Sống khỏe

Bản quyền truyền hình World Cup: Rối vì anh cả đóng... cả hai vai

TTO - Xung quanh vụ bản quyền truyền hình World cup 2018, đã nổ ra những cuộc tranh luận gay cấn.

Bản quyền truyền hình World Cup: Rối vì anh cả đóng... cả hai vai - Ảnh 1.

Người không mê bóng đá thì bảo rằng "chả có World cup cũng chả chết ai". Người mê bóng đá thì lo lắng "kiểu này xem ở đâu đây?". Người thì phê phán VTV sao mà chậm chạp. Người lại ủng hộ VTV "không thể để mấy công ty nước ngoài nắm bản quyền làm giá"…

Nhưng một luồng dư luận khác, kiểu "Người Việt Nam đã từng xem World Cup như kiểu được ăn phở miễn phí. Thành ra, tư duy ăn sâu vào vỏ não là "phải được phục vụ". Trong khi thực tế, đây là câu chuyện dịch vụ. Có tiền thì mua. Có tiền thì được xem đá bóng đẳng cấp. Nó là chuyện bình thường".

Nói thế không hề sai. Nhìn ra nước ngoài mà xem: Những quốc gia có đội bóng tham dự vòng chung kết World cup như Đức, Úc…thì đài truyền hình quốc gia của họ chỉ có trách nhiệm trực tiếp các trận đấu của đội nhà và những trận quan trọng. Còn ai muốn xem tất cả thì xin móc tiền túi ra mà mua.

Thậm chí, họ có gói dịch vụ riên cho World Cup. Ví dụ bạn có thuê bao K+ vốn rất mạnh về thể thao đi nữa, nhưng không có nghĩa là đương nhiên có gói xem World Cup, mà phải bỏ tiền ra mua riêng gói này.

Dạng thứ hai là kiểu Singapore, chả có đội dự World Cup nên chính phủ chả có trách nhiệm gì phải phát cho dân xem sự kiện này, ai muốn thưởng lãm thì chịu khó bỏ tiền cao ra mà coi. Vì vậy, với thu nhập đầu người cao ngất ngưỡng, Singapore tuy chỉ có vài triệu dân, nhưng mua bản quyền với giá cao vút.

Thái Lan là một hình thức khác: 9 doanh nghiệp hùn nhau bỏ ra 44 triệu USD để mua bản quyền phát cho dân xem. Dĩ nhiên, họ cũng sẽ gỡ gạc lại bằng quảng cáo, nhưng có lỗ đi nữa thì cũng xem như có món quà giá trị tặng người hâm mộ (cũng là một cách quảng cáo thương hiệu).

Rồi một dạng nữa là Lào, Campuchia… thì giống như Việt Nam hồi World Cup 1994, 1998, do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên được hưởng chính sách "quảng bá" của FIFA, nên chỉ phải mua với giá tượng trưng. Và cái được của FIFA là quảng bá môn thể thao vua.

Tóm lại, tất cả đều xoay quanh quy luật thị trường.

Riêng Việt Nam, nhìn lại câu chuyện xem World Cup, có thể tổng kết thế này: trong hai kỳ 1982, 1986, chúng ta coi ké Liên Xô cũ nên được chăng hay chớ. Đến 1994 và 1998, khi đất nước mở cửa, nhưng do còn khó khăn nên được hưởng chính sách "quảng bá" của FIFA.

Nhưng từ 2002, thì phải bỏ tiền ra mua với giá cũng còn ưu đãi là 2 triệu USD. Rồi sau đó, nhìn vào nền kinh tế phát triển của Việt Nam, người ta đã nâng dần lên. Điều thú vị của thị trường này là người bán không căn cứ vào số lượng người coi để ra giá, mà họ xét nhiều đến yếu tố nền kinh tế.

Chính vì vậy, mới có chuyện Singapore chỉ vài triệu dân nhưng mua bản quyền đến 18,6 triệu USD; hay Thái Lan có dân số chỉ bằng 2/3 chúng ta nhưng phải mua đến gần 44 triệu USD…

Trở lại chuyện Việt Nam, thật lòng mà nói, chúng ta chưa có thị trường đúng nghĩa trong lĩnh vực này. Ai bảo dân Việt quen xài bao cấp, giờ phải tập thói quen theo thị trường, bỏ tiền mà mua quyền xem World Cup cũng đúng. Nhưng ai đổ lỗi cho VTV kém cũng không sai! Tại sao như vậy?

Xin nhắc lại một câu chuyện cũ: Hồi K+ mua bản quyền bóng đá Anh để phát độc quyền, tôi có một cuộc phỏng vấn với vị giám đốc người Nhật của công ty Dentsu tại Việt Nam (công ty này từng mua bản quyền truyền hình World cup tại VN hồi năm 2010).

Vị này bày tỏ sự ngạc nhiên:" Với giá thuê bao chỉ khoảng 10USD/Tháng, tôi thấy nó quá rẻ với những gì mà K+ cung cấp cho người xem. Vì vậy, tôi thật sự không hiểu vì sao người xem truyền hình ỏ VN lại phản đối?".

Tôi có nói lại với vị này rằng: Nếu K+ là một đơn vị tư nhân 100% thì có lẽ người xem truyền hình sẽ không có ý kiến. Tuy nhiên, K+ là con của VTV, khi đài này góp vốn 51% với Canal Plus để sinh ra K+. Mà VTV là ai? VTV có được như ngày hôm nay là nhờ được nuôi bằng tiền thuế của dân. Ngay cái vốn mà VTV góp với Canal Plus chính là cơ sở hạ tầng ở Vĩnh Yên, là tài sản sở hữu toàn dân chứ không phải của riêng VTV". Vị giám đốc người Nhật đã chấp nhận lời giải thích đó.

Tương tự, với World Cup, nếu VTV là một đài truyền hình quốc gia đúng nghĩa (giống như phần lớn các nước khác), thì họ chả quan tâm đến giải đấu này vì Việt Nam không có đội bóng tham gia nên  không có trách nhiệm tuyên truyền về sự kiện này. Nhưng nghiệt một nỗi, họ lại có "hai đứa con" tham gia thị trường là K+ và VTVCab.

Chính việc đóng hai vai, vừa làm nhiệm vụ tuyên truyền, vừa tham gia thị trường, nên mới khiến chuyện bản quyền World Cup trở nên rối rắm!

Nhưng biết làm sao bây giờ, Việt Nam mình thế nên đành phải chịu.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,407,640       3/1,040