TTO - Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, khẳng định như vậy trước chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiềm chế lạm phát dưới 4%.
Ông Nguyễn Bích Lâm, tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng mục tiêu CPI tăng không quá 4% là khả quan
Theo ông Lâm, CPI tháng 5 tăng cao nhất trong sáu năm gần đây nguyên nhân do hai nhóm hàng hóa thịt lợn, xăng dầu tăng mạnh.
"Nói cách khác, CPI tăng nhanh do yếu tố thị trường tác động chứ không phải do chủ quan điều chỉnh giá từ các ngành, lĩnh vực, hay thiếu nguồn hàng trong nền kinh tế.
CPI bình quân 5 tháng năm 2018 tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước, nhưng Chính phủ quyết tâm giữ lạm phát dưới 4% trong năm nay.
Để kiểm soát lạm phát, Thủ tướng đã chỉ đạo không tăng giá điện, phí giáo dục, dịch vụ y tế cũng xem xét kỹ tác động để tăng vào thời điểm phù hợp trong năm nay, hoặc năm sau", ông Lâm nói.
Ông Lâm cho biết Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành bám sát giá xăng dầu thế giới để có những giải pháp phù hợp.
Trong năm tháng qua, giá xăng dầu thế giới tăng bình quân từ 20-30%, các bộ, ngành đã sử dụng quỹ bình ổn giá để kiểm soát nên giá xăng trong nước chỉ tăng khoảng 9%.
"Sắp tới khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, Tổng cục Thống kê sẽ ngồi lại với Bộ Tài chính, các bộ có liên quan để tính toán tác động cụ thể đến lạm phát
Trên cơ sở đó, Tổng cục Thống kê sẽ đề xuất tăng thuế vào tháng nào cho phù hợp để tránh tác động đến CPI chung.
Mục tiêu CPI tăng không quá 4% là khả quan, nếu mặt hàng xăng dầu thế giới tăng quá nhanh cần sử dụng quỹ bình ổn giá để kiểm soát", ông Lâm khẳng định.
Ông Đinh Tuấn Minh
(Giám đốc nghiên cứu Công ty Nghiên cứu thị trường Viet Analytics)
Quan trọng là kiểm soát cung tiền
Vấn đề lạm phát trong những năm qua đều phụ thuộc vào việc có kiểm soát được cung tiền trong nền kinh tế hay không. Điều quan trọng là Ngân hàng Nhà nước sẽ có những biện pháp kiểm soát cung tiền thế nào để việc tăng cung tiền ở mức độ thấp, và không làm cho lãi suất tăng quá nhanh.
Giá cả các mặt hàng đầu vào như xăng dầu, vật liệu tăng trong thời gian qua là xu hướng tất yếu khi nền kinh tế thế giới hồi phục, điều này khó tránh khỏi khi nền kinh tế đã hội nhập sâu rộng.
Việc tăng giá hàng hóa đầu vào sẽ tạo ra cú sốc tức thời, nhưng có tác động lan tỏa hay không phụ thuộc rất mạnh vào tổng phương tiện thanh toán, vào kiểm soát cung tiền.
Để tạo lan tỏa, tạo vòng xoáy làm giá các mặt hàng khác tăng trên diện rộng lại là câu chuyện khác, đây là vấn đề tiền tệ. Việc tăng giá cả hàng đầu vào chỉ tạo lực đẩy ban đầu, giống như đẩy một chiếc ô tô chạy thôi, còn việc tăng tốc hay không phụ thuộc vào lái xe.
TS Bùi Trinh (chuyên gia kinh tế)
Cẩn kiểm soát thuế
Có hai nguyên nhân cơ bản khiến lạm phát tăng là cung tiền, và chi phí đẩy. Luồng tiền đã tăng từ năm ngoái, nó tác động đến CPI những tháng đầu năm nay.
Năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước đưa ra chính sách nới tín dụng lên 21%, trong đó cơ bản là cho vay tiêu dùng, vay tiêu dùng rất nhiều làm tiềm ẩn nguy cơ lạm phát lớn.
Cũng may đến cuối năm 2017, tăng trưởng tín dụng chỉ mở đến 17%, tạo thuận lợi trong kiểm soát lạm phát năm nay.
Mong muốn mở tín dụng để tăng tiêu dùng, qua đó nâng cao tăng trưởng GDP rất nguy hiểm. Làm vậy, GDP chỉ tăng tức thời, nhưng ở chu kỳ sau sẽ để lại hiểm họa về lạm phát.
Chính phủ đang rất nỗ lực để kiểm soát giá cả các mặt hàng, nhưng những nỗ lực này chưa đủ, cần kiểm soát cung tiền.
Việc dừng tăng giá điện, kiểm soát học phí, viện phí là rất tốt, sẽ hạn chế gia tăng chi phí đẩy.
Nhưng một chi phí đẩy rất lớn là thuế cũng cần được kiểm soát. Thuế thì ai cũng phải chịu hết, phí BOT dù gọi là phí hay giá thì cũng là một loại thuế gián thu, điều này làm tăng phí vận chuyển hàng hóa, khiến tăng giá cả các mặt hàng.
Trên thực tế, thuế chỉ làm tăng giá không làm tăng GDP, chẳng hạn trước khi tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu thì giá cả các mặt hàng khác cũng nhấp nhổm tăng theo.
Tất cả những chi phí đầu vào tăng sẽ đẩy giá cả tăng, khiến lạm phát tăng.
Tôi cho rằng lạm phát quý I tăng xấp xỉ 4% là chưa tính hết, người dân đang phải chịu đựng giá các mặt hàng tiêu dùng, phí vận tải đồng loạt tăng rất mạnh.
Tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu trong thời gian tới không chỉ tác động đến CPI, nó còn tác động gián tiếp đến chu kỳ sản xuất sau, không nên vì thu thuế trước mắt để ảnh hưởng lâu dài , khiến CPI tăng thêm một lần nữa.