TTO - Trên lý thuyết, ông Park Jae Yeol, năm nay 71 tuổi, đã có thể nghỉ hưu được 11 năm rồi. Song, do không thể xoay sở với khoản tiền trợ cấp èo uột, ông vẫn phải tiếp tục làm việc 6 ngày một tuần
Công việc tuổi xế chiều của ông là trong một trạm giao nhận hàng hóa tại thủ đô Seoul và dù tuổi đã cao vẫn phải liên tục căng mắt để dò đọc từng dòng địa chỉ trên những kiện hàng.
Công việc có phần cực nhọc nhưng ông không hề than vãn. Trả lời hãng tin AFP khi đang ôm một kiện hàng bước vào thang máy một khu chung cư tại Seoul, ông nói : « Đến giờ này mà tôi còn đủ sức để làm việc là tôi biết ơn trời đất phù hộ lắm !".
Ở tuổi 71, ông Park Jae Yeol vẫn làm nhân viên giao nhận hàng hóa tại Seoul. Ảnh chụp ngày 10-5-2018 - Ảnh: AFP
Tính chung, hiện có khoảng 1 triệu người Hàn Quốc vẫn phải tiếp tục làm việc sau 60 tuổi, là độ tuổi chính thức nghỉ hưu tại đất nước này.
Hàn Quốc, một đất nước có dân số già, nằm trong nhóm những nước phát triển trong Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nhưng hệ thống chính sách hưu trí của nước này vẫn còn khá bất cập.
Có hơn 45% người cao tuổi tại đây sống trong hoàn cảnh khá chật vật (tức thu nhập chỉ gần phân nửa mức thu nhập bình quân của một gia đình). Đây là tỉ lệ cao nhất trong các nước thuộc tổ chức OECD, nơi mà con số bình quân là 12,5%.
Thế cho nên ông Park vẫn phải tiếp tục làm việc vì "tự kiếm ra đồng tiền là động cơ chính, quan trọng nhất" để ông không phải sống nhờ vả con cái.
Tạo "Kỳ tích sông Hàn", giờ tiếp tục tự nuôi thân
Ông Park là người thuộc thế hệ cao niên Hàn Quốc đã trải qua và đã góp phần mình vào thời kỳ phát triển kinh tế của nước này trong quá khứ, một giai đoạn được gọi là "Kỳ tích sông Hán", lấy tên con sông chảy qua thủ đô Seoul. Bởi, từ một nước bị tàn phá trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Hàn Quốc đã chuyển mình thành quốc gia có nền kinh tế hùng mạnh đứng thứ 11 thế giới.
Xuất thân là người miền nam từ thành phố cảng Busan, ông Park nghỉ học sau khi hết trung học và bắt đầu đi làm kiếm tiền trong một xưởng bảo trì máy điều hòa, lương cũng kha khá đủ để ông nuôi dạy ba người con và mua một căn hộ tại thủ đô Seoul.
Sau đó, ông nghỉ làm công rồi ra mở doanh nghiệp riêng bảo trì máy điều hòa. Và cũng như rất nhiều người cùng thời, ra làm riêng nhưng ông cũng không kích cóp được gì nhiều nhặn lắm cho cuộc sống tuổi già.
Ông thổ lộ: "Thế hệ của chúng tôi quá bận rộn để lăn lộn kiếm sống và nuôi dạy con cái trong giai đoạn chuyển mình sôi sục này của đất nước, lúc đó chúng tôi hoàn toàn không có điều kiện để chuẩn bị cho cuộc sống sau khi nghỉ hưu".
Nhóm người cao tuổi như ông Park vẫn phải làm việc để nuôi thân - Ảnh: AFP
Hàn Quốc chỉ mới triển khai hệ thống đóng góp hưu trí vào năm 1988 và chính sách trở nên bắt buộc từ năm 1999. Theo đó tiền trợ cấp hưu trí sẽ được tính theo số tiền mà cá nhân đóng và thời gian đóng, với mức sàn tối thiểu là 10 năm, thế cho nên hiện có nhiều người cao tuổi tại Hàn Quốc không thể hưởng được chính sách này.
