Sống khỏe

Dàn nhạc cụ từ... xoong nồi

TTO - Lần đầu tiên ra phố biểu diễn, nhạc công Đỗ Hoàng Nam hay còn gọi là Dru Nam (26 tuổi) đã mang ngạc nhiên đến người xem với loại nhạc cụ nhà bếp lạ và độc.

Dàn nhạc cụ từ... xoong nồi - Ảnh 1.

Dụng cụ nhà bếp của Dru Nam đã thổi hồn cho âm nhạc dân tộc một làn gió mới - Ảnh: NVCC

Nam là một nghệ sĩ chơi trống hiện đại, dân tộc và bộ gõ. Anh rất mê những nhạc cụ có thể gõ được. Có lần mẹ anh nói: "Sao Nam không thử sử dụng các dụng cụ nhà bếp như nồi niêu xoong chảo để chơi như bộ trống?". Câu nói đó vui thôi nhưng khiến anh chàng mất ngủ.

Sáng hôm sau, hai mẹ con cùng vào bếp rinh hết tất cả các loại nồi, niêu, xoong, chảo để chơi thử. Nam quyết định thử áp dụng những kỹ thuật, tiết tấu gõ hiện đại vào những dụng cụ này.

Nam kể: "Mình đã thử từng cái một để xem cái nào âm thanh gần nhất với bộ nhạc gõ mình đã chơi trước đó. Nồi nào càng nhỏ sẽ tạo ra tiếng càng cao. Còn cái càng to sẽ tạo ra âm thanh càng trầm. Ngoài ra, mình còn mượn một số thùng sơn và thùng đựng nước của bà ngoại để tạo ra tiếng bass".

Sau thời gian luyện, Nam ra phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) biểu diễn. Bộ nhạc cụ độc nhất vô nhị này kết hợp với nhạc dân tộc Việt Nam như đàn bầu, sáo trúc, đàn tranh, bộ gõ dân gian... Sau đó Nam được mời biểu diễn ở một số nhà hàng, khách sạn trong TP.HCM và các tỉnh, thành.

Lan Chi (Trường cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ: "Cảm nhận của mình khi nghe Dru Nam thể hiện là rất ấn tượng. Mình không nghĩ những vật dụng đơn giản trong nhà bếp lại có thể phát ra những tiếng động, âm thanh rất hòa hợp như vậy".

Nghệ sĩ đàn tứ Khôi Vũ (nhóm Vân Anh và nhóm Rock) cho biết: "Áp dụng nồi, niêu, xoong, chảo... vào âm nhạc giúp bài biểu diễn thêm sống động, truyền thêm lửa cho các bạn trẻ".

Khi chơi nhạc cụ nhà bếp, Nam thường gặp nhiều kỷ niệm vui. Chẳng hạn khi diễn xong, Nam thu dọn nhạc cụ và để một góc sân khấu. Nhưng khi quay lại đồ dùng đó tự dưng mất tiêu. Té ra, các cô ve chai gần đó tưởng đồ bỏ đi nên lấy mất. Hôm sau Nam phải ra chợ săn lùng lại bộ nhạc cụ khác. 

Có khi Hoàng Nam bị gãy bốn chiếc dùi gõ lúc biểu diễn một tiết mục. Nam cho biết khi chơi loại nhạc cụ này, anh áp dụng kỹ thuật trống nhưng thật sự để chơi máu lửa thì phải sử dụng rất nhiều lực và sức.

"Mình thường xuyên gặp chấn thương như trầy xước, bầm và chảy máu tay. Có lúc đang diễn tay bị thương nhưng mình quên hết cả cơn đau" - Nam nói.

"Người truyền cảm hứng và dạy mình trong từng bước đi chính là mẹ - nghệ sĩ đàn bầu Vân Anh. Mình kết hợp giữa kiến thức lúc học kinh doanh ở Đại học RMIT và âm nhạc, phối hợp ứng dụng thực tiễn trong công ty của gia đình mình - Van Anh Event" - Nam kể.

Bên cạnh biểu diễn nhạc cụ tự chế kết hợp âm nhạc truyền thống, anh có thể biểu diễn với bếp nướng than BBQ, đàn đá. Nam còn đang nghiên cứu bộ nhạc cụ bằng chén, đĩa và sớm ra mắt trong thời gian sắp tới.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,408,792       1/1,023