩm định, đánh giá tác động một cách tổng thể của việc nhận chìm (nếu có) đối với khu vực nói chung và khu bảo tồn biển Hòn Cau nói riêng để làm cơ sở quyết định phương án giải quyết cho phù hợp với thực tế và đảm bảo môi trường.

Ưu tiên sử dụng chất nạo vét cho san lấp

Ông Nguyễn Thế Đồng - phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) - khẳng định trong xem xét, thẩm định các báo cáo đánh giá tác động môi trường có liên quan đến nhận chìm, Bộ TN-MT luôn ủng hộ giải pháp sử dụng vật chất nạo vét phục vụ san lấp vì tận dụng được vật chất nạo vét, không phải tính toán các phương án và tác động môi trường, biện pháp giảm ảnh hưởng môi trường nếu nhận chìm.

Một lãnh đạo Tổng cục Biển và hải đảo (Bộ TN-MT) cũng khẳng định quan điểm chung trong quá trình xem xét cấp phép nhận chìm, đó là ưu tiên sử dụng vật chất nạo vét để san lấp, chống xói lở bờ biển.

XUÂN LONG

Thay phương án nhận chìm bằng việc bơm hút

Liên quan đến vấn đề xử lý vật chất nạo vét tại các nhà máy trong Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, trước đó tỉnh Bình Thuận đã giao các sở ngành liên quan hoàn chỉnh hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư kè tạo bãi chứa để trình cấp có thẩm quyền thẩm định phê duyệt.

Bình Thuận đã chọn các vị trí xây dựng kè để đổ vật chất nạo vét tại bờ biển thôn Vĩnh Hưng và thôn Vĩnh Tiến thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong (phía bắc cảng tổng hợp Vĩnh Tân và phía nam Trung tâm điện lực Vĩnh Tân).

Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong gồm năm nhà máy Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 3, Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng. Trong đó Nhà máy Vĩnh Tân 3 chưa xây dựng.

Trước đó dư luận từng phản ứng với quyết định của Bộ TN-MT cấp phép cho chủ đầu tư Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 vật chất nạo vét xuống gần vùng biển Hòn Cau.

Trước phản ứng trên, phương án nhận chìm đã được thay thế bằng việc bơm hút san lấp cho dự án cảng tổng hợp Vĩnh Tân.

Lại trình phương án nhận chìm vật chất xuống biển Hòn Cau Lại trình phương án nhận chìm vật chất xuống biển Hòn Cau

TTO - Bộ Tài nguyên và môi trường đang thu thập ý kiến để xem xét, phê duyệt phương án nhận chìm gần 1 triệu m3 vật chất từ dự án nạo vét của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân xuống vùng biển gần Hòn Cau.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,409,942       2/1,045