Một chuyên gia tại Viện xã hội và chăm sóc y tế Hàn Quốc, bà Hwang Nam Hui, giải thích: "Nhiều người ở độ tuổi 70 - 80 hoàn toàn không còn cơ hội để tham gia quỹ đóng góp hưu trí nên họ không thể nhận được khoản trợ cấp hưu".
Thế cho nên hiện họ chỉ được nhận những khoản trợ cấp xã hội "chẳng thấm vào đâu cả".
Doanh nghiệp của ông Park bị phá sản vào năm 2012, ông nhận được tiền hưu tương đương 130 USD mỗi tháng và một khoản trợ cấp người già khoản 180 USD, mà theo ông, là "còn lâu mới đủ xài" trong một thành phố đắt đỏ nhất nhì thế giới như Seoul. Ông nói: "Thậm chí không đủ tiền túi nữa chứ đừng nói gì thêm".
Xã hội đổi thay, hết nhờ con cháu
Trước tình cảnh này, ông Park đã đăng ký tham gia một chương trình hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người cao tuổi do nhà nước triển khai.
Năm 2014, ông đã nhận được một chân giao hàng và hiện ông làm việc mỗi ngày từ 3 đến 6 tiếng, từ thứ Hai đến thứ Bảy. Có ngày ông đi giao đến 100 kiện hàng và thu nhập khoảng 500 USD/ tháng.
Ông Park đi giao hàng với mức lương 500 USD mỗi tháng để đủ sống ở thành phố Seoul đắt đỏ - Ảnh: AFP
Đa số những người làm chung với ông hiện cũng tròm trèm 70, người già nhất là 78 tuổi.
Tính tổng cộng, ông đã làm việc từ hơn nửa thế kỷ nay rồi mà giờ ông vẫn muốn tiếp tục đi làm cho đến "chừng nào mà sức khỏe tôi còn cho phép, có thể là đến 80 cũng nên".
Vợ ông Park hiện nay 63 tuổi và bà cũng đang đi làm thu ngân.
Tại Hàn Quốc, tỷ lệ sinh đã giảm xuống còn 1,05 vào năm 2017, trong khi ngưỡng để duy trì và phát triển thế hệ là 2,1.
Từ đây đến năm 2030, dự kiến sẽ có một "đợt sóng thần đầu bạc" quét qua Hàn Quốc, khi mà những người trên 65 tuổi chiếm đến 25% dân số so với 14% ở thời điểm hiện tại.
Theo chuyên gia Hwang Nam Hui, trong quá khứ, khi mô hình gia đình truyền thống với ba thế hệ ông bà cháu sống chung với nhau còn phổ biến, những người cao tuổi khi đó còn có nhiều điều kiện để nương nhờ con cháu.
Nhưng nay thì xã hội Hàn Quốc đã thay đổi triệt để và mô hình gia đình chỉ có hai vợ chồng đang phát triển nhanh, các ràng buộc trách nhiệm với ông bà cha mẹ cũng theo đó mà giãn dần.
Theo các số liệu thống kê mới nhất, tại Hàn Quốc những người từ 60 tuổi trở lên đang đi làm hay đang tìm kiếm việc làm tính ra là nhiều hơn là những thanh niên ở độ tuổi 20.
Vợ chồng ông Park chỉ có được một tuần hè mỗi năm và hai ông bà thường dắt nhau đi nghỉ tại hòn đảo du lịch Jeju.
Nhưng việc ưu tiên nhất của ông Park vẫn là "đi làm" vì theo ông kết luận, "đi làm để duy trì sức khỏe, để giao tiếp xã hội và để thấy mình vẫn còn năng động như ngày nào".