Sống khỏe

Trung Đông lo đổi dầu lấy nước

TTO - Ngồi trên mỏ vàng đen khổng lồ nhưng nước mới là yếu tố ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và thậm chí hòa bình của khu vực Trung Đông. Viễn cảnh một số nước phải đổi dầu lấy nước là rất thật.

Trung Đông lo đổi dầu lấy nước - Ảnh 1.

Nguồn nước ngày càng cạn kiệt ở Syria gây nhiều khó khăn cho đời sống người dân cũng như sản xuất nông nghiệp - Ảnh: climateandsecurity.org

Gần một nửa trong số các quốc gia thiếu nước trầm trọng trên thế giới nằm ở Trung Đông và Bắc Phi. 

Chiếm 6% dân số thế giới nhưng Trung Đông chỉ sở hữu 1% nguồn nước tái tạo của Trái đất. Cộng với biến đổi khí hậu, hạn hán và tăng dân số, sự thiếu hụt nước ngày càng trầm trọng góp phần gây xung đột và bất ổn trong khu vực.

Nguồn nước cạn kiệt

Các nước Trung Đông và Bắc Phi chủ yếu dựa vào nguồn nước ngầm, nước mưa, sông và lọc nước biển. Các số liệu thống kê cho thấy nguồn nước ngọt ở Ai Cập chỉ ở mức gần 800m3 cho mỗi người dân trong cả năm trong khi tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới là 1.700m3/người/năm. 

Ở Libya, khoảng 70% người dân sống quanh vùng Tripoli và Benghazi dựa vào nguồn nước ngầm đang bị khai thác quá mức. Tại thủ đô Sana’a của Yemen, các giếng nước phải đào sâu hơn 1.200m và nguồn nước được dự báo sẽ cạn kiệt trong vài năm tới.

Tình trạng này lý giải nghịch lý trớ trêu là Trung Đông từng được coi là cái nôi của nền văn minh, nơi khai sinh ra nông nghiệp, với mảnh đất lưỡi liềm giữa hai con sông Tigris và Euphrates vô cùng trù phú, nhưng nay hầu hết các quốc gia trong khu vực đều phải nhập khẩu thực phẩm. 

Cuộc khủng hoảng càng nghiêm trọng bởi nạn hạn hán, biến đổi khí hậu khiến giá lương thực tăng mạnh.

Chỉ hai quốc gia có nguồn nước ổn định là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên việc chia sẻ nguồn nước đang trở thành một vấn đề nan giải. Trong 30 năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng tổng cộng 22 con đập lớn nhỏ trên sông Tigris và Euphrates. Iran cũng có hơn 600 con đập ngăn nước chảy xuống hạ lưu.

Theo giới chuyên gia và quan chức, các con đập làm giảm lượng nước chảy xuống các nước lưu vực sông như Iran, Iraq, Syria. Bộ trưởng nguồn nước Iraq Hassan al-Janabi cuối năm 2017 cảnh báo các nông dân vùng phía nam nước này không đủ nước để trồng trọt và nhiều khu vực sẽ thiếu nước uống vào mùa hè này. 

"Tất cả khu vực của Iraq đối mặt với nguy cơ thiếu nước" - ông Janabi nói, cho rằng lượng nước trên các con sông của nước này đã giảm đến 40%.

Thách thức thế kỷ

Báo cáo công bố giữa tháng 5-2018 của NASA ghi nhận nguồn nước ngọt tiếp tục giảm mạnh hoặc bị khai thác quá mức tại 19 điểm nóng trên thế giới, từ Trung Đông đến Ấn Độ, bang California (Mỹ) đến Úc. Theo báo cáo, hai trong số những điểm khô hạn nhất thế giới hiện nay là Iraq và Syria với các nguồn nước hiện thấp hơn 1/3 mức thông thường. Giới phân tích ước tính cần đến 100 tỉ USD mỗi năm để cung cấp đủ nước ngọt ở những nơi khô hạn.

Nóng vì nước

"Thổ Nhĩ Kỳ đã lợi dụng vị trí một quốc gia đầu nguồn để củng cố quyền lực chính trị, duy trì ảnh hưởng ở các láng giềng phía nam, kiểm soát dân số người Kurd" - nhà khoa học chính trị M. Reza Behnam nhận định. 

Theo ông, nguồn nước cũng đóng vai trò lớn trong cuộc xung đột giữa Palestine và Israel bởi muốn có hòa bình, Israel sẽ phải đánh đổi sự kiểm soát sông Jordan, biển Galilee và vùng Bờ Tây giàu nước ngầm.

"Hiện tại rất cần các hiệp định bảo vệ hệ thống chia sẻ nước và nước ngầm. Không có thêm một hiệp định chia sẻ nước nào tại khu vực trong thập kỷ qua" - ông Behnam cho biết. 

Tuy nhiên, "sự bất ổn và thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa các nước Trung Đông cản trở việc đối thoại về mọi lĩnh vực, bao gồm sử dụng nguồn nước" - tờ Sputnik dẫn lời chuyên gia chính trị thủy văn của Thổ Nhĩ Kỳ Dursun Yildiz giải thích, cho rằng việc sử dụng nước sẽ sớm trở thành vấn đề nóng đối với an ninh khu vực.

Theo ông Yildiz, viễn cảnh các nước như Iraq phải đổi dầu cho Thổ Nhĩ Kỳ để lấy nước là rất thực khi Trung Đông phải tìm cách để tự quản hai nguồn tài nguyên tự nhiên đối lập là dầu và nước. Tuy nhiên ông cho rằng giải pháp nghe có vẻ tiêu cực này lại có thể giúp củng cố niềm tin trong khu vực. 

"Việc trì hoãn quá trình (cân bằng) này chỉ càng làm gia tăng vấn đề bởi chúng ta đang chứng kiến một thời kỳ mà nếu không có sự tin tưởng và tôn trọng lợi ích của nhau thì sẽ không thể đạt được một giải pháp cho cuộc khủng hoảng nước" - ông Yildiz nhận định.

Mỗi năm 1,8 triệu trẻ em chết vì thiếu nước sạch Mỗi năm 1,8 triệu trẻ em chết vì thiếu nước sạch

TTO - Mỗi năm có tới 1,8 triệu trẻ em trên thế giới chết vì thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh kém, báo cáo của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP).

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,407,651       2/1,